DIENDANDOANHNGHIEP.VN Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp; tiên phong xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam… sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của VCCI trong nhiệm kỳ 2021- 2026.
Sáng nay, (31/12), thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư TW Đảng, theo Điều lệ của VCCI được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VCCI tiếp tục tổ chức Phiên toàn thể Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026. Đại hội sự hiện diện của gần 450 đại biểu chính thức đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tiêu biểu thuộc mọi thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế từ khắp mọi miền của tổ quốc.
Sau 35 năm đổi mới, sự đồng hành, sát cánh của VCCI với cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần tạo ra thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao.
Nâng cao vị thế
Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ 2015- 2020, các hoạt động chính như xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại – đầu tư, đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp,… đã được VCCI đẩy mạnh. Cụ thể, tăng 20% so với nhiệm kỳ trước, đạt mức độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm.
Với vai trò là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, chủ lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, luôn đòi hỏi VCCI cần có những đổi mới căn bản, kịp thời về định hướng phát triển của tổ chức, cơ chế hoạt động, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Chính vì vậy, tại cuộc làm gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “đặt hàng” VCCI và cộng đồng doanh nghiệp hiến kế cho Quốc hội về chiến lược tổng thể phục hồi và phát triển nền kinh tế. Đồng thời, ông đề nghị VCCI nghiên cứu về xu hướng kinh doanh thời hậu COVID– 19 như thế nào, tận dụng cơ hội từ Covid – 19 ra sao, cách thức để vượt qua những rủi ro pháp lý hậu đại dịch, những ngành, lĩnh vực nào có thể bứt phá được sau đại dịch… để đóng góp ý kiến cho Quốc hội.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị VCCI cải tiến, đổi mới công tác lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo hướng phải ngồi lại với nhau, bàn cho ra nhẽ thì mới hiệu quả được.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cộng đồng doanh nghiệp: Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc “giữ chân” người lao động, chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ…
Những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi VCCI sẽ phải “sát cánh” hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp. VCCI phải tăng cường tiếp xúc và lắng nghe từng “hơi thở” của doanh nghiệp để có những khuyến nghị kịp thời hơn nữa.
Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam do VCCI, VBCSD-VCCI tổ chức có chủ đề “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI 2021).
Mục tiêu cụ thể
Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đòi hỏi VCCI phải có những đổi thay về mặt tư duy cũng như hành động để bắt kịp xu thế thời đại. Trong nhiệm kỳ 2021-2025, tầm nhìn của VCCI là: “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”.
Nhằm hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp, nhiệm kỳ 2021- 2026, VCCI đặt ra các chỉ tiêu rất cụ thể như: Tổ chức đánh giá, xếp loại hàng năm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố; Thu hút 5000 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI), tập trung vào các ngành da giày, túi xách, thủy hải sản; Xây dựng và triển khai Bộ chỉ số Xanh (Green Index), thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương, doanh nghiệp; Xây dựng và triển khai hiệu quả từ 5 – 10 chương trình, dự án, nhiệm vụ ở quy mô quốc gia hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh như; đào tạo CEO, tái cấu trúc, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị…
Để thực hiện các chỉ tiêu trên, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết: VCCI đề ra 6 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm gồm: Chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh; Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển HHDN và hội viên; Phát triển đội ngũ doanh nhân; tiên phong thúc đẩy xây dựng hoá kinh doanh Việt Nam; Tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của VCCI.
VCCI cũng xác định 3 đột phá chiến lược gồm tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh; Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa của doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp; Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh.
PHAN NAM