VHDN – “Lưu Lập Đức à, vùng quê bên dòng Đa Nhim này, đồng bào Tày, Nùng, Thái… ai mà không biết cậu ấy. Đó là chàng trai năng động, mạnh mẽ, luôn hướng đến lợi ích cộng đồng. Nếu được ví, tôi nghĩ, Lưu Lập Đức như điệu sli bên dòng Đa Nhim, đó là sự kết nối và lan tỏa để cùng nhau hướng tới điều tốt đẹp”, ông Hoàng Văn Quang, người Nùng, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), nói.
Lưu Lập Đức đứng trong Top 100 doanh nhân trẻ Việt Nam khởi nghiệp xuất sắc năm 2021.
Hôm tôi đến, Lưu Lập Đức đang tất bật trên cánh đồng rau với những nhà nông liên kết làm ăn với công ty anh. Khó để nhận ra đó là ông chủ, Giám đốc điều hành công ty TNHH Agri Đức Tiến, miệng nói, tay làm; anh trao đổi, phổ biến thêm những công nghệ mới, cách làm mới cho những nông hộ liên kết để sản xuất rau đạt theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Hoàng Văn Quang là một trong 20 hộ người Tày, Nùng, Kinh… “bắt tay” cùng công ty của Lưu Lập Đức sản xuất rau tiêu chuẩn VietGAP.
– Sao ông lại ví Lưu Lập Đức như điệu sli bên dòng Đa Nhim? – Tôi gợi chuyện. Ông Quang bảo: “Đúng vậy đó, bố anh ấy là người Tày, gốc Lạng Sơn; mẹ là người Nùng, gốc Bắc Giang. Nhắc đến người Tày, Nùng nhiều người nghĩ ngay đến di sản hát then, đàn tính. Nhưng sli thì ai cũng biết hát, nhiều thể loại, cung bậc, sắc thái lắm. Cùng với phong slư, lượn, soong hao… thì sli không thể thiếu trong những ngày hội, dịp vui và trong đời sống thường ngày với đồng bào Tày, Nùng. Mình ví Đức vậy chuẩn rồi còn gì…”, ông Quang cười sảng khoái.
Lưu Lập Đức trao đổi kỹ thuật canh tác rau với hộ liên kết sản xuất
Lưu Lập Đức chào đời ở vùng đất bazan mỡ màu năm 1992. Vùng Nam Sơn, phía nam sông Đa Nhim, huyện Đức Trọng là nơi quần tụ sinh sống của người Tày, Nùng di cư từ miền đông bắc vào từ rất lâu rồi. Một thời gian dài trải cuộc mưu sinh trên vùng đất mới, đời sống cư dân nơi đây gắn với cây lúa nước, vài hộ làm la-ghim (rau màu), tạm trang trải cuộc sống. Đức kể, cha anh, ông Lưu Tử Minh (1968) ở đầu làng trên quê mới, mẹ là Vi Thị Kim Loan (1970) ở cuối làng. Không cùng văn hóa tộc người, nhưng chàng trai Tày và cô gái Nùng đã cùng hòa điệu sli giao duyên rồi về chung một nhà. Kết quả mối tình ấy là ba người con trai, Đức là anh cả. “Có lẽ cái tên bố mẹ đặt đã vận vào mình, mình không thể dập tắt sự kỳ vọng bố mẹ gửi gắm, phải “lập đức” thành trên quê hương mới”, Lưu Lập Đức chia sẻ.
– Giờ có thể nói Đức đã thực hiện được hoài bão? – Tôi xen ngang câu chuyện. Chàng trai người Tày cười: “Dù đã có những kết quả như mơ, nhưng đó mới là những trải nghiệm bước đầu trên con đường khởi nghiệp. Em mong ước vùng quê mình đổi thay hơn nữa, giàu đẹp hơn nữa. Muốn vậy thì phải chung sức, đoàn kết làm ăn”.
Vùng quê Lưu Lập Đức sinh ra và lớn lên rất có tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhưng với cách nghĩ, cách làm truyền thống, cuộc sống những gia đình nông phu ở đây chỉ tạm đủ bên những luống rau và cây lúa nước. Sớm nhận ra điều đó, năm 2014, sau khi rời quân ngũ trở về, anh quyết định chọn nông nghiệp để khởi nghiệp ngay trên chính quê hương mình. “Lúc bấy giờ mình nghĩ, phải làm sao để đưa nông sản của gia đình và của nhà nông nơi đây đến được với thị trường hiệu quả, bảo đảm chất lượng và đầu ra. Sau nhiều chuyến tìm hiểu, mình quyết định thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản”, Lưu Lập Đức nói.
Lưu Lập Đức trên cánh đồng rau của hộ liên kết sản xuất
Khi đã liên kết được sản xuất với 20 nhà nông địa phương, trong đó phân nửa là đồng bào dân tộc thiểu số, Lưu Lập Đức bắt đầu hành trình tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường. Anh đi khắp các vùng miền Tổ quốc để khảo sát, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu tiêu thụ nông sản. Đức kể, thời gian đầu, anh liên tục đi đến các tỉnh, thành phố khu vực phía nam, mang theo rau, củ của chuỗi liên kết tận tay giới thiệu với những nhà hàng, cửa hàng thực phẩm và một số siêu thị lớn. “Cầm trong tay hợp đồng ký kết tiêu thụ đầu tiên, với 100kg rau mỗi ngày, niềm vui không thể tả. Hợp đồng đó đã tiếp thêm sức mạnh để mình chuyển hướng trồng rau công nghệ cao và từng bước mở rộng thị trường”, Đức chia sẻ.
Khi đã kết nối được đầu ra, Đức bắt tay mở rộng quỹ đất, nghiên cứu quy trình, tiêu chuẩn sản xuất, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm rau tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, xây dựng một nơi tạm gọi là trung tâm, để hướng dẫn cho hộ liên kết về quy trình sản xuất và tập kết sản phẩm. “Ở quân đội, trong những buổi sinh hoạt tư tưởng, mình được tôi rèn nhiều lắm. Nhất là được nghe những câu chuyện về Bác Hồ, thấm lắm. Bác dạy: “Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng…”. Và mình luôn mang tinh thần ấy để khởi nghiệp”, Lưu Lập Đức kể.
Quá trình “bắt tay” làm ăn, Đức luôn khuyến cáo các hộ liên kết sản xuất rằng, chất lượng và sự chuyên nghiệp chắc chắn sẽ tạo niềm tin vững chắc cho khách hàng. Anh tích cực truyền đạt, thay đổi phương thức sản xuất mới, ứng dụng khoa học-công nghệ; nhờ đó, thị trường nông sản của tổ liên kết từng bước được mở rộng, vào siêu thị Bách hóa xanh và có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị lớn như Big C, CoopMart… tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước. “Bạn hàng tăng theo cấp số nhân, bình quân mỗi ngày, mình cung cấp từ 7 đến 10 tấn rau. Đó là tiền đề để năm 2019, mình quyết định thành lập Công ty TNHH Agri Đức Tiến”, Đức cho biết.
Hiện tại công ty của Lưu Lập Đức có hơn 60 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ, tổng diện tích liên kết sản xuất hơn 15ha; sản lượng rau xuất thị trường hàng ngày hơn 15 tấn, chủ yếu thị trường trong nước và xuất khẩu qua trung gian, doanh thu mỗi năm đạt từ 18 đến 20 tỷ đồng. “Môi trường quân đội đã rèn mình thành người chịu “sát thương” cao, cùng với khí thế của tuổi trẻ lập nghiệp, khó mấy cũng vượt qua”, Lưu Lập Đức cười.
Lưu Lập Đức được tín nhiệm tham gia BCH Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2025
Năm 2017, Lưu Lập Đức được Đoàn thanh niên thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng giới thiệu vào Đảng. Sau đó hai năm, anh được bầu vào Ban chấp hành Đoàn thanh niên thị trấn. “Thanh niên làm theo lời Bác mà, không có việc gì khó…”, chàng trai ấy lại cười. Trước khi gặp Đức, tôi gọi điện cho Bí thư Huyện đoàn Đức Trọng Nguyễn Thị Định, chị bảo: “Đó là tấm gương giàu cảm xúc, hình ảnh tiêu biểu về thanh niên khởi nghiệp tại địa phương. Mới đây, cậu ấy được UBND tỉnh Lâm Đồng tuyên dương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ đó”.
Giữa năm 2022, Lưu Lập Đức được tín nhiệm tham gia BCH Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2021-2025. Dạo bước cùng doanh nhân trẻ, đảng viên người Tày trên những cánh đồng rau xanh mướt, ngắm nhìn những ánh mắt, hòa trong nụ cười của những nông phu nơi đây, tôi cảm được sự đổi thay mạnh mẽ của vùng quê bên dòng Đa Nhim tươi mát. Đức kể, để có được thành quả như hôm nay có cả vị mặn chát của mồ hôi và nước mắt. Năm 2010, học xong phổ thông, anh đi bộ đội tại Tây Ninh và quyết tâm ở lại môi trường quân đội. Nhưng, năm 2014, tai họa bất ngờ giáng xuống gia đình anh, bố làm thợ xây bị tai nạn lao động qua đời. Sau tang cha, thiếu úy Lưu Lập Đức quyết định trở về bên mẹ và khởi nghiệp tại quê nhà. Hàng ngày, giọng then, câu sli của mẹ và bà con đồng tộc đã vỗ về anh, tiếp cho chàng trai tuổi 22 luồng sinh khí mới. “Từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của đoàn thanh niên, cùng với vay mượn và một “nguồn” rất tế nhị là tiền phúng viếng bố, mình bắt đầu khởi nghiệp”, Lưu Lập Đức bộc bạch.
Từ những trải nghiệm của mình, Đức luôn mong muốn giúp các bạn trẻ địa phương khởi nghiệp. Những năm qua, anh đã góp sức cùng tổ chức đoàn địa phương và Tỉnh đoàn Lâm Đồng, hỗ trợ thanh niên qua các hoạt động hướng dẫn chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp; kết nối bạn trẻ khởi nghiệp trong tỉnh để hỗ trợ liên kết, giúp đỡ nhau; tài trợ giải thưởng cho các ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên, hỗ trợ chương trình thanh niên khởi nghiệp của tỉnh đoàn… Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng Trần Thị Chúc Quỳnh nói ngắn gọn: “Lưu Lập Đức là hình ảnh rất đẹp”. Anh là một trong 10 thanh niên tiêu biểu cả nước được dự Đại hội 13 của Đảng; năm 2000, Lưu Lập Đức được trao Giải thưởng Lương Định Của; bằng khen Thủ tướng Chính phủ và là đại biểu Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc. Năm 2021, giám đốc điều hành Công ty TNHH Agri Đức Tiến đứng trong Top 100 doanh nhân trẻ Việt Nam khởi nghiệp xuất sắc.
Lưu Lập Đức tham gia cùng Hội Doanh nhân trẻ và tuổi trẻ Lâm Đồng, Hội Doanh nhân Sài Gòn tổ chức trong chuyến thiện nguyện tại xã vùng sâu huyện Di Linh, Lâm Đồng
Trong làn sóng đại dịch Covid-19 vừa qua, chàng trai người Tày vẫn vững vàng chèo lái công ty của mình vượt qua khó khăn. Đồng thời, góp sức giải cứu nông sản cho hàng chục nông hộ, hỗ trợ nông sản cho các “chuyến xe yêu thương” giúp các vùng dịch phía nam; tích cực tham gia các chương trình thiện nguyện của đoàn thanh niên… “Muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Mình có ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ từ nhiều phía, ơn nghĩa đó biết bao giờ trả hết. Thôi thì việc gì tốt, có lợi cho cộng đồng thì hết sức làm, như lời Bác đã dạy”, Lưu Lập Đức giãi bày.
Chiều Nam Tây Nguyên nắng như mật. Chia tay chàng trai người Tày bên dòng Đa Nhim xanh mát, tôi ám ảnh mãi ánh mắt, nụ cười của những nông phu người Tày, Nùng… trên những vườn rau. Hương hoa cải thoảng bay trong gió, chợt tự đâu đó cất lên điệu sli đíp hòa nhịp cuộc sống xanh nơi đây.
Mai Văn Bảo