Ngày 17/12/2020 tại phòng xử án Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội chật cứng người theo dõi phiên tòa xử phúc thẩm vụ án: “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”. Theo dõi phiên tòa có đầy đủ các thành phần từ nhân viên, cán bộ, tổ chức Công đoàn của Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế SD (bị đơn – tên công ty đã được viết tắt) cho đến người thân, bạn bè của ông Phạm Văn T (nguyên đơn) tất cả đều tò mò chờ xem phán quyết của Tòa án.
Ngày 04/12/2018 ông Phạm Văn T có ký Hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế SD với công việc là điều hành hoạt động công ty với mức lương 70 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên trong 03 tháng đầu thỏa thuận ông Phạm Văn T nhận được 50% tiền lương theo hợp đồng.
Ngày Ngày 31/12/2018 (sau 26 ngày ông Phạm Văn T làm việc), Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế SD ra “Thông Báo kết thúc công việc của giám đốc điều hành” là ông Phạm Văn T, ngay trong ngày 31/12/2018 mà không thông báo trước và tuân thủ theo Luật lao động.
Trước cách hành xử của Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế SD, ông Phạm Văn T đã khởi kiện Công ty trên ra Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm với yêu cầu buộc Công ty bồi thường vì đã “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” với số tiền 1.767.500.000đ (Một tỷ bảy trăm sáu bảy triệu năm trăm nghìn đồng) cụ thể các khoản như sau:
50% của 11 tháng lương theo điều 9.3 của Hợp đồng lao động, do bị Công ty sa thải lao động trái pháp luật 70 triệu đồng X 50% =35 triệu X 11 tháng = 385 triệu đồng.
Bồi thường (đền bù về tổn thất tinh thần) 06 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động là: 70 triệu đồng X 06 tháng = 420 triệu đồng (khoản 01 Điều 42 Luật lao động).
30 ngày vi phạm về thời hạn báo trước tương đương với 70 triệu đồng (Khoản 5 Điều 42 Luật lao động).
06 tháng 15 ngày lương kể từ ngày bị Công ty sa thải lao động trái pháp luật (tính đến ngày nộp đơn khởi kiện) cho những ngày không được làm việc: từ ngày 31/12/2019 đến ngày 15/7/2019 với mức lương quy định của Hợp đồng lao động là 70 triệu/tháng X 06 tháng 15 ngày = 455 triệu đồng (Khoản 1 Điều 42 Luật lao động).
Do Công ty sa thải lao động trái pháp luật ngoài ảnh hưởng đến kinh tế còn ảnh hưởng đến danh dự của ông Phạm Văn T do vậy ông Phạm Văn T không muốn tiếp tục làm việc nên ông yêu cầu Công ty trả cho ông khoản tiền bồi thường thêm để chấm dứt hợp đồng lao động (Khoản 3 Điều 42 BLLĐ) là: 06 tháng tiền lương 70 triệu đồng X 06 tháng = 420 triệu đồng.
Công ty còn thiếu của ông Phạm Văn T 50% tháng lương đã làm việc chưa trả là: 17.500.000đ (mười bảy triệu năm trăm nghìn đồng).
Tổng số tiền ông Phạm Văn T yêu cầu Công ty nơi ông làm việc phải trả cho ông là: 1.767.500.000đ (Một tỷ bảy trăm sáu mươi bảy triệu năm trăm nghìn đồng).
Đồng hành bị đơn để đòi lại quyền lợi cho người lao động trong 2 phiên tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm là Luật sư Vũ Minh Tiến – Luật sư Ban Pháp chế của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân. Tại phiên tòa sơ thẩm, Luật sư Vũ Minh Tiến đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đã rút một phần đơn khởi kiện đối với 2 khoản tiền: Bồi thường tổn thất về tinh thần số tiền 420 triệu đồng và bồi thường thêm để chấm dứt hợp đồng lao động số tiền 420 triệu đồng. Tiếp tục yêu cầu bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 927.500.000đ (Chín trăm hai bảy triệu năm trăm nghìn đồng).
Luật sư Nguyễn Đức T đại diện theo ủy quyền của bị đơn không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm giải quyết chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn (người lao động).
Sau phần tranh luận nảy lửa của 2 luật sư đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và bị đơn. Tòa Sơ thẩm Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm đã ra Quyết định: Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã tự nguyện rút với số tiền 840 triệu đồng và buộc Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế SD phải trả cho người lao động – nguyên đơn số tiền 717.500.000đ (Bảy trăm mười bảy triệu năm trăm nghìn đồng) cho các khoản sau:
50% tháng lương còn thiếu của người lao động đã làm chưa trả: 17.500.000đ (Mười bảy triệu năm trăm nghìn đồng).
Tiền đền bù 50% của 11 tháng lương theo điều 9.3 của Hợp đồng lao động 245 triệu đồng.
Tiền tương đương 06 tháng 15 ngày lương kể từ ngày người lao động bị sa thải không được làm việc số tiền 385 triệu đồng.
Tiền vi phạm do không báo trước 70 triệu đồng.
Kết thúc phiên tòa Sơ thẩm cả phía bị đơn và nguyên đơn đều có kháng cáo. Tại phiên tòa Phúc thẩm phía bị đơn đã cung cấp thêm chứng cứ mới là “vi bằng ghi nhận việc trao đổi giữa nguyên đơn và bị đơn” thể hiện nguyên đơn là tự ý nghỉ việc, không phải do Công ty sa thải hay đơn phương chấm dứt hợp động lao động. Tuy nhiên với quan điểm của nguyên đơn, việc trao đổi chấm dứt hợp đồng lao động từ vi bằng là có sau thông báo kết thúc công việc, đồng thời chứng cứ này không được tòa án chấp nhận vì đã hết thời hạn cung cấp, công khai chứng cứ.
Trong phần tuyên án, Thẩm phán chủ tọa tuyên: Chấp nhận kháng cáo của cả hai phía, sửa một phần bản án Sơ thẩm và tuyên: Buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tổng số tiền là 612.500.000đ (Sáu trăm mười hai triệu năm trăm nghìn đồng) do vi “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật” theo đúng quy định của Bộ Luật lao động.
Có thể thấy rằng, đây là vụ án tưởng chừng đơn giản nhưng thật sự không phải đơn giản, vụ án đã đem lại nhiều niềm vui và nỗi buồn cho những người tham dự phiên tòa. Vui vì quyền lợi của người lao động được đảm bảo, người lao động luôn được cho là yếu thế trong những vụ tranh chấp với các doanh nghiệp có điều kiện, nhất là các doanh nghiệp lớn có bộ phận Pháp chế, có sự hiểu biết và kiến thức về pháp luật. Buồn vì trong thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng những quy định của pháp luật dẫn đến quyền lợi của người lao động bị coi thường, và không phải trường hợp nào quyền lợi của người lao động cũng được bảo vệ và nhận được đền bù thiệt hại. Thật đáng biểu dương tinh thần chiến đấu của luật sư bảo vệ người lao động và phán quyết đầy công bằng của vị Chủ tọa phiên tòa.
Luật sư: Vũ Minh Tiến