VHDN – Bút đóng vai trò quan trọng trong mọi thứ, từ việc ký tên một giao dịch trị giá hàng tỉ đô la, tạo một văn bản truyền tải thông điệp hay đơn giản là vài vết nguệch ngoạc trên giấy. Trong hành trình hơn 40 năm đó, cây bút “Thiên Long” đã biến một vật “vô tri vô giác” này đóng tất cả các vai trò trong cuộc sống hàng ngày và ghi lại nhiều tình cảm, kỷ niệm đẹp của bao thế hệ người Việt.
Doanh nhân Cô Gia Thọ Năm sinh: 1958, quê quán: Trung Quốc Chức vụ:
Cổ phiếu đang nắm giữ:
|
GIẢI THƯỞNG TIÊU BIỂU
Top 50 Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam (2013-2022)
Top 50 Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam (2013-2022)
Top 10 Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt năm 2003, 2018, 2021-2022
Doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2022
Giải thưởng “Hàng Việt Nam chất lượng cao” (1997-2022)
Top 100 Doanh nghiệp bền vững Chương trình CSI (2016-2022)
Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững 2022 (TOP50 CSA) – Khối Doanh nghiệp niêm yết
Mọi phát minh trong lịch sử không nằm ngoài mục tiêu làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, thuận tiện hơn. Chẳng hạn, từ xa xưa văn bản là để truyền tải thông điệp cho nhiều người ở nhiều nơi khác nhau. Và cây bút là công cụ được sử dụng bởi bộ não, bàn tay và trí tưởng tượng, biến đổi vật lý loại mực vô hồn thành biểu hiện của tâm trí và trái tim chúng ta.
Giấc mơ cây bút đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam
Dù cây bút đầu tiên trên thế giới ra đời ra đời cách đây rất lâu với mục tiêu là ghi lại những thành tựu sáng tạo của nền văn minh loài người. Tuy nhiên, cây bút bi đầu tiên sản xuất tại Việt Nam chỉ ra đời cách đây hơn 40 năm, đây cũng là cây bút mang thương hiệu Thiên Long.
Người sáng lập thương hiệu Thiên Long chính là Doanh nhân Cô Gia Thọ. Sinh ra trong một gia đình nghèo gốc Hoa tại Tp.HCM, ông Thọ từ nhỏ quen với hai từ “bán dạo” từ vé số đến thuốc lá để phụ giúp gia đình. Cuộc sống vô vàn khó khăn đến khi ông chuyển qua nghề bán bút bi dạo. Bén duyên với cây bút, ông nảy sinh ý tưởng làm bút bi để bán, khởi đầu với chiếc máy ép nhựa bằng tay, khi đó ông vừa làm vừa đi bán hàng bằng xe đạp, gom góp ít vốn mua nguyên liệu làm bút.
Năm 1981, sau khoảng thời gian kinh doanh bút bi, ông chủ Thiên Long thời đó là Cô Gia Thọ luôn mang trong mình một giấc mơ: tạo ra cây bút mang thương hiệu Việt Nam. Cũng trong năm này, với toàn bộ tài sản chỉ gần 2 cây vàng trong tay, cơ sở bút bi Thiên Long quy mô khiêm tốn đầu tiên được thành lập tại Q.6, Tp.HCM trong bối cảnh thị trường Việt Nam thời đó tràn ngập các sản phẩm ngoại nhập. Thời đó, thị trường bút viết Việt Nam hầu như do Thái Lan và Campuchia nắm giữ, bút viết cũng rất hiếm, chủ yếu là bút bơm mực vào sử dụng nhiều lần.
Doanh nhân Cô Gia Thọ
Vào những năm đầu thành lập, Việt Nam hầu như chưa hình thành khái niệm về nhà phân phối hay nhà bán lẻ, tâm lý thị trường thời đó là ưa chuộng sản phẩm ngoại nhập, sản phẩm Thiên Long do mới ra đời chưa thế thuyết phục được người tiêu dùng, chủ yếu chào bán cho các tiểu thương nhỏ tại các chợ đầu mối. Tình cảnh lúc đó khó khăn đến nỗi bản thân ông Cô Gia Thọ cùng các cộng sự của mình phải tự mang sản phẩm đi chào bán khắp các tỉnh miền Tây, miền Trung và cả miền Bắc.
Cái tên đầu tiên cho sản phẩm bút bi do ông Cô Gia Thọ tạo ra không phải là Thiên Long mà là Vũ Trụ. Cây viết mang tên Vũ Trụ thời đó làm thủ công, mẫu mã đơn giản, tự ông sản xuất và mang đi bán.
Đến năm 1985, cái tên Thiên Long mới ra đời thay thế cho cái tên Vũ Trụ. Theo ông Cô GiaThọ, Thiên Long có ý nghĩa đặc biệt, một là mang ý niệm con rồng cháu tiên, hai là thể hiện mong muốn thuận buồm xuôi gió trên con đường khởi nghiệp của ông. 10 năm sau, cái tên Cô Gia Thọ đã trở thành ông chủ cơ sở sản xuất bút bi Thiên Long với thị phần trong nước ngày một tăng.
Chủ tịch Thiên Long cho biết thành công của ông đến từ sự học hỏi và cố gắng không ngừng nghỉ, bởi ông không được đào tạo trường lớp, cũng không được trang bị kiến thức về kinh doanh. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của Thiên Long và ông chủ Cô Gia Thọ không thể không có yếu tố may mắn. May mắn đầu tiên đến với bản thân ông chủ. Vào thời điểm 1993, khi làn sóng các nhà đầu tư Đài Loan bước vào thị trường Việt Nam, chính phủ Đài Loan có chương trình hỗ trợ doanh dân trẻ người Hoa đi học về quản trị kinh doanh miễn phí tại Đài Bắc, ông Cô Gia Thọ đã tận dụng cơ hội này để học hỏi và nâng cao kiến thức về quản trị kinh doanh. Thứ hai, Thiên Long được Sở Lao động Thương binh & Xã hội hỗ trợ chương trình vay vốn 200 triệu đồng không lãi suất đối với doanh nghiệp thuê xưởng với quy mô 200 công nhân.
Từ 2 may mắn này, ông Cô Gia Thọ một mặt mở rộng kiến thức kinh doanh cho bản thân, mặt khác mở rộng sản xuất, thuê 200 công nhân, tăng số lượng đơn hàng, tiếp cận thị trường lớn hơn và Thiên Long bắt đầu trên đà phát triển.
Chiếm lĩnh thị trường, vươn tầm quốc tế
Thời điểm Thiên Long bắt đầu phát triển là khi chính thức thành lập Công ty TNHH SX – TM Thiên Long vào năm 1996, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới cả về chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, đa dạng hoá mẫu mã và phát triển thị trường thiêu thụ trên toàn quốc.
Năm 1997, Thiên Long chính thức chiếm lĩnh thị trường bút bi trong nước và quan trọng hơn, thương hiệu Thiên Long trở thành biểu tượng học đường, gắn liển với nhiều thế hệ học sinh.
Năm 2005, tiếp đà phát triển, Công ty TNHH SX – TM Thiên Long chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần SX – TM Thiên Long với vốn điều lệ lên đến 100.000.000.000 VND. Năm 2006, công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 120.000.000.000 VND. Giai đoạn 2005 – 2007 cũng ghi dấu sự phát triển mạnh mẽ của thương hiệu Thiên Long.
Giai đoạn 2008 – 2011, một lần nữa Thiên Long đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long và niêm yết cổ phiểu tại sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM vào năm 2010, tăng vốn điều lệ lên 176.500.000.000. Điểm nhấn trong giai đoạn này là Thiên Long bước đầu xâm nhập thị trường quốc tế.
Kế hoạch thâm nhập thị trường quốc tế được đánh dấu bằng việc tham dự Hội chợ văn phòng phẩm lớn nhất thế giới: Paperworld (tại Đức) – một điểm đột phá của Thiên Long. Đơn hàng xuất khẩu đầu tiên của Thiên Long là ở thị trường Cambodia, từ thị trường này, Thiên Long bắt đầu mở rộng sang các nước Đông Nam Á, các nước châu Âu. Từ sự hoài nghi ban đầu (về tham vọng xuất khẩu), sự thành công tại thị trường quốc tế cho thấy Thiên Long đã đi đúng hướng.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng doanh thu xuất khẩu tại Philippines năm 2016 đạt 122% và Myanmar là 49%, tương ứng với 34% và 50% lần lượt ghi nhận tạo Cambodia và Lào. Riêng tại thị trường Thái Lan, thị trường cạnh tranh bậc nhất khu vực Đông Nam Á, sản phẩm của Thiên Long cũng có mặt.
Giai đoạn 2012 – 2016, Thiên Long vươn mình trở thành nhãn hiệu văn phòng phẩm số 1 Việt Nam. Và sau nhiều lần phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long tăng lên đến 294.714.650.000 VND. Điểm nhấn trong giai đoạn này là Thiên Long chiếm 60% thị phần trong nước cũng như tiếp tục gia tăng xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Giai đoạn 2018 – 2019, vốn điều lệ tăng lên hơn 777 tỷ đổng, mở rộng xuất khẩu sang 65 quốc gia, đặc biệt là công ty trong giai đoạn này đã hoàn tất bản đổ xuất khẩu tại Đông Nam Á. Và ra mắt website thương mại điện tử flexoffice.com
Một điểm nhấn tiếp theo trong hành trình mở rộng thị trường xuất khẩu của Thiên Long là việc thành lập Công ty Thương mại tại Singapore mang tên FlexOffice Pte. Ltd và vốn điều lệ tăng lên 778 tỷ VND.
Đến năm 2002, một loạt các sự kiện nổi bật đã diễn ra bao gồm: tăng phần góp vốn tại Công ty TNHH SX – TM Nam Thiên Long lên 650 tỷ đồng; khánh thành nhà máy mới B2 thuộc Công ty TNHH XS – TM Thiên Long Thành; góp vốn (25% vốn điều lệ) thành lập công ty Pega Holding. FlexOffice Pte.Ltd (60% vốn điều lệ), thành lập công ty ICCO Marketing (M) SDN.BHD, công ty TNHH MTV TM – DV Tân Lực Miền Nam (góp 70% vốn điều lệ) thành lập công ty CTCP Center World.
Trong hành trình hơn 40 năm thương hiệu Thiên Long, từ một cây bút bi nhỏ nhắn, đơn giản, đến nay, Thiên Long đã sở hữu 5 dòng sản phẩm gồm bút viết, văn phòng phẩm, dụng cụ học sinh, dụng cụ mỹ thuật và sản phẩm cao cấp. Không dừng lại ở đó, Thiên Long đã đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng bản đồ văn phòng phẩm tại 67 quốc gia, có mặt tại 11/11 nước Đông Nam Á và chinh phục nhiều thị trường khó tính khác như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
“Bí quyết” đơn giản – “Sự học là cả đời”
Đằng sau cây bút bi nhỏ nhắn, đơn giản là sự nỗ lực không ngừng của ông chủ thương hiệu Thiên Long. Lần thứ 2 trong vòng 10 năm, ông Cô Gia Thọ tiếp tục nâng cao kiến thức quản trị kinh doanh khi tham gia nhiều chương trình đào tạo trong vào ngoài nước, thậm chí ông sang Mỹ tham quan các mô hình nhà máy, gặp gỡ nhiều chuyên gia để học hỏi kinh nghiệm.
Với mục tiêu đưa Thiên Long phát triển lên một tầm cao mới, ông cũng bắt đầu tìm hiểu về thị trường chứng khoán tại Mỹ. Kết quả là năm 2010, Thiên Long được niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây là kết quả sau gần 10 năm tìm hiểu thị trường chứng khoán của ông Cô Gia Thọ và 5 năm chuẩn bị mọi mặt từ sản phẩm đến nhân sự của Tập đoàn.
Kể từ đây, Thiên Long bước vào giai đoạn tuyển người tài, kỹ sử giỏi. Ông Cô Gia Thọ cũng tiếp tục quá trình học hỏi ngay từ chính nhân viên của mình. Trong giai đoạn này, Thiên Long cho ra đời slogan “Sự học là trọn đời” và hiện nay là “sức mạnh của tri thức”. Chính tri thức nun nấu từ sự kiên trì học tập của ông đã tạo nên một thương hiệu lớn mạnh như Thiên Long.
Hành trình hơn 40 cây bút “Thiên Long” viết nên cuộc sống hàng ngày và ghi lại nhiều tình cảm, kỷ niệm đẹp của bao thế hệ người Việt.
Tinh thần vững vàng bất chấp khủng hoảng
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nhân phải đủ táo bạo để đưa ra các giải pháp đối mặt với khủng hoảng và tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng.
Điều này hoàn toàn đúng với hoàn cảnh của Doanh nhân Cô Gia Thọ, thậm chí ông đã trải qua 3 lần khủng hoảng và vẫn đứng vững nhờ tinh thần doanh nhân vững vàng.
Ngoài cuộc khủng khoảng gần nhất là đại dịch Covid-19, Thiên Long cũng thành công vượt qua 2 cuộc khủng hoảng trước đó bao gồm khủng hoảng tài chính tại châu Á năm 1997 – 1998 tại Thái Lan và lan sang các nền kinh tế lân cận sau đó và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Riêng với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Thiên Long không bị ảnh hưởng nhiều do thời điểm đó quy mô công ty còn nhỏ. Với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khi đó Thiên Long đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Vào thời điểm này, Thiên Long đã đầu tư vào 2 nhà máy (Nam Định và Đồng Nai). Giải pháp đưa ra là Thiên Long đã ngừng đầu tư vào nhà máy tại Nam Định và chỉ tập trung dồn sức vào phát triển nhà máy tại Đồng Nai.
Ở cuộc khủng hoảng thứ 3 liên quan đến đại dịch Covid-19, thị trường đồ dùng học sinh của Thiên Long bị ảnh hưởng nặng nề khi trường học đóng cửa chống dịch. Một cú đánh mạnh như Covid-19 có thể ngăn cản các doanh nghiệp thực hiện một công việc kinh doanh mà họ đã và đang lên kế hoạch từ lâu. Tuy nhiên, Thiên Long, với tinh thần vững vàng, niềm tin vào chất lượng sản phẩm và thương hiệu, đã nỗ lực duy trì sản xuất các sản phẩm bảo vệ môi trường, tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng, chấp nhận tồn kho cao nhằm duy trì sản xuất ổn định và đảm bảo việc làm cho người lao động.
Đối với Doanh nhân Cô Gia Thọ, dù khủng hoảng hay không khủng hoảng, cơ hội vẫn còn. Tinh thần doanh nhân đối với ông là phải luôn duy trì sự tập trung, đổi mới và nâng cao khả năng thích ứng. Khủng hoảng buộc doanh nhân nhìn rõ hơn các cơ hội và đưa ra định hướng tốt hơn, khủng hoảng giúp mọi thứ rõ ràng hơn.
VHDN
- Trong thời đại kỹ thuật số như ngày nay khi mà máy tinh, điện thoại thông minh có mặt hầu hết trong mọi gia đình, nhiều người cho rằng cây bút đã trở thành một tàn tích của quá khứ, giống như loài khủng long đã tuyệt chủng. Tuy nhiên, cây bút vẫn tồn tại vì nó làm được điều mà thiết bị thông minh không làm được: kết nối con người theo phong cách vật lý. Cây bút không đi đâu cả bởi bản thân cây bút là một hình thức giao tiếp đầy cảm xúc nhất, nó có một vị trí vững chắc ngay cả trong thế giới kỹ thuật số. Đó cũng là niềm tự hào của Doanh nhân Cô Gia Thọ, tự hào về một thương hiệu mà ông đã dày công xây dựng trong nhiều năm sẽ không bị lãng quên.
- “Trước kia, tôi không có điều kiện học nhiều, điều đó thực sự rất đáng tiếc. Nhưng bước vào cuộc sống, tôi luôn nỗ lực học hỏi từ đối tác, đồng nghiệp, bất cứ khi nào và ở đâu cũng vậy. Ngoài ra, tôi phải dành rất nhiều thời gian đọc sách, tham gia một số khóa đào tạo quản lý ở Mỹ và Đài Loan. Nếu không có quá trình tự trau dồi kiến thức, tôi nghĩ mình chẳng thể có được ngày hôm nay”. Ông Cô Gia Thọ chia sẻ.