Doanh nhân tiêu biểu

Doanh nhân Cựu chiến binh Trần Long Trình: “Doanh nhân – Chiến sĩ” góp phần tô thắm bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”

10:48 sáng | 25/11/2024

Doanh nhân Trần Long Trình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh – TGĐ Công ty TNHH Việt San FOOD

LTS: Ở Việt Nam có một đội ngũ doanh nhân đặc biệt được xã hội và nhân dân ghi nhận. Đó là đội ngũ doanh nhân Cựu chiến binh, những người lính sau khi rời quân ngũ lại tiếp tục tham gia chiến đấu trên mặt trận kinh tế, để đưa đất nước hội nhập với bạn bè, đối tác năm châu. Phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, nhiều cựu chiến binh đã trở thành gương điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Diễn đàn Doanh nghiệp/ Văn hóa Doanh nhân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những chia sẻ của Doanh nhân Trần Long Trình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Doanh nhân Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh – TGĐ Công ty TNHH Việt San FOOD.

Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh, xin ông chia sẻ về vai trò và những kết quả đã đạt được của các doanh nhân CCB nói chung và cá nhân ông nói riêng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế?

DN Trần Long Trình: Như chúng ta đều biết, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế – xã hội. Doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ, phẩm chất, uy tín sẽ là động lực quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế của từng địa phương và đất nước. Đối với doanh nhân CCB đã sống, chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành qua các thời kỳ của đất nước, người lính “Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa – thế hệ doanh nhân CCB Việt Nam hôm nay luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, xung kích trên mọi mặt trận, trở thành những tấm gương tỏa sáng trên mặt trận kinh tế của đất nước.

Hội Doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 2005, sau gần 20 năm thành lập, Hội đã có những phát triển vượt bậc về quy mô tổ chức và hiệu quả hoạt động. Những Doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ phát triển kinh doanh, làm giàu cho mình, tạo ra nhiều của cải, vật chất, sản phẩm cho xã hội, mà còn tham gia trực tiếp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Cho đến nay, Hội đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng làm từ thiện, trao tặng nhiều nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đồng đội và nhà cho người nghèo. Hằng năm tổ chức các chương trình “Tri ân đồng đội” ghi nhớ công lao to lớn của các thế hệ đi trước đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Những doanh nhân của Hội Doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh mang trong mình bản chất, truyền thống Anh Bộ đội Cụ Hồ, với ý chí, tinh thần người lính, nói đi đôi với làm, không ngại khó ngại khổ, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, có tình thương yêu đoàn kết giúp đỡ nhau lúc bình thường cũng như lúc khó khăn. Sản xuất kinh doanh dịch vụ không đơn thuần chạy theo lợi nhuận mà luôn chia sẻ lợi ích cho người lao động và công tác an sinh xã hội, vì cộng đồng, luôn tiên phong trong công tác đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động từ thiện.

Trong mấy năm gần đây, tuy không ít khó khăn, thử thách, nhất là ảnh hưởng của xung đột quân sự Nga – Ukraina, đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại do CCB chúng tôi làm chủ đã từng bước ổn định và phát triển, bảo đảm sản xuất, việc làm, thu nhập cho người lao động, tham gia các hoạt động từ thiện, phát triển kinh tế – xã hội; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Từ năm 2021 – 2023, Hội Doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo các hội viên, các doanh nghiệp của Hội đã đạt được nhiều thành tích: (1) Tổng số lao động của các Doanh nghiệp thành viên đạt trên 16.512 lao động; (2) Doanh thu 2021-2023 đạt hơn 52.637 tỷ đồng; (3) Nộp ngân sách Nhà nước năm 2020 – 2022 hơn 7.524 tỷ đồng; (4) Thu nhập bình quân của người lao động của các doanh nghiệp hội viên từ 8 đến 18 triệu đồng.

Trong năm 2024, Hội doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được. Tham gia nhiều chương trình an sinh xã hội, trong đó có các chương trình: Tặng 1 triệu cuốn vở cho học sinh đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng; Chương trình ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 với kinh phí hơn 2 tỷ đồng và nhiều chương trình thiện nguyện khác do các doanh nghiệp hội viên tiêu biểu tổ chức như: Công ty CP Đồng tiến, Công ty CP Viễn thông ATC, Công ty TNHH Việt San FOOD, Công ty TNHH SX-TM Nam Hiệp Lực, Công ty TNHH Nhôm Nam Sung, Công ty TNHH CCB H67, Công ty CP Thực phẩm Á Long, Phòng khám Đa khoa Yersin, Công ty CP Tập đoàn Vận tải Sài Gòn, Công ty CP Vận tải và Thương mại Quốc tế ITC, Cty CP Phát triển SX TM Sài Gòn SaDaCo, Công ty TNHH Cơ khí Thiết bị nâng Anh Tuấn… và rất nhiều các công ty khác.

Ban Chấp hành Hội CCB Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ tiên phong của mình và cùng với các doanh nghiệp hội viên nỗ lực, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển. Chúng tôi luôn xác định đây không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ kinh tế, là làm giàu, mà còn là thực hiện nhiệm vụ chính trị cao cả. Với tâm huyết cùng sự nhiệt tình hoạt động, trên tiêu chí “Nghĩa tình – Hợp tác – Phát triển”, Hội Doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh mãi luôn là ngôi nhà chung, nơi cùng nhau sẻ chia kinh nghiệm, sát cánh giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh và đồng hành trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước của những doanh nhân CCB.

Doanh nhân Trần Long Trình và các công tác thiện nguyện

Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, Hội đã vinh dự đón nhận những phần thưởng của UBND Thành phố Hồ Chí Minh; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội CCB Việt Nam; Hiệp Hội Doanh nghiệp Doanh nhân CCB Việt Nam và các tỉnh thành trong cả nước đã ghi nhận và trao tặng bằng các hình thức khen thưởng. Qua đó thể hiện sự tôn vinh, mến yêu và tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước dành cho chúng tôi.

Theo ông đâu là phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” mà đội ngũ Doanh nhân CCB phát huy trong thời kỳ đổi mới của đất nước?

DN Trần Long Trình: Với tôi, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là thể hiện của kết tinh những giá trị cao đẹp được hình thành và lan tỏa gắn với lịch sử gần 80 năm xây dựng, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, việc giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” vừa là yêu cầu tất yếu, vừa là mong mỏi, tình cảm của mọi người dân Việt Nam trong đó có đội ngũ Doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh.

Những doanh nhân CCB chúng tôi luôn mang trong mình phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ đó là: Tinh thần đoàn kết xây dựng doanh nghiệp, rèn luyện đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, phất huy tài năng và trí tuệ trên thương trường, đối với người dân, dân tộc mình thì nhân ái, dốc toàn lực hỗ trợ khi đồng bào gặp khó khăn.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đối với đội ngũ doanh nhân CCB cũng đứng trước những thách thức không nhỏ. Mặt trái của nền kinh tế thị trường vẫn đang từng ngày, từng giờ tác động mạnh đến nhận thức, tâm tư, hành động của những người lính trên thương trường. Cùng với sự tác động nhiều mặt của các thế lực thù địch, phản động cũng luôn tìm cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, điều đó đòi hỏi đội ngũ doanh nhân CCB phải có bản lĩnh vững vàng, có đạo đức, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, có tinh thần thượng tôn pháp luật.

Thực tiễn cho thấy, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không phải là sản phẩm tự phát, yếu tố sẵn có, mà là kết quả quá trình rèn luyện, phấn đấu, cũng không phải là bất biến mà thường xuyên chịu tác động của nhiều yếu tố, đòi hỏi chúng ta gìn giữ và phát huy cho phù hợp với từng hoàn cảnh.

Doanh nhân Trần Long Trình tham dự “Hội nghị toàn quốc các Hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam” do VCCI tổ chức

Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/10/2023, về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được triển khai như thế nào trong Hội Doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh cũng như tại doanh nghiệp do ông làm chủ?

DN Trần Long Trình: Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế đất nước hiện nay, Nghị quyết 41-NQ/TW là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Hội Doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phù hợp với đặc thù hoạt động của Hội. Hiện nay Hội đã và đang tổ chức, triển khai đến doanh nhân, doanh nghiệp CCB hội viên của Hội. Bên cạnh mục tiêu chung phát triển chung của Hội, Ban Lãnh đạo Hội tập trung vào nội dung phát triển các doanh nghiệp kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng mà Hội có thế mạnh riêng, góp phần hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, có uy tín trong khu vực và trên trường quốc tế.

Trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến. Từng doanh nhân, doanh nghiệp hội viên của Hội đề cao đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần vì cộng đồng, tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, ngoại giao kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam và doanh nghiệp Việt ra thế giới. Hội tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, triển khai thực hiện, chú trọng theo dõi, đôn đốc, cũng như tăng cường công tác truyền thông chính sách, đồng thời phát hiện, lan tỏa những tấm gương doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường; những khó khăn, thách thức do suy thoái kinh tế, lạm phát cùng những tác động tiêu cực chưa dứt của đại dịch Covid-19, sự cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột vũ trang… đội ngũ doanh nhân CCB chúng tôi càng phải nhạy bén, năng động, sáng tạo, nêu cao trách nhiệm chính trị, bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Chúng tôi đã nỗ lực vượt khó, cơ cấu lại doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuât kinh doanh cho phù hợp, chủ động thích ứng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.

Ông có nhận định như thế nào về sức mạnh của văn hóa kinh doanh trong bối cảnh mới? Tại Việt San FOOD, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng như thế nào?

DN Trần Long Trình: Văn hóa kinh doanh là một hệ thống giá trị, niềm tin và hành vi được chia sẻ và thừa nhận bởi các cá nhân và tổ chức trong môi trường kinh doanh. Về bản chất, văn hóa kinh doanh là “cách làm việc” được nhìn nhận chung trong thế giới kinh doanh, bao gồm cả các quy tắc chính thức lẫn không chính thức chi phối hành vi của cá nhân và tổ chức.

Văn hóa kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công và phát triển bền vững của một doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh mới hiện nay. Nó được ví như kim chỉ nam định hướng mọi hoạt động trong tổ chức, tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh, từ hiệu quả hoạt động, sự sáng tạo, đến việc thu hút và giữ chân nhân tài, xây dựng thương hiệu và hình ảnh doanh nghiệp. Văn hóa kinh kinh trong tình hình mới hiện nay không chỉ là giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp mà còn là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong thế giới cạnh tranh khốc liệt. Một văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, tích cực không những thu hút nhân tài, tạo động lực làm việc cho nhân viên mà còn gây dựng niềm tin của khách hàng. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng và duy trì văn hóa kinh doanh trong tình hình mới hiện nay chính là đầu tư cho tương lai bền vững của mỗi doanh nghiệp. Tại Việt San FOOD chúng tôi cũng không ngoại lệ.

Doanh nhân Trần Long Trình, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh – TGĐ Công ty TNHH Việt San FOOD

Tại Việt San FOOD – với tinh thần người lính chuyển sang làm kinh doanh tôi quan điểm văn hóa doanh nghiệp Việt San FOOD đang áp dụng là: Kỷ luật – Trách nhiệm – Minh bạch. Đối với Việt San FOOD thì kỷ luật rất quan trọng trong việc sản xuất và đảm bảo chất lượng sản xuất, an toàn lao động, vận hành máy móc cũng như tạo ra sức mạnh làm việc chung cho cả tập thể. Từ đó mỗi cá nhân lại có Trách nhiệm với Công ty và Công ty có Trách nhiệm chăm lo cho thành viên của mình. Sự Minh bạch là điều Việt San FOOD không chỉ áp dụng nội bộ mà còn là điều tạo nên uy tín với người tiêu dùng và đối tác.

Tôi xây dựng văn hóa Việt San FOOD từ điều nhỏ nhất, đó là thời gian làm việc, là các chế độ lương, thưởng, bảo hiểm y tế cho công nhân, cán bộ, tiếp đó là đời sống tinh thần: các hoạt động sinh hoạt văn nghệ tập thể, các chương trình nghỉ dưỡng… Nhưng điều mà Việt San FOOD mong muốn và vẫn đang xây dựng đó là: Tinh thần trân trọng sản phẩm. Bản thân tôi là người lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng: sự yêu quý và trân trọng sản phẩm đến từng cá nhân thành viên trong công ty. Bởi sản phẩm chính là giá trị lao động, là phẩm chất của doanh nghiệp nói chung và từng thành viên nói riêng. Sản phẩm tốt – thì giá trị doanh nghiệp bền vững – trân quý sản phẩm mình làm ra chính là tôn trọng khách hàng và đối tác. Mỗi người công nhân, cán bộ của Việt San FOOD đều đặt sản phẩm là giá trị văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp để từ đó hoàn thiện các vấn đề xoay quanh sản phẩm.

Trong từng bước đường phát triển của Việt San FOOD, đội ngũ nhân sự của chúng tôi đều được truyền tải các giá trị văn hóa trên. Cá nhân tôi cũng như những thành viên của doanh nghiệp trong đội ngũ lãnh đạo đều ý thức là phải liên tục truyền đạt thông điệp đó cho nhân viên – công nhân – cán bộ. Không chỉ nằm trong lời nói mà còn đến từng văn bản, biển hiệu, biển báo trong nhà máy, văn phòng, xe giao hàng…Tôi tin rằng nhờ đó mà Việt San FOOD vững mạnh và vượt qua được những thử thách lớn lao trong thương trường ngày càng khắc nghiệt.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố 6 quy tắc đạo đức Doanh nhân Việt Nam, đó là: (1) Tạo giá trị cho xã hội; (2) Tuân thủ pháp luật; (3) Minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Những quy tắc này hiện đang được thúc đẩy thực hiện trong cộng động doanh nghiệp. Ông có nhận định gì về quy tắc đạo đức doanh nhân trên?

DN Trần Long Trình: Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, việc VCCI công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam và khuyến nghị, kêu gọi thực hành trong hội viên và cộng đồng doanh nhân cả nước là rất quan trọng, kịp thời và cần thiết. Chính hành động đó đã khơi dậy và phát huy việc thực hành đạo đức của doanh nhân, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp trở thành nguồn lực, động lực quan trọng để phát triển bền vững. Quy tắc đạo đức doanh nhân trên vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với doanh nghiệp, vừa là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài trong xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Đây là gốc rễ, là nền tảng phát triển của một doanh nghiệp, việc ban hành quy tắc về đạo đức doanh nhân và thúc đẩy thực hành sẽ là yếu tố tiên quyết để thống nhất đội ngũ doanh nhân tạo ra những giá trị, tiền đề xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh tiến bộ, trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để quản trị doanh nghiệp hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao, cũng cố niềm tin xã hội đối với doanh nhân, doanh nghiệp.

Đối với đội ngũ doanh nhân là CCB, cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh và vinh dự, trách nhiệm của mình; tích cực tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu xứng đáng là “doanh nhân – chiến sĩ”, góp phần tô thắm bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Một mặt tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp CCB, đồng thời nêu cao bản lĩnh, trí tuệ của doanh nhân và tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiếp tục khẳng định vai trò xung kích trên “mặt trận lao động, sản xuất”. Mặt khác cần thực hiện đồng bộ các biện pháp góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho các đối tác doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng hợp tác phát triển, cống hiến góp phần xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ước nguyện của Bác Hồ kính yêu.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Doanh nhân Trần Long Trình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Doanh nhân CCB Thành phố Hồ Chí Minh – TGĐ Công ty TNHH Việt San FOOD, kính chúc Ông luôn mạnh khỏe và đưa doanh nghiệp phát triển bền vững!

                                                                                                             PHẠM TIẾN DŨNG