Tin nổi bật

Doanh nhân là trụ cột quan trọng thúc đẩy kinh tế trong kỷ nguyên phát triển mới

11:30 sáng | 16/04/2025

Diễn đàn “Văn hóa Doanh nhân năm 2025” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều ngày 15/4 đã thu hút gần 200 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp.

Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: Năm 2024 đã khép lại với nhiều thành tựu kinh tế, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm 2025. Theo đó, khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, giữ vai trò trung tâm trong thúc đẩy tăng trưởng, tiếp sức cho khát vọng dân tộc trong kỷ nguyên phát triển mới.

Các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng hiện đang ngày càng áp dụng phổ biến bộ tiêu chí ESG, viết tắt của 3 từ: Environmental, Social, and Governance – nghĩa là Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ tiêu chí được sử dụng để đánh giá mức độ phát triển bền vững và tác động phi tài chính của một doanh nghiệp. Thực hành ESG cũng là một phương thức cụ thể để doanh nghiệp thể hiện triết lý kinh doanh có trách nhiệm.

Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: VA)

Quang cảnh Diễn đàn

Đáng chú ý, ông Phạm Tấn Công khẳng định đạo đức và văn hóa doanh nhân cần được xây dựng từ chính doanh nghiệp, doanh nhân. Vì vậy, VCCI đã ban hành 6 quy tắc đạo đức doanh nhân, đồng thời đưa vào sách giáo khoa phổ thông và triển khai đề án dài hạn về xây dựng đạo đức doanh nhân đến năm 2030.

6 quy tắc đạo đức Doanh nhân gồm: (1) tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; (2) tuân thủ pháp luật; (3) minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. 6 quy tắc này đến nay đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật để dạy cho các em học sinh.

“VCCI sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm xã hội, nâng cao quản trị và gìn giữ các giá trị dân tộc. Đồng thời, VCCI sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để nhân rộng mô hình kinh doanh có trách nhiệm”, ông Phạm Tấn Công khẳng định.

Văn hóa, đạo đức kinh doanh cần được đặt lên hàng đầu

Ông Phan Xuân Thủy – Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh: “Doanh nhân coi đạo đức kinh doanh là “thương hiệu” cốt lõi của doanh nghiệp”.

Ông Phan Xuân Thủy – Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương

Dẫn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Làm giàu không chỉ vì mình mà còn vì dân, vì nước”, ông Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh: văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là nền tảng của kinh doanh có trách nhiệm, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập bền vững.

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp phải phát huy mọi nguồn lực để tồn tại và phát triển. Trong đó cạnh tranh kinh tế không chỉ dựa trên lợi nhuận mà còn ở giá trị nhân văn, uy tín và trách nhiệm xã hội.

Kinh doanh có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng xã hội, với môi trường và tuân thủ pháp luật, theo ông Phan Xuân Thuỷ, đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Với yêu cầu đó, kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là nghĩa vụ đạo đức, nghĩa vụ pháp lý mà còn là yếu tố, giá trị cốt lõi để doanh nghiệp phát triển lâu dài trong niềm tin của xã hội.

Doanh nhân, doanh nghiệp không thể phát triển đơn độc mà cần đồng hành cùng lợi ích chung, gắn kết với trách nhiệm xã hội, minh bạch trong quản trị và thân thiện với môi trường. Kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy, các doanh nghiệp theo đuổi mô hình kinh doanh có trách nhiệm thường có khả năng thích ứng tốt hơn với biến động thị trường, duy trì được đội ngũ nhân sự ổn định và xây dựng được lòng tin vững chắc từ đối tác và người tiêu dùng.

Với ý nghĩa đó, lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đánh giá cao VCCI trong thời gian vừa qua đã rất tích cực, chủ động khởi xướng, lan tỏa và tổ chức các hoạt động thúc đẩy xây dựng và thực hành đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh cũng như khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt là những thông điệp gần đây của đồng chí Tổng Bí thư về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân – là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo, là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng và vươn mình ra thế giới.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh có trách nhiệm, trong thời gian tới, ông Phan Xuân Thủy đề nghị đội ngũ doanh nhân, luôn coi đạo đức là “thương hiệu” cốt lõi, tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chung tay giải quyết các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục lan tỏa 6 Quy tắc đạo đức Doanh nhân Việt Nam, kết nối văn hóa doanh nghiệp với hệ giá trị văn hóa quốc gia.

Nhấn mạnh dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống coi trọng đạo đức và giữ gìn chữ tín, ông Phan Xuân Thuỷ tin tưởng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ không ngừng kiến tạo những giá trị văn hóa riêng biệt, góp phần làm phong phú thêm bản sắc dân tộc./.

Nguồn: https://kinhdoanhvaphattrien.vn/doanh-nhan-la-tru-cot-quan-trong-thuc-day-kinh-te-trong-ky-nguyen-phat-trien-moi-42343.html