VHDN – Nhắc đến nhà hàng tiệc cưới Thanh Tùng, cư dân của tỉnh Bình Dương nói chung và nhất là thành phố Dĩ An, các thành phố lân cận như TP. Hồ Chí Minh, TP. Đồng Nai ai ai cũng biết… Biết là phải thôi vì đa phần, những đám tiệc, cưới, họp mặt, hội nghị lớn trong khu vực… hầu hết đều được tổ chức ở đây. Nhà hàng tiệc cưới Thanh Tùng có đến 5 sảnh rộng, bề thế, nguy nga và sang trọng, tọa lạc trên một khu đất thênh thang 3000 mét vuông, có thể tiếp vài ngàn lượt khách… là tâm huyết một đời của đôi vợ chồng doanh nhân trẻ Nguyễn Thanh Tùng. Và câu chuyện đi lên từ hai bàn tay trắng đến với thành công của anh cũng đủ khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp.
Lập nghiệp và thành công ở Bình Dương nhưng Tùng không phải là người Bình Dương chính gốc. Quê hương của anh ở mãi xa xôi miệt ngoài Thanh Hóa. 18 tuổi, khi vừa tốt nghiệp lớp 12, anh theo gia đình vào Nam. Ngày Tùng bước lên chuyến tàu xuôi Nam là ngày 9 tháng 9 năm 1999- Một dãy số thật đáng nhớ… Anh bảo: Cuộc đời anh có duyên và gắn liền với con số 9!
Công việc đầu tiên mà gia đình buộc anh phải làm trên đất Bình Dương là phải… học, học để luyện thi và ngay lần thi đại học đầu tiên, Tùng đã may mắn đậu vào trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Cũng cần phải nói thêm: Ba của Tùng là một giáo viên, vì thế, ông luôn muốn con cái mình được ăn học đàng hoàng… Thế nhưng, do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép nên mới vừa học hết năm thứ nhất, anh tự làm đơn xin trường cho bảo lưu kết quả để quay về phụ giúp gia đình.
Có lẽ, đó là những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời chàng thanh niên trẻ tên Tùng. Vì khó kiếm được việc làm ở gần nhà, anh phải một thân một mình xuống tận Cần Thơ, phụ giúp cho một người chú mở một đại lý bia và nước ngọt nơi đó. Mỗi ngày, anh liên tục chở bia đi giao cho khách trên một chiếc xe 81 đã cũ. Vậy nhưng, lúc 4 giờ sáng hay chiều tối, khi những người làm khác nghỉ ngơi hoặc về với gia đình thì anh lại xách xe ra đường chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Bạn bè, người thân thấy ngày nào anh cũng phải lui cui tháo lắp cái ba- ga chở bia thay bằng cái nệm để chở khách, cũng nể phục sự cần cù, chịu khó của anh.
5 tháng 15 ngày là thời gian Tùng lao động cật lực dưới Cần Thơ và thành quả của thời gian đó- ngoài số tiền hàng tháng gửi về giúp gia đình là một chiếc xe 78 màu xanh lá, anh mua được từ một ông chủ nhà hàng mà anh hay giao bia với giá 8 triệu đồng. Nhận tiền công làm 5 tháng được 5 triệu đồng, anh đưa hết, số còn lại anh xin hẹn 3 tháng sau sẽ trả. “Ông ấy chỉ biết em qua những lần giao bia thôi, thế nhưng không hiểu sao ông ấy lại tin tưởng, cho em nợ”, Tùng kể. Rất đúng hẹn, chưa đầy 3 tháng, anh từ Bình Dương chạy xe một mạch về Cần Thơ trả tiền cho ông ta ngay khi có đủ. Đối với Tùng, trong bất cứ công việc gì, uy tín được anh đặt lên hàng đầu. “Mọi thành công sau này em đạt được cũng nhờ chữ tín”, Tùng đoan quyết. Còn mục đích mua bằng được chiếc xe là để vừa đi học, vừa chạy xe ôm kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Cho đến giờ, Tùng cũng không hiểu sao mình không quay lại học Đại học Kinh tế mà bỏ qua, thi vào Đại học Văn hóa… trong khi anh rất thích kinh doanh. Quả thực, cái máu kinh doanh đã ngấm vào anh từ bé. Có một câu chuyện thế này: Hồi còn bé, thỉnh thoảng mẹ anh dẫn anh theo ra chợ Chào ở Tĩnh Giang, một cái chợ nhỏ ở gần nhà. Những lúc rảnh rỗi, cậu bé Tùng, khi ấy mới học lớp 7, mới 13 tuổi hay nhìn ngó và quan sát các món hàng và cách thức mà người lớn mua bán, trao đổi với nhau. Đặc biệt, cậu để ý đến những chiếc xe đạp cũ- cũng là một món hàng được bày bán ở một khu vực riêng nhưng không có khách mua thường xuyên nên bị bám bụi, phơi nắng phơi sương thành ra cũ. Vậy là cậu bé Tùng quyết tâm dành dụm và mượn thêm tiền mẹ, chọn mua một chiếc xe đạp ưng ý nhất, đem về lau chùi kỹ lưỡng, tra dầu nhớt mới cho vừa mắt để bán lại cho bạn bè cùng trang lứa. Tiền lời không nhiều và mỗi lần, cậu chỉ đủ mua một chiếc nhưng công việc này trở thành niềm say mê riêng của cậu bé Tùng, còn người trong nhà, ai cũng nhận ra cái tố chất mê kinh doanh từ nhỏ ở Tùng.
Vào Đại học Văn hóa, nhưng Tùng không chỉ chuyên tâm chuyện học mà vẫn tranh thủ kinh doanh. Chạy xe ôm tích lũy được bao nhiêu, Tùng đổ ra hùn hạp với một người chị mở quán cơm sinh viên bán ngay gần cửa trường Văn hóa. Công việc làm ăn khá thuận lợi do quán nấu ăn ngon và rẻ… thế nhưng, chỉ sau một thời gian mở quán, Tùng quyết định sang tất cả phần của mình lại cho chị bạn. Tùng chuyển hướng qua một công việc hoàn toàn mới mẻ, nhưng đúng với sở trường và sở nghề mình đang học: Tùng bỏ vốn, mua dàn âm thanh, ánh sáng, lập một ban nhạc để phục vụ cho các đám tiệc, cưới, sinh nhật… trong vùng.
Ban nhạc của Tùng khá đắt “sô” và thuận lợi. Chỉ trong vòng vài năm, từ một dàn nhạc, Tùng đầu tư phát triển thành 9 dàn. Công việc làm ăn càng lúc càng khấm khá, đầu năm 2006, Tùng thuê hẳn một mảnh đất rộng của ủy ban, cải tạo thành nơi chuyên tổ chức tiệc cưới. Tầm nhìn là một tố chất quan trọng trong kinh doanh. Bạn bè của Tùng nể phục anh ở điểm này. Trong kinh doanh, ngoài chuyện nhìn xa trông rộng còn phải quyết đoán nữa: “Một người kinh doanh mà không quyết đoán thì rất khó thành công. Tuy nhiên, đôi khi quyết đoán quá lại trở thành thành liều lĩnh..”, Tùng cười. “Em có bao giờ liều lĩnh không?”, tôi hỏi, Tùng đáp ngay: “Có chứ anh. Bởi thế, nhắc đến em, mọi người gắn em với câu slogan: Tùng hói, nói là làm”.
Bất động sản chắc chắn là một miếng bánh mà không một người kinh doanh nào bỏ qua trong giai đoạn ấy. Doanh nhân Thanh Tùng- bấy giờ chắc chắn đã được gọi như thế không nằm ngoại lệ và Bình Dương cũng bắt đầu râm ran những cơn sốt đất đai. Cũng nhờ có tầm nhìn và sự quyết đoán nên Tùng khá thành công trong lãnh vực này.
“Thời gian đầu chưa phải là thành công lắm vì em chưa có nhiều kinh nghiệm và cũng nhận nhiều bài học đắt giá nhưng đến năm 2012, tức là sau khi em và bà xã kết hôn, thực sự là những năm thành công rực rỡ đến không tưởng”. Tùng bồi hồi thuật lại: “Đất đai tăng giá vù vù, tỷ lệ thuận với số tiền đổ vào két của hai vợ chồng. Có những cuộc mua bán ngắn ngủi, chóng vánh, chỉ trong vòng một hai ngày mà kiếm được vài tỷ một cách dễ dàng. Tuy nhiên chúng em không say quá độ. Nhận định rằng: Kinh doanh bất động sản cũng như kinh doanh bất cứ ngành nghề nào đều tiềm ẩn sự rủi ro và mang tính chất thời điểm… Hai vợ chồng bàn nhau bán tất cả đất đai riêng lẻ, dồn vào mua miếng đất hiện giờ với giá gần 100 tỷ, vay thêm tiền đầu tư xây dựng khu nhà hàng tiệc cưới Thanh Tùng để phát triển ngành nghề truyền thống của mình”. Cho đến giờ, đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn của đôi vợ chồng doanh nhân trẻ…
Với một cơ ngơi vững chắc và đồ sộ như thế, với sự nhạy bén và tỉnh táo trong đường lối kinh doanh như thế, những tưởng con đường đi của doanh nghiệp Thanh Tùng chỉ có thành công và rải đầy hoa hồng… Nhưng không phải thế, đại dịch Covid- 19 ập đến làm thay đổi cơ bản cách nhìn và cả lối suy nghĩ của anh… 2 năm đóng cửa đối với nhiều ngành nghề mới chỉ là bi kịch thôi, thì riêng kinh doanh nhà hàng tiệc cưới còn là thảm họa. Gọi thảm họa là đúng nghĩa bởi một số ngành nghề khác còn ngắc ngoải hoặc hoạt động cầm chừng được chứ nghề của gia đình anh thì tuyệt đối dừng hẳn. Không chịu đựng nổi nỗi buồn tẻ do thất nghiệp, Tùng quyết định quay sang kinh doanh lan đột biến.
Thực tế, khi bước vào cuộc chơi mới, Tùng chỉ thấy một điều rằng, trồng lan sẽ thích hợp trong giai đoạn này bởi đó là lúc, thị trường lan đang đi lên: nhà nhà, người người làm giàu nhờ lan. Anh đã chơi một nước cờ khá liều lĩnh khi quyết định đầu tư vào lan với một số tiền rất rất lớn để đến khoảng thời gian, giá lan rơi tuột xuống đáy, thậm chí, bán giá rẻ cũng không ai mua, anh mới nhận ra được rằng mình đã hơi vội vàng…
Tôi gặp anh vào những ngày đầu tháng 3- mùa con ong đi lấy mật, giữa vườn lan xanh mướt mắt, rộng lớn của anh, anh hồ hởi thông báo sự “ấm lên” của thị trường lan var. Và câu chuyện của chúng tôi liên tục bị những cuộc điện thoại hỏi giá, chốt giá các loại lan cắt ngang. Đó được xem như phần thưởng quí báu dành cho anh sau bao nhiêu tháng ngày kiên trì chăm sóc vườn lan mà không hề tỏ ra chán nản, buông xuôi.
Vẫn còn quá sớm để tiên đoán một điều gì đấy nhưng với Tùng, anh thực sự đã thành công sau những sóng gió, vẫn giữ được sự ủng hộ tuyệt đối của người thân, gia đình và nhất là sự kề cận của người vợ yêu quí của anh. “Đằng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có hình bóng của một người phụ nữ”- Câu nói này thật đúng với trường hợp doanh nhân Nguyễn Thanh Tùng. Quả đúng như ông bà đã nói: Đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn.
Trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, chàng trai trẻ Thanh Tùng ngày nào mới vừa chân ướt chân ráo đặt chân lên đất Bình Dương lập nghiệp, nay đã trưởng thành, giờ là một doanh nhân thành đạt được rất nhiều người biết và nể trọng. Anh đã tự mình tìm ra triết lý sống cho riêng mình, hiểu như thế nào phải, là đủ. “Mong ước của em thật đơn giản, em muốn mình có thêm vài đứa con. Ước muốn đơn giản vậy thôi”, Tùng cười…
Câu chuyện về doanh nghiệp trẻ Thanh Tùng vẫn còn rất dài, hy vọng sẽ còn nhiều dịp để kể cùng các bạn trong một dịp khác, ở một giai đoạn khác bởi Tùng có bao giờ thiếu ý tưởng hoặc niềm hăng say trong kinh doanh đâu, đặc biệt về lan. Mới đây thôi, Thanh Tùng được Hiệp hội Kinh doanh và Sản xuất Lan- Hiệp hội mới vừa được thành lập mời tham gia và phụ trách mảng truyền thông, cũng là một vai trò rất quan trọng trong hội… Bởi thế, câu chuyện chắc sẽ còn dài…