“Đến năm 2020, Đồng Nai đặt mục tiêu thu hút khoảng 5 triệu lượt khách trong đó bao gồm 120.000 lượt khách quốc tế”, đó là khẳng định của Ông Lê Kim Bằng – Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai trong buổi phỏng vấn với Tạp chí Văn hoá Doanh nhân.
Ông vui lòng chia sẻ một số kết quả ấn tượng của ngành du dịch Đồng Nai trong năm 2017, theo ông, kết quả này có tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh?
Cùng với những kết quả nổi bật của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2017, ngành du lịch Đồng Nai đã đạt được những kết quả khả quan, cụ thể đã thu hút hơn 3,4 triệu lượt khách (tăng 10% so với năm 2016) với doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ). Để đạt kết quả như trên ngành du lịch Đồng Nai luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa và đặc biệt là sự nỗ lực của toàn ngành.
Triển khai Kế hoạch số 118-KH/TU ngày 07/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Kế hoạch số 10294/KH-UBND ngày 09/10/2017 về thực hiện Kế hoạch nêu trên của Tỉnh ủy. Ngành du lịch được tỉnh quan tâm mời gọi đầu tư và đã thu hút được 20 hồ sơ đề nghị đầu tư trong lĩnh vực du lịch với vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, trong đó tập trung vào một số dự án trọng điểm như: Dự án tuyến du lịch sông Đồng Nai, dự án Thác mai – Bàu nước nóng, dự án sinh thái kết hợp vui chơi giải trí Hồ Trị An, dự án khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí Hồ Đa Tôn, đồng thời các doanh nghiệp hiện hữu đã đầu tư trên 200 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, sản phẩm du lịch (khu du lịch Bửu Long, Làng Tre Việt, khu du lịch Vườn Xoài, Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai) để tăng cường thu hút du khách.
Với chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch thông qua hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp du lịch, các buổi làm việc với các chủ đầu tư để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời xử lý tháo gỡ cho các nhà đầu tư, tạo động lực cho các doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng đầu tư.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Đồng Nai cũng đã triển khai tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Tham gia 04 hội chợ và liên hoan về du lịch, thực hiện chuyên mục “Điểm hẹn du lịch Đồng Nai” định kỳ hàng tuần trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, mở chuyên mục du lịch với Báo Đồng Nai, Đài Truyền hình TPHCM (HTVC) mở chuyên mục du lịch “du lịch Đồng Nai”, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình du lịch như ấn tượng du lịch Đồng Nai, Mộ Cự thạch Hàng Gòn và thời tiền sử, những dấu ấn từ quá khứ…, đồng thời, ngành du lịch đã phối hợp Hiệp hội Du lịch TPHCM tổ chức khảo sát kết nối tuyến du lịch với chủ đề “Một mùa hè – Ba điểm đến” gồm TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu thu hút được nhiều doanh nghiệp và các cơ quan báo, đài của nhiều địa phương tham gia như: Hà Nội, Sơn La, Nghệ An, TPHCM, Bình Định…, đồng thời tổ chức đoàn khảo sát du lịch và tổ chức hội thảo về phát triển du lịch tại huyện Vĩnh Cửu.
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được tăng cường thực hiện, đã tổ chức 05 lớp bồi dưỡng về du lịch (nghiệp vụ thuyết minh viên, kỹ năng giao tiếp du lịch, du lịch cộng đồng, nghiệp vụ du lịch cho tài xế, tài công vận chuyển ô tô và phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch, nghiệp vụ lễ tân) cho 315 học viên là người lao động tại các điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, khu di tích, Bảo tàng, các hộ dân kinh doanh dịch vụ du lịch, các tài xế, tài công của các đơn vị kinh doanh vận chuyển trên địa bàn tỉnh. Đây là năm tổ chức được nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch nhiều nhất và thu hút được nhiều học viên tham gia nhiều nhất so với các năm.
Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Xin ông cho biết một số kết quả thu hút đầu tư cùng các dự án trọng tâm trong ngành du lịch của tỉnh?
Một số dự án du lịch tiêu biểu của Đồng Nai trong những năm qua có thể kể đến như Suối Mơ-Tân Phú (vốn đầu tư 150 tỷ Đồng); hệ thống cáp treo tại KDL Núi Chứa Chan-Xuân Lộc (vốn đầu tư 300 tỷ Đồng); Resort Cát Tiên Jungle Logde – Tân Phú (vốn đầu tư 40 tỷ đồng), điểm du lịch sinh thái Làng Tre Việt – Nhơn Trạch (vốn đầu tư 40 tỷ đồng), sân Golf 18 lỗ Jeongsan – Nhơn Trạch…Nhiều KDL hiện hữu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất và sản phẩm du lịch như KCL Bửu Long, Khu du lịch Vườn Xoài, Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hoá Đồng Nai…
Luỹ kế đến nay, Đồng Nai thu hút 21 dự án du lịch đang lập các thủ tục đầu tư, trong số đó, dự án KDL Sơn Tiên (quy mô khoảng 371 ha) và dự án khách sạn 4 sao Central Park dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng và các dự án du lịch theo quy hoạch như: KDL sinh thái Thác Mai – Bàu nước nóng, dự án du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí hồ Trị An (Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai), Hồ Đa Tôn (Tân Phú), Hồ Núi Le (Xuân Lộc), tuyến du lịch sông Đồng Nai…để từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Công tác liên kết và hợp tác phát triển du lịch đã và đang được Đồng Nai thực hiện như thế nào?
Xác định việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch là một trong những giải pháp quan trọng, ngành du lịch Đồng Nai đã ký kết chương trình hợp tác với nhiều tỉnh, thành trong phát triển du lịch như: TPHCM, Bình Dương, Hà Nội, Phú Thọ, Bình Phước…, trên cơ sở chương trình hợp tác, năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các tỉnh, thành tổ chức nhiều hoạt động để xây dựng sản phẩm du lịch, tuyên truyền, quảng bá du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch như đã trình bày ở các phần trên. Các hoạt động liên kết, hợp tác đã góp phần phát triển du lịch cho ngành du lịch Đồng Nai nói riêng và các địa phương nói chung.
Ông đánh giá như thế nào về công tác đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch của các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai?
Các doanh nghiệp du lịch tại Đồng Nai chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lực lượng lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch phần lớn chưa qua đào tạo hay bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng quản lý du lịch, tính chuyên môn và chuyên nghiệp chưa cao.
Vì thế, hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai phối hợp với các trường đào tạo về du lịch tổ chức từ 3-5 lớp (50 học viên/lớp) bồi dưỡng ngắn ngày về nghiệp vụ du lịch. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cũng tổ chức các chương trình đào tạo hoặc cử các nhân viên, quản lý tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng quản lý tại các trường đào tạo về du lịch tại TPHCM. Qua tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch.
Ngành du lịch Đồng Nai sẽ làm gì để trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng trong thời gian tới?
Trước mắt, ngành du lịch Đồng Nai tập trung giải quyết 8 vấn đề trọng tâm bao gồm:
Một là, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ mà cụ thể là hạ tầng giao thông, bến bãi kết nối các điểm du lịch.
Hai là, tăng cường cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, thuế, đất đai, xây dựng…
Ba là, tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như: khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí tại các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch hay tại các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp (Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành…). Hiện các KDL như Hồ Trị An, Hồ Đa Tôn, Thác Mai – Bàu nước nóng, tuyến du lịch đường sông đoạn Biên Hòa – Vĩnh Cửu đã nhận được lời đề nghị đầu tư.
Bốn là, khuyến khích, tạo điều kiện cho các điểm du lịch hiện hữu cải tạo, nâng cấp và nâng cao chất lượng các điểm đến.
Năm là, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các hình thức như: hội chợ triển lãm, các phương tiện thông đại chúng, các ấn phẩm du lịch, trang thông tin điện tử, tổ chức cho các doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan truyền thông khảo sát điểm đến…
Sáu là, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trên cơ sở đa dạng hóa các chương trình đào tạo.
Bảy là, triển khai và mở rộng liên kết với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ (Bình Dương, Tp.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận); xây dựng sản phẩm đặc trưng của tỉnh hoặc vùng Đông Nam bộ; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương khác.
Tám là, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường du lịch, ngăn chặn hiện tượng chèo kéo khách, nâng giá dịch vụ, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy hiểm, cứu nạn, cứu hộ tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch.
Với tiềm năng phát triển du lịch và sự quyết tâm chính trị của địa phương, sự năng động của các doanh nghiệp, du lịch Đồng Nai trong những năm tới sẽ có những bước chuyển biến mới, phấn đấu trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.