VHDN – Hôm nay, 24 tháng 10 năm 2024, công ty Suntory PepsiCo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo mang tên “Hành trình Tái sinh – Vì một Việt Nam xanh” tại trường Đại học Văn Lang. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thu gom, phân loại và tái chế, góp phần giảm rác thải và hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Tham dự hội thảo có Ban giám hiệu trường Đại học Văn Lang, lãnh đạo Suntory PepsiCo Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Suntory – Nhật Bản, đại diện Đại học Tài nguyên và Môi trường, trực thuộc Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, Công ty VietCycle và gần 300 sinh viên, học sinh.
Trước đó, vào tháng 8 năm 2024, Suntory PepsiCo Việt Nam đã hợp tác cùng VietCycle tổ chức hội thảo tập huấn và nâng cao đời sống cho lực lượng thu gom ve chai nhằm chung tay thúc đẩy việc thu gom, phân loại rác thải hiệu quả. Song song với việc chủ động thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Suntory PepsiCo tập trung vào các hoạt động giáo dục, truyền cảm hứng nhằm thay đổi hành vi của người tiêu dùng và lực lượng thu gom ve chai – đối tượng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả phân loại rác tại nguồn.
Trong suốt 30 năm hoạt động tại Việt Nam, bên cạnh phát triển và dẫn đầu trong sản xuất kinh doanh, Suntory PepsiCo luôn đặt mục tiêu đi đầu trong những chương trình và sáng kiến phát triển bền vững nhằm đóng góp lại cho xã hội. Thúc đẩy bao bì bền vững là một trong những trụ cột của công ty với cách tiếp cận toàn diện. Từ trong khâu sản xuất, công ty đổi mới, cải tiến bao bì nhằm giảm lượng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái sinh; chuyển đổi bao bì dễ phân hủy, dễ tái sinh và tái sử dụng hơn cũng như thúc đẩy thu gom, tái chế trong cộng đồng.
Ông Đỗ Thái Vương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Đối ngoại và Truyền thông Công ty TNHH Nước Giải Khát Suntory PepsiCo Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Trung bình mỗi năm tại Việt Nam, có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ 10% được tái chế, gần 90% còn lại được đem đi chôn, lấp hoặc thải ra môi trường. Với cam kết thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, Suntory PepsiCo Việt Nam đã tiên phong thúc đẩy các sáng kiến bao bì, nhằm chung tay giải quyết các thách thức về chất thải, hướng đến kinh tế tuần hoàn cho vật liệu rắn.
Suntory PepsiCo là công ty nước giải khát đầu tiên tại Việt Nam cho ra mắt sản phẩm có bao bì làm từ 100% nhựa tái sinh (Pepsi), và có lộ trình chuyển đổi bao bì, tiếp tục cho ra mắt chai trà chiết rót nóng đầu tiên với bao bì từ 100% nhựa tái sinh – OOlong Tea+ năm 2023. Trong nỗ lực giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, công ty cho ra mắt bao bì nước đóng chai Aquafina có trọng lượng nhẹ nhất toàn cầu. Thông qua những nỗ lực này, mỗi năm công ty trung bình giảm khoảng 5.700 tấn nhựa nguyên sinh trong sản xuất, tương đương giảm phát thải 23 nghìn tấn carbon ra môi trường.
Ông Đỗ Thái Vương – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Đối ngoại và Truyền thông, Suntory PepsiCo Việt Nam cho biết: “Với giá trị cốt lõi “Phát triển vì những điều tốt đẹp”, công ty không ngừng nỗ lực và cam kết phát triển bền vững, tập trung vào 6 trụ cột nhằm tạo tác động tích cực cho con người và môi trường. Bao bì bền vững là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững của chúng tôi. Bên cạnh chủ động thúc đẩy các sáng kiến, chúng tôi tin rằng giáo dục và nâng cao nhận thức cho cộng đồng là nền tảng quan trọng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ – những nhân tố tạo ra sự thay đổi, để lan tỏa ra cộng đồng lớn hơn, cùng nhau tạo ra những thay đổi có ý nghĩa.”
Trường Đại học Văn Lang là điểm đến đầu tiên của chương trình giáo dục về thu gom và tái chế hướng đến đối tượng sinh viên. Với thế mạnh đào tạo ngành Môi trường uy tín bậc nhất cả nước, Văn Lang là một trong những trường Đại học luôn tiên phong trong việc quan tâm và thúc đẩy phát triển bền vững. Bên cạnh việc nâng cao giáo dục chất lượng, trường Đại học Văn Lang còn tích cực thúc đẩy nhận thức về môi trường thông qua nhiều dự án quốc tế. Trường cũng là đối tác giáo dục đầu tiên trong dự án “Trạm tái sinh” của Suntory PepsiCo Việt Nam, triển khai từ năm 2022.
Đại diện nhà trường, TS. Võ Văn Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông chia sẻ: “Trường Đại học Văn Lang tự hào lần đầu tiên được góp mặt trong danh sách THE Impact Rankings năm 2024 của Tạp chí Times Higher Education (THE) về mức độ ảnh hưởng đối với sự phát triển bền vững toàn cầu của các tổ chức giáo dục trên thế giới. Đây là nỗ lực của cả một tổ chức và chúng tôi mong muốn những thông điệp và phát triển bền vững sẽ tiếp tục được lan truyền rộng rãi và sâu sắc hơn đối với các bạn sinh viên, doanh nghiệp và cả xã hội. Thông qua chương trình này, chúng tôi hy vọng rằng các bạn sinh viên sẽ có được những hiểu biết sâu sắc hơn về các vấn đề môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ học được cách thức để hành động thiết thực nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững.”
Các diễn giả tham gia buổi Toạ đàm: Vai trò của sinh viên trong “Hành trình tái sinh – Vì một Việt Nam xanh”.
Tại hội thảo, chuyên gia từ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ về thực trạng rác thải, vai trò của nhựa nếu được tái chế – tái sử dụng, sẽ góp phần giảm tác động cho môi trường. Đại diện từ Suntory Nhật Bản và Suntory PepsiCo Việt Nam chia sẻ sáng kiến chương trình giáo dục thu gom – tái chế, cũng như hành trình tái sinh nhựa thu hút sự quan tâm của thầy cô và các bạn sinh viên.
Tại Hội thảo, ông Hoàng Đức Vượng – Chủ tịch VietCycle cũng có những chia sẻ về mong muốn đối với các bạn sinh viên Trường Đại học Văn Lang: “VietCycle mang theo tầm nhìn “Vì Việt Nam văn minh với rác”, đây là khao khát của chúng tôi để đất nước chúng ta xanh hơn, văn minh hơn. Và chính các bạn sinh viên – những người chủ tương lai của đất nước là những ngọn cờ tiên phong để hiện thực hoá khao khát đó. Chúng tôi mong muốn các bạn có thể phân loại rác thải tại chính ngôi nhà của các bạn. Nhờ đó những người thu gom thuộc Hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét của chúng tôi có thể thu gom rác tái chế và chuyển giao tái chế một cách hiệu quả nhất.”
Với thực trạng tại Việt Nam, nếu rác thải được phân loại từ nguồn, sẽ không chỉ giúp tối ưu hóa quá trình tái chế, mà còn giảm đáng kể chi phí và hạn chế ô nhiễm môi trường. Việc nâng cao nhận thức về phân loại và tái chế cho thế hệ trẻ, không chỉ giúp hình thành thói quen mà còn góp phần tạo ra một tương lai phát triển bền vững.
Ly Na