Tin nổi bật

Hội nghị với Doanh nghiệp: “Đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất”

8:27 sáng | 12/05/2020

VHDN – Đây là lời nhấn mạnh của TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị với Doanh nghiệp ngày 9/5 vừa qua do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Thực tế cho thấy, dịch COVID-19 đã tạo ra một “cơn sóng lớn” làm thay đổi cục diện cuộc sống của người lao động khắp các nơi trên thế giới và gây tê liệt nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh khiến các doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng phá sản, hoặc nửa vời bờ vực suy thoái hoặc đợi chờ cơ hội khởi sắc trở lại.

Việt Nam đang có triển vọng tăng trưởng cao nhất ASEAN

Tại buổi Hội nghị với doanh nghiệp vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cả hệ thống phải tập trung hơn nữa việc khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%. Đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, chúng ta phải tập trung vào 5 mũi giáp công: (1) thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân, (2) thu hút FDI, (3) đẩy mạnh xuất khẩu, (4) thúc đẩy đầu tư công, (5) khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị với Doanh nghiệp

Quốc hội, Chính phủ đã quyết định mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3 – nhóm 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN. Chính phủ cần kiên định thực hiện mục tiêu này và coi đó là thước đo đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương…

Tác động bởi dịch COVID-19, do thị trường nguyên vật liệu của Việt Nam dựa chủ yếu vào Trung Quốc, thị trường xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Khi các thị trường này bị phong tỏa bởi dịch bệnh thì nguy cơ ngừng sản xuất rất cao. Điều đó cho thấy nguy cơ đứt gẫy chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu đối với các DN Việt Nam là rất lớn.

Theo đó, VCCI đã chỉ ra dẫn chứng tại buổi Hội nghị rằng, Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn. Đây là cơ hội rất tốt cho các DN Việt Nam để có thể hợp tác đón nhận các dòng đầu tư này từ các quốc gia phát triển có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao.

Bên cạnh những đề xuất về biện pháp, VCCI cũng khuyến nghị bên cạnh những biện pháp cấp bách trước mắt là thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí; chú trọng khai thác thị trường trong nước; tăng cường liên kết các hiệp hội DN để thúc đẩy phát triển thị trường nội bộ trong các hiệp hội và cộng đồng DN; đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực. Vì vậy, các DN cần thực hiện đa dạng hóa thị trường cung ứng và xuất khẩu thông qua việc tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.

Đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất

Cuối tháng 4 đầu tháng 5, VCCI tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng của cộng đồng DN, thì có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý 3; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng DN mà VCCI công bố 1 tháng trước đây. Đây cũng là nội dung báo cáo tại Hội nghị do Chủ tịch VCCI đã trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI – TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh tại hội nghị: “Đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất”

Theo đó, Cộng đồng DN đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của DN; nới room – tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay… Nhưng điều quan trọng nhất, DN kiến nghị là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.

Chủ tịch VCCI cho rằng, tình hình DN đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là quan trọng nhất. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, Chính phủ đã dành các gói tài khoá, tín dụng, với quy mô chưa từng có, để hỗ trợ DN, thể hiện tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng DN. Quốc hội, Chính phủ đã quyết định mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3 – nhóm 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN. Chính phủ cần kiên định thực hiện mục tiêu này và coi đó là thước đo đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương..

PV