Tin nổi bật

Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”

12:27 chiều | 11/10/2022

VHDN – Sáng ngày 11/10/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”. Đây là một trong những sự kiện nổi bật nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 của VCCI.

 Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI; Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI;  Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI… cùng gần 150 đại biểu là đại diện của các cơ quan Trung ương, bộ ngành, VCCI, hiệp hội ngành nghề, các nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức quốc tế và đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, hội thảo cũng sẽ có sự tham dự của đại diện nhiều cơ quan báo chí, truyền thông. Hội thảo do Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chủ trì.

Hội thảo được diễn ra thành hai phần: Phần thứ nhất là phần tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học. Phần thứ hai là phần thảo luận bàn tròn với các khác mời là những chuyên gia, doanh nhân. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến nhằm mục đích tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, đồng thời xây dựng và lan tỏa đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc và dẫn đề Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh. Niềm tin của khách hàng là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, gìn giữ, phát triển thương hiệu. Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp ngày càng vững chắc, hấp dẫn và lan tỏa. Văn hóa chính là nền tảng phát triển của doanh nghiệp. Khi nền tảng của văn hóa vững mạnh thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững”.

“Khi những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp thẩm thấu vào hoạt động kinh tế, mục tiêu phát triển của doanh nghiệp sẽ vượt qua việc tìm kiếm những lợi ích chỉ cho mình, mà thăng hoa trở thành sứ mệnh và trách nhiệm cống hiến cho sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước” – Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh thêm.

Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cũng khẳng định, văn hóa kinh doanh là một trong những thành tố quyết định tới sự phát triển và khẳng định vị thế, thương hiệu của doanh nghiệp, của quốc gia trên thị trường quốc tế. Xây dựng văn hóa kinh doanh đồng nghĩa với việc nâng tầm  năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh tiến sâu vào hội nhập kinh tế sâu rộng  quốc tế mà donah nhân, người lãnh đọa doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi, với vai trò, sứ mệnh của mình để trong việc thúc đẩy quá trình này. Để xây dựng văn hoá kinh doanh là quá trình lâu dài và không ngừng xây hoàn thiện, cần tạo sự đồng nhất về tư tưởng, nhận thức trong giới doanh nhân cũng như toàn xã hội về các các giá trị đạo đức mà doanh nhân cần tuân thủ, bắt đầu bằng việc xây dựng và khuyến khích thực hành các quy tắc đạo đức doanh nhân.

Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội thảo

Mở đầu cho phần tham luận là bài tham luận của PGS. TS Bùi Đình Phong, Học viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với chủ đề “Hồ Chí Minh với doanh nhân Việt Nam”. Theo PGS.TS Bùi Đình Phong: Đạo đức và văn hóa gắn liền với nhau. Đạo đức đòi hỏi văn hóa và văn hóa lên đỉnh cao là đạo đức. Doanh nghiệp phát triển, xét đến cùng là sự thăng hoa của văn hóa.

Hội nhập quốc tế, mở rộng đầu tư nước ngoài, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là đòi hỏi tất yếu khách quan cua rdoanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, bởi thế giới vẫn còn nhiều thế mạnh về công nghiệp và quản trị. Nhưng doanh nhân Việt nam, doanh nghiệp Việt Nam thì phải mang bản sắc Việt Nam, cốt cách Việt Nam – PSG.TS Bùi Đình Phong nhấn mạnh.

Với chủ đề “Quá trình đổi mới tư duy của Đảng về xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam” của PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh lần lượt điểm qua: Quá trình hình thành và từng bước phát triển tư duy của Đảng về xây dựng văn hóa kinh doanh; Quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về việc định hướng phát huy văn hóa kinh doanh Việt Nam trong tình hình mới.

Xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ trọng tâm đó. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhận thức rõ những mặt tích cực và hạn chế của văn hóa kinh doanh Việt Nam; Quán triệt sâu sắc định hướng của Đảng, tích cực, chủ động, có lộ trình khao học để xây dựng một nền văn hóa kinh doanh Việt Nam tiên tiến, đậm đã bản sắc văn háo dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong gia đoạn mới.

PGS. TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận với chủ đề “Phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” lại khẳng định: Truyền thống văn hóa dân tộc là cơ sở, là điểm tựa để xây dựng đạo đức doanh nhân và phát triển văn hóa kinh doanh. PGS.TS Phạm Duy Đức cũng nêu ra những tấm gương tiêu biểu của doanh nhân Việt Nam trong kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Thông qua đó, đặt ra một số vấn đề nhằm phát huy truyền thống dân tộc trong xây dựng truyền thống đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của 300 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng đạo đức doanh nhân, phát triển văn hóa doanh nghiệp là một yêu cầu và nhiệm vụ quan trọng để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ và cũng chính là góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển nên văn hóa và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) trình bày tham luận với chủ đề “Xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam gắn với phát triển bền vững doanh nghiệp”. Ông Vinh khẳng định: Để đảm bảo phát triển bền vững doanh nghiệp, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần quan tâm, xây dựng, bồi đắp tính liêm chính trong kinh doanh; Làm kinh tế hướng tới tăng trưởng lợi nhuận trong sự cân bằng và hài hòa với bảo vệ môi trường và phát triển xã hội, con người… Điều đó tựu chung lại là sự tu dưỡng, bồi đắp đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Mỗi doanh nhân cần chuyển đổi trong tư duy, nhận thức về kinh doanh. Tư duy luôn quyết định hành động. Khi loại bỏ lối tư duy vị lợi nhuận, cam kết theo đuổi và thực hành kinh doanh nhân văn, kinh doanh có trách nhiệm với tương lai.. Đó chính là lựa chọn con đường phát triển bền vững.

Phần 2 của chương trình là “Thảo luận bàn tròn” với sự tham dự của các khách mời là các chuyên gia kinh, các doanh nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp có vị thế trên thương trường như: Bà Phạm Chi Lan, doanh nhân Trần Việt Anh, bà Hà Thu Thanh, doanh nhân Thái Hương…

Phiên thảo luận tại Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được gần 25 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nhân, trong đó có 3 tham luận được lựa chọn để trình bày trong hội thảo. Đặc biệt, hội thảo được nghe hai tham luận của chuyên gia kinh tế và chuyên gia văn hóa cùng với 5 doanh nhân trên các lĩnh vực tiêu biểu đại diện cho giới doanh nhân.

Các chuyên gia, doanh nhân đã thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề lý luận về đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, tầm quan trọng của đạo đức doanh nhân và thực trạng đạo đức doanh nhân cũng như văn hóa kinh doanh Việt Nam hiện nay. Nhiều điểm tích cực đã được chỉ ra, một số khó khăn, hạn chế đã được định vị, nhiều nguyên nhân đã được diễn giải và nhiều giải pháp đã được các chuyên gia tham gia hội thảo kiến nghị đối với các vấn đề xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh.

Các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích quan điểm, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam và nêu những điểm căn cốt về xây dựng đối đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới. Hội thảo đề cấp đến vấn đề xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam gắn liền với phát triển bền vững doanh nghiệp và phát triển truyền thống văn hóa dân tộc trong xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Các tham luận đề cao vai trò của đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh đối với sự tồn tại phát triển bền vững của chính doanh nghiệp cũng như nền kinh tế của đất nước. Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh là yếu tố giúp doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và tạo nên thương hiệu riêng, tạo nên sức mạnh vô hình cho doanh nghiệp. Mang lại lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ông Trần Việt Anh – Chủ tịch HĐQT, Tổng Công ty Nam Thái Sơn

Để xây dựng đạo đức doanh nhân và phát triển văn hóa kinh doanh Việt Nam, truyền thống văn hóa là cơ sở, là điểm tựa quan trọng, bởi nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa trọng đạo đức, nhân nghĩa, đề cao công lý lẽ phải và gắn chặt với thân thiện môi trường, luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu. Những truyền thống văn hóa này đã thẩm thấu, lan tỏa trong các thế hệ doanh nhân Việt Nam. Hội thảo cũng đề cập đến chữ “Tín” trong sản xuất kinh doanh và vai trò của đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp đối với xây dựng thương hiệu quốc gia.

Thu Hồng