Phát huy lợi thế so sánh trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm gần đây tỉnh Bình Phước đang dồn lực cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) với mục tiêu hàng đầu là nâng cao giá trị sản xuất của ngành kinh tế này, tiến tới hình thành một nền nông nghiệp sạch theo hướng hội nhập kinh tế toàn cầu, có giá trị cao và bền vững.
Bước dạo đầu đầy triển vọng
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước – ông Trần Văn Lộc, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp ở phạm vi khu vực và toàn cầu đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải đáp ứng được tính cạnh tranh, các tiêu chuẩn về chất lượng, sản xuất có quy mô mang tính chất hàng hóa. Bên cạnh đó biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp kéo theo điều kiện sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn, nền xuất nông nghiệp đơn thuần, truyền thống không còn phù hợp, không đáp ứng được vai trò trong thực tiễn sản xuất. “Đó là lý do tỉnh Bình Phước đã chú trọng chuyển dịch phát triển NNUDCNC theo hướng sản xuất bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường” – ông Lộc cho biết.
Với mục tiêu quy hoạch vùng NNUDCNC, tỉnh Bình Phước đã và đang xây dựng Đề án thành lập Khu NNUDCNC; đồng thời thành lập Ban quản lý Khu NNCNC. Ngoài ra tỉnh còn đầu tư triển khai các chương trình, dự án thí điểm về sản xuất nông nghiệp; kiện toàn, tổ chức lại đội ngũ CB – CC- VC và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng với điều kiện sản xuất.
Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện Bình Phước đã từng bước hoàn thành và đưa vào hoạt động phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật bằng các phương pháp invitro để phục vụ cho công tác bảo tồn nguồn gen quý hiếm của địa phương; nhân nhanh các giống cây trồng chất lượng tốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã tiến hành xây dựng 6.000m² nhà màng để phục vụ cho công tác thử nghiệm và hoàn thiện các quy trình sản xuất NNUDCNC; qua đó chuyển giao giống, khoa học kỹ thuật, công nghệ cho nông dân; phối hợp với HTX Nguyên Khang xây dựng và hoàn chỉnh quy trình trồng dưa lưới trong giá thể với quy mô 1.000 m²; đồng thời đang phối hợp khảo nghiệm một số giống rau và dưa lưới nhập nội để hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trong cũng như ngoài tỉnh.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Bình Phước cũng đã chuyển giao 5 giống điều đầu dòng được tuyển chọn tại địa phương để phục vụ cho các HTX, các xã Nông thôn mới tại huyện Bù Gia Mập thực hiện chương trình phát triển điều bền vững; thực hiện mô hình “xây dựng sản xuất cây ăn trái chứng nhận VietGAP” quy mô 20 ha cho Tổ liên kết sản xuất nhãn VietGAP (xã Thanh Lương – TX.Bình Long) và hiện có 7 hộ thuộc tổ liên kết được cấp chứng nhận VietGAP; thực hiện thành công mô hình “trồng dưa lưới trong nhà màng công nghệ cao” tại Trại giống cây trồng&vật nuôi của Trung tâm Khuyến nông với diện tích 1200 m², cho hiệu quả kinh tế cao, trọng lượng trung bình đạt 1,4kg/quả.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có khoảng 45/85 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó các HTX hoạt động trong lĩnh vực phát triển điều, hồ tiêu đã và đang áp dụng các công nghệ chế biến – quy trình sản xuất hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, đồng thời ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để mang lại hiệu quả kinh tế và từng bước tạo ra các sản phẩm có uy tín trên thị trường. Cùng với các HTX còn có 2 doanh nghiệp tư nhân đã áp dụng công nghệ để phát triển trồng dưa lưới quy mô 7.000m² (phường Tân Đồng – TX.Đồng Xoài) và quy mô 12.000m² (huyện Hớn Quản); HTX Nông nghiệp Nguyên Khang đã thực hiện liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm quy mô hàng hóa lớn với diện tích sản xuất khoảng 45.000m² dưa lưới và 17.000m² trồng rau thủy canh tại TX.Đồng Xoài và huyện Phú Riềng.
Về lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao theo mô hình trang trại kín, hiện toàn tỉnh Bình Phước có 92/299 trang trại, trong đó 56/217 trang trại chăn nuôi heo có hệ thống làm lạnh (chuồng kín), tự điều chỉnh nhiệt độ, sử dụng máng ăn bằng Silo và hệ thống nước uống tự động vào mỗi dãy chuồng, quy mô chuồng nuôi từ 1.000 con – 12.000 con; 36/82 trang trại chăn nuôi gia cầm có hệ thống làm lạnh (chuồng kín), tự điều chỉnh nhiệt độ, 100% trang trại có hệ thống nước uống tự động. Ngoài ra ngành Nông nghiệp cũng đã phối hợp triển khai mô hình cải tạo chất lượng đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ; việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm được quan tâm thực hiện với tỉ lệ chuồng kín, công nghệ lạnh, tự động, bán tự động ngày càng tăng. Sản xuất giống với các trại giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ đã cung ứng nhiều giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng cao cho nhu cầu phát triển chăn nuôi trong tỉnh và khu vực; việc thụ tinh nhân tạo đã được áp dụng rộng rãi trên địa bàn.
Bệ phóng
Ông Lộc cho biết trước mắt cũng như lâu dài, phát triển NNUDCNC bền vững theo hướng CNH – HĐH là bước đi đúng đắn, chiến lược mà tỉnh Bình Phước đã, đang và sẽ tập trung chỉ đạo. Tỉnh ủy Bình Phước cũng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2020. Trong lĩnh vực trồng trọt, Nghị quyết đặt mục tiêu chuyển dịch sản xuất theo hướng sản xuất nền nông nghiệp an toàn với 100% diện tích cây trồng (không tính cây cao su); trong đó NNUDCNC và nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 15% diện tích, tập trung vào một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh như điều, tiêu, cacao và một số loại rau củ quả. Theo đó sẽ hình thành chuỗi giá trị sản xuất chế biến và tiêu thụ điều theo hình thức HTX với quy mô tối thiểu đạt 5.000ha và chuỗi giá trị điều hữu cơ khoảng 2.000ha; xây dựng chuỗi giá trị trồng cacao xen điều khoảng 5.000ha; xây dựng vùng sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao diện tích khoảng 1.000ha. Hình thành 4 Khu NNUDCNC gồm: TX.Đồng Xoài, diện tích 50ha; huyện Đồng Phú, diện tích 50ha; huyện Lộc Ninh, diện tích 500ha; huyện Hớn Quản, diện tích 500ha.
Trong lĩnh vực, đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi theo hướng NNUDCNC, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020 hình thành ít nhất 2 vùng chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao tại huyện Lộc Ninh, huyện Hớn Quản; 2 vùng chăn nuôi gà công nghệ cao tại huyện Đồng Phú và TX.Bình Long. Tại Khu NNUDCNC của tỉnh sau khi được hình thành sẽ thu hút được ít nhất 1 doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao đầu tư phát triển.
Ngoài ra tỉnh Bình Phước cũng đề ra nhiều giải pháp mang tính khả thi cao, đặc biệt là chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp và nông thôn như: chính sách về đất đai, tín dụng ưu đãi, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao…. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu; đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa nông, lâm nghiệp….Tất cả đều nhằm tạo “bàn đạp” cho phát triển NNUDCNC, từng bước đưa Bình Phước vươn lên trở thành một “thủ phủ” của cả nước về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và NNCNC theo như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong dịp về thăm và làm việc với tỉnh nhà đầu năm 2017./.
Chương Dương