Kiên Lương là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển GTVT, du lịch, hoạt động XNK, là vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh Kiên Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Tất cả điều này chính là tiền đề quan trọng, là những lợi thế nổi bật để huyện có những bước phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, quy mô lớn. Nhằm thấy rõ hơn những thành công của Kiên Lương trong việc phát triển đa dạng nền kinh tế, cũng như định hướng trong tiến trình hội nhập của địa phương, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ông Giang Thanh Khoa – Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương.
Bằng những chính sách thiết thực của địa phương, thời gian qua Kiên Lương đã gặt hái không ít thành công. Xin ông cho biết đâu là những quyết sách của huyện trong công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bền vững từ nay đến năm 2020?
Trong từng công cuộc hoạt động, Ban lãnh đạo Kiên Lương đã không ngừng đề ra những chính sách hiệu quả. Nhờ vậy, đến hôm nay địa phương đã có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Cụ thể, ngành thương mại – dịch vụ và du lịch chiếm tỷ trọng 39%, công nghiệp – xây dựng chiếm 33,3%; nông – lâm – thủy sản chiếm 27,7%. Đặc biệt trong giai đoạn 2015-2016, tốc độ tăng trưởng địa phương đạt bình quân từ 10,5%-11%. Cũng trong 5 năm qua (2011-2015) huyện cũng đã triển khai khá hiệu quả, huy động được nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn ngày càng đồng bộ trong chương trình MTQG xây dựng NTM. Đa số các xã đều tăng từ 5-7 tiêu chí, có 02 xã Dương Hòa và Bình An đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Trên cơ sở những thành công này, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đề ra những giải cụ thể để phát triển đồng bộ nền kinh tế. Trong đó đề cao thực hiện phát triển Công nghiệp – TTCN – Xây dựng gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài bằng việc thực hiện tốt các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế trong, ngoài huyện. Song song với đó, Kiên Lương cũng sẽ tập trung vào phát triển thương mại, dịch vụ (phấn đấu thu hút 750 nghìn lượt khách du lịch vào năm 2020; giá trị gia tăng bình quân từ 11-12%/năm). Thông qua việc mở rộng thị trường, khuyến khích các thương nhân thực hiện các giải pháp kích cầu thu hút khách hàng. Đồng thời chủ động nghiên cứu đề xuất phát triển các khu, điểm du lịch mới; đa dạng hóa sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, di tích lịch sử và nghỉ dưỡng, kết hợp với khai thác hiệu quả văn hóa địa phương tài nguyên thiên nhiên; từng bước kết nối, hình thành vùng du lịch Kiên Lương, Hà Tiên và Phú Quốc. Cũng như coi trọng công tác xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển theo hướng nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM. Phấn đấu giá trị sản xuất tăng bình quân của nông nghiệp 4,16%/năm, quy hoạch phát triển cánh đồng lớn sản xuất tập trung tạo thuận lợi cho việc liên doanh, liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, với chú trọng phát triển một số ngành nghề có lợi thế như cá lồng bè, nhuyễn thể hai mãnh vỏ, du lịch biển đảo, vận tải biển…tạo điều kiện ổn định cuộc sống ngư dân địa phương.
Đâu là giá trị cốt lõi để huyện tự tin thực hiện thành công những định hướng thiết thực trên?
Để thực hiện được những mục tiêu trên không phải là điều đơn giản, đặc biệt là trong quá trình kinh tế phát triển không đồng đều, cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp, địa phương như hiện nay. Chính vì thấy được điều này, Đảng bộ huyện cũng đã tự mình đề ra 3 khâu đột phá quan trọng. Đó là phát triển kinh tế biển; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ xây dựng NTM và phục vụ phát triển đô thị; đi liền với nâng cao chất lượng công vụ của đội ngũ CBCNVC gắn với tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước. Cùng với đó, Đảng bộ huyện sẽ thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự hỗ trợ của các Sở, Ban ngành tỉnh. Đặc biệt, yếu tố tích cực, năng động và quyết tâm cao của ban lãnh đạo huyện là cực kỳ quan trọng; bởi từ đó mới có những giải pháp xử lú kịp thời, linh hoạt trước tình hình khó khăn chung của huyện nhà.
Xác định phát triển mô hình hợp tác sản xuất theo hình thức Tổ hợp tác (THT) hay Hợp tác xã (HTX) vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM và giảm nghèo. Ông chia sẻ sao về điều này?
Những năm qua, huyện Kiên Lương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân trên địa bàn đăng ký thành lập HTX, THT nhằm tăng quy mô và lợi nhuận trên cùng 1 diện tích sản xuất. Vì là mô hình sản xuất theo hình thức tập thể nên tất cả các chi phí từ dịch vụ đầu vào đến nhân công lao động, vận chuyển đều giảm đáng kể, từ đó giá thành sản phẩm cũng giảm, thu hút được các doanh nghiệp đến thu mua. Ngoài được hưởng các lợi ích nêu trên, khi tham gia vào HTX cũng giúp bà con nông dân thay đổi căn bản hoạt động sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nông dân được tiếp cận với các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, các quy trình sản xuất đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt là đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết “4 nhà”, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, tiến tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Với những lợi ích thiết thực này, thời gian tới Kiên Lương sẽ còn chú trọng hơn nữa để mô hình sản xuất tập thể là tiêu điểm tạo điểm nhấn cho nền kinh tế địa phương.
Dự báo tình hình phát triển KT-XH trong năm 2017 này cũng như những năm tiếp theo sẽ còn nhiều khó khăn. Ngoài những công tác trọng tâm trên thì Kiên Lương đã có những dự định mới nào để phù hợp với tình hình thực tại?
Từ đầu năm 2017 đến nay, mặc dù trong tình hình KT-XH khó khăn, có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen lẫn nhau. Nhưng huyện Kiên Lương đã tự hào có được những thành công đáng kể. Kinh tế cơ bản ổn định, tổng giá trị sản xuất đạt 50,86% so với kế hoạch năm và tăng 9,76% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ được hơn 3,3 nghìn tỷ đồng, bằng 61,77% kế hoạch, tăng 3,03% so với cùng kỳ. Theo đó, các doanh nghiệp có điều kiện phát triển kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.
Đây chính là tín hiệu đáng mừng trong công cuộc phát triển của huyện nhà. Để tiếp tục phát huy thành công này, trong thời gian tới huyện Kiên Lương sẽ tiếp tục lãnh đạo chặt chẽ việc quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII của Đảng cùng các Nghị quyết của Trung ương. Tiếp tục chỉ đạo rà soát, phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển KT-XH, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chủ động phối hợp vận hành đóng, mở các cống ngăn mặn để phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản, có giải pháp phòng chống bão, lũ, và nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố trên biển – đảo. Đặc biệt là nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị; thu hút đầu tư cho xây dựng NTM… để thúc đẩy chương trình đạt những kết quả cao hơn. Hướng đến mục tiêu năm 2020, các xã trong địa bàn đều được công nhận xã NTM/.
Xin cảm ơn ông!
Tiến Bảo thực hiện