Bức tranh tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai có sự đóng góp lớn từ các khu công nghiệp (KCN), phát huy lợi thế sẵn có, Đồng Nai tiếp tục cải cách môi trường đầu tư nhằm thu hút hiệu quả hơn nữa nguồn vốn vào các KCN.
Ông Cao Tiến Sỹ_Trưởng ban quản lý KCN tỉnh Đồng Nai
Hiệu quả từ mô hình KCN
Theo quy hoạch, Đồng Nai có 35 KCN (11.771,79ha), hiện 32 khu đã hình thành, 31 đã xây dựng hạ tầng đồng bộ và đi vào hoạt động, 100% KCN đã đầu tư nhà máy xử lý nước tập trung.
Trong 25 năm qua, cùng với các ngành, các cấp, Ban quản lý (BQL) KCN đã xây dựng được hệ thống các KCN quy mô lớn và hiệu quả. Đây là điểm sáng trong phát triển kinh tế của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.
Mô hình KCN đã giúp Đồng Nai luôn duy trì trong top 05 tỉnh thành có tổng vốn đầu tư cao nhất cả nước. Các dự án đầu tư trong các KCN đều phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch…
Hiện 77,37% diện tích đất công nghiệp (5.390,31 ha) đã được cho thuê. Về tổng thể, kết cấu hạ tầng các KCN tại Đồng Nai cơ bản hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Có thể khẳng định, sự phát triển KCN đã tạo điều kiện cho Đồng Nai huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng năng lực sản xuất, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Với vị trí thuận lợi, các tuyến giao thông phục vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, đường bộ… được kết nối xuyên suốt, nhất là 32 KCN đã được hình thành với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng… Đồng Nai hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều các dự án FDI chất lượng hơn nữa.
Nâng tầm công nghệ, tạo ngành sản xuất mới
Đến nay, tại 32 KCN tại Đồng Nai đã thu hút 1.719 dự án từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 1.259 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 24.353,7 triệu USD, vốn thực hiện 18.437,49 triệu USD.
Với tiềm lực đầu tư lớn, khu vực FDI đã phát triển thêm nhiều ngành sản xuất mới và tạo ra bước chuyển biến đáng kể về trình độ công nghệ và quản lý. Một số tập đoàn lớn trên thế giới đã chọn Đồng Nai là điểm đến đầu tư như: Pouchen, CP, Phong Thái, Formosa, Fujitsu, Ajinomoto, Zamil Steel, Shell, Syngenta, Vedan…
Nếu như trong giai đoạn đầu, các KCN tại Đồng Nai chủ yếu thu hút các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan, sau các năm, nhiều nhà đầu tư từ các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…đã chọn Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn với số lượng dự án ngày một gia tăng.
Sự góp mặt của các tập đoàn đa quốc gia đã góp phần tạo nên nền công nghiệp hiện đại, kỹ thuật cao tại Đồng Nai. Hiện Hàn Quốc dẫn đầu với 384 dự án, kế đến là Nhật Bản với 254 dự án.
KCN tiếp tục là nền tảng
Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục xem KCN là nền tảng phát triển công nghiệp. Theo định hướng, Đồng Nai tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực ưu tiên.
Với mục tiêu xanh hoá sản xuất, tỉnh sẽ tiến hành điều chỉnh quy hoạch phát triển dựa trên tiêu chí tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ và thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Hướng đến nền công nghiệp hiện đại vào năm 2020, Đồng Nai chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, dự án công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập siêu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Chiến lược của Đồng Nai là không chạy đua thu hút FDI về số lượng mà chú trọng chất lượng. Theo kế hoạch, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD dự án FDI và 2.000 tỷ VND dự án trong nước vào các KCN trong năm 2019. Tính đến ngày 27/5/2019, các KCN đã thu hút được 987.958.063 USD (tương đương 98,8% kế hoạch) và và 592.987.306.000 đồng.
Về định hướng thu hút đầu tư vào các KCN trong năm 2019 này, Đồng Nai sẽ ưu tiên thu hút dự án đầu tư sạch, hạn chế các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh cũng nhất quán thực hiện chủ trương, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hiện đại; tiếp tục ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh, tập trung vào sử dụng các nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là nguyên liệu từ nông nghiệp; hướng đầu tư vào các dự án sản xuất có trình độ công nghệ cao, ít có nguy cơ ô nhiễm và sử dụng ít lao động; thu hút các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính để đầu tư vào những ngành kỹ thuật có giá trị gia tăng cao như: máy móc thiết bị điện – điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, vật liệu mới; công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới cũng sẽ được chú ý phát triển để tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất trong nước…
Đặc biệt, Đồng Nai không thu hút những dự án sử dụng nhiều lao động vào các KCN trong đô thị, hạn chế các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…, ưu tiên các dự án ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh có chính sách phát triển KCN có trọng tâm, đảm bảo phát triển đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh.
Nguyễn Hoàng