Xác định hiện đại hóa nền hành chính là một trong những nội dung cốt lõi trong Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, những năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn chú trọng đẩy mạnh triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển KT – XH, tiến tới cải cách triệt để các thủ tục và hiện đại hoá nền hành chính vì quyền lợi của người dân và doanh nghiệp; từng bước xây dựng một nền hành chính địa phương hiệu lực, hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển KT – XH.
Ứng dụng CNTT trên diện rộng
Đến nay 100% các cơ quan đơn vị cấp tỉnh, huyện tại Kiên Giang đã triển khai kết nối mạng LAN, Internet và mạng diện rộng của tỉnh (WAN), mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước (T78). 150 máy chủ và 4512 máy trạm đang hoạt động để vận hành các hệ thống thông tin cơ quan Nhà nước (CQNN). Ngoài ra tỉnh cũng đã xây dựng hệ thống Trung tâm dữ liệu tập trung với năng lực đáp ứng tốt hoạt động các hệ thống thông tin dùng chung: Cổng thông tin điện tử tỉnh và các cổng thành phần, Hệ thống Thư điện tử Công vụ, Hệ thống Một của điện tử các CQNN…
Việc triển khai ứng dụng CNTT tại các CQNN được đẩy mạnh, bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội; tiết kiệm chi phí, thời gian giải quyết TTHC, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Hiện phần mềm QLVB và ĐHCV đã được triển khai đồng bộ 3 cấp; hệ thống Thư điện tử công vụ được nâng cấp, cập nhật thường xuyên, đảm bảo khả năng vận hành và an toàn thông tin. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai và vận hành ổn định với 20 điểm cầu. 100% các cơ quan đơn vị cấp tỉnh, huyện có Cổng/trang TTĐT, cung cấp DVC trực tuyến mức 1,2,3 đến người dân và các tổ chức (đang thí điểm DVC mức 4). Để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân, 100% các cơ quan cấp huyện được triển khai Hệ thống MCĐT, tin học hóa quy trình tiếp nhận, xử lý TTHC và công khai kết quả giải quyết trên trang Tổng hợp, tra cứu kết quả giải quyết TTHC của tỉnh. Dự kiến trong tháng 9 – 10/2017 sẽ hoàn thành Hệ thống MCĐT các Sở, ban, ngành tỉnh; đồng thời từng bước ứng dụng chữ ký số chuyên dụng trong các cơ quan hành chính Nhà nước.
Theo ghi nhận của Ông Nguyễn Xuân Kiệm – Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Kiên Giang, so với mục tiêu phát triển và ứng dụng CNTT hiện đại hóa nền hành chính đã đề ra, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang triển khai tốt và đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào công tác CCHC chung của tỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ công liên thông từ cấp tỉnh, huyện, xã của các cấp chính quyền trong tỉnh.
Tiến tới Chính quyền điện tử (CQĐT)
Năm 2015, Sở TT&TT tỉnh Kiên Giang là 1 trong 17 đơn vị được Sở TT&TT Tp.Đà Nẵng ký kết hợp tác và chuyển giao mô hình CQĐT Tp.Đà Nẵng. Là một trong những mô hình hiệu quả và được quốc tế công nhận thông qua các giải thưởng: eAsia Award 2013 và WeGo 2014 về thu hẹp khoảng cách số, 2011 FutureGov về phát triển chính quyền điện tử …nên CQĐT Tp. Đà Nẵng chính là tài liệu quan trọng để Sở TT&TT Kiên Giang học tập, nghiên cứu trong quá trình xây dựng và hình thành mô hình CQĐT tỉnh Kiên Giang.
Năm 2016, Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang tiếp tục phối hợp với Trung tâm Tư vấn nghiệp vụ&Hỗ trợ đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT – Bộ TT&TT xây dựng thành công và công bố Kiến trúc CQĐT tỉnh Kiên Giang, phiên bản 1.0. Đây là kiến trúc nền tảng đảm bảo cho việc triển khai ứng dụng CNTT tại các CQNN tỉnh Kiên Giang được đồng bộ; tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ thông tin và hạ tầng CNTT; tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư, hướng đến triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ; từng bước nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế và kinh phí của địa phương.
Lộ trình triển khai CQĐT tỉnh Kiên Giang gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2017-2018) sẽ tập trung xây dựng và cải tiến quy trình tin học hóa các nghiệp vụ để đáp ứng Kiến trúc CQĐT Kiên Giang; nâng cấp toàn diện Trung tâm dữ liệu tỉnh Kiên Giang; triển khai nền tảng chia sẻ tích hợp cấp tỉnh (LGSP); xây dựng Cổng thông tin điện tử DVCTT; xây dựng Hệ thống xử lý nghiệp vụ nội bộ; tư vấn quản trị kiến trúc Kiên Giang; xây dựng CSDL thực hiện TTHC. Giai đoạn 2 (2018-2019) sẽ tiến hành xây dựng hệ thống an toàn thông tin toàn tỉnh; nâng cấp một số ứng đáp ứng kiến trúc CQĐT Kiên Giang; nâng cấp hệ thống email Kiên Giang đáp ứng kiến trúc CQĐT Kiên Giang; xây mới một số ứng dụng đáp ứng kiến trúc CQĐT Kiên Giang; mở rộng hệ thống hội nghị truyền hình. Trong giai đoạn 3 (2019-2020) sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT của CQNN; trang bị cơ sở hạ tầng cho bộ phận hỗ trợ công dân/doanh nghiệp; đào tạo cho cán bộ, công nhân viên chức.
Ông Kiệm cho biết CQĐT tỉnh Kiên Giang ngay từ khi xây dựng đã xác định “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, với mục tiêu xuyên suốt tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các thông tin, hoạt động, các TTHC của CQNN. Chính vì vậy quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC đều được công khai, minh bạch và thuận lợi trong quá trình thực hiện; thông tin người dân cung cấp cho một CQNN sẽ được đồng bộ, luân chuyển và có giá trị tại các cơ quan khác của chính quyền. Đặc biệt người dân ngày càng được giám sát, tham gia nhiều hơn vào quá trình quản lý, điều hành của các cơ quan chính quyền. “Như vậy chính người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đều được hưởng lợi ích đối với mô hình CQĐT tỉnh Kiên Giang. Sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai chính quyền điện tử sẽ góp phần thực hiện hiệu quả công cuộc CCHC và cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh trong thời gian tới” – ông Kiệm nhấn mạnh.
Tiến Bảo