Hướng tới tận dụng được cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) cần có sự đột phá về công nghệ thông tin (CNTT), Kiên Giang đang từng bước đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền điện tử (CQĐT), minh bạch hoá hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang Lâm Văn Sển, mục tiêu chung của Sở trong thời gian tới là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chính quyền điện tử Kiên Giang, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ và thủ tục hành chính (TTHC) nhằm đáp ứng nhanh và hiệu quả nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Cập nhật khung kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0
Một trong những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng và phát triển CQĐT của Kiên Giang trong năm 2018 là nỗ lực cập nhật khung kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0 nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ và chuẩn kỹ thuật chung của tỉnh, triển khai các hệ thống CNTT tại Trung tâm dữ liệu tập trung tỉnh, bảo đảm an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh.
Hiện 100% cơ quan, ban ngành cấp tỉnh, huyện đã triển khai kết nối mạng nội bộ, Internet và mạng diện rộng của tỉnh (WAN); 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện và hơn 70% CBCC cấp xã có máy tính sử dụng. 21 sở, ban ngành; 15 huyện, thị xã, thành phố; 26 xã, phường, thị trấn đã triển khai hệ thống điện tử liên thông và tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tỉnh Kiên Giang với 2.048 DVCTT (1.428 DVCTT mức độ 1 và 2, 330 mức độ 3 và 290 mức độ 4).
Trong năm 2018, hệ thống một cửa điện tử đã tiếp nhận và xử lý 81.136 hồ sơ gồm 4.027 hồ sơ cấp tỉnh và 77.109 hồ sơ cấp huyện.
Ngoài ra, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công đã triển khai tại 100% cơ quan ban ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% các cơ quan nhà nước được cấp chứng thư số; có 6.923 tài khoản thư điện tử công vụ được thiết lập, cấp và sử dụng.
Hiện tỉnh đã vận hành 22 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ các cuộc họp giữa UBND tỉnh với các cơ quan trung ương, 4/15 huyện, thành phố đã đầu tư hệ thống giao ban truyền hình trực tiếp tử cấp huyện đến cấp xã trong năm 2018.
Bên cạnh đó, tỉnh đã đưa vào vận hành Đô thị thông minh Phú Quốc giai đoạn 1 bao gồm dự án lắp đặt hệ thống không dây thông minh, hệ thống camera giám sát, dự án quản lý lưu trú trực tuyến, hệ thống giám sát môi trường, quản lý du lịch, trung tâm điều hành thành phố thông minh…
Nhóm 10 nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển CQĐT
Trong năm 2019, Kiên Giang đã đề ra 10 nhiệm vụ trong tâm nhằm phát triển mạnh CQĐT, hướng tới tận dụng hiệu quả CMCN 4.0.
- Trước mắt, tỉnh tiến hành nâng cấp trung tâm dữ liệu theo hướng tập trung, hiện đại phục vụ công tác ứng dụng CNTT dùng chung tại các cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn thông tin.
- Triển khai sử dụng chữ ký số tại các cơ quan nhà nước, tích hợp chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.
- Hoàn hiện hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ từ cấp tỉnh đến xã, nâng cao tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử
- Triển khai hiệu quả hệ thống thư điện tử công vụ (@kiengiang.gov.vn), đảm bảo 100% công chức được cấp hộp thu công vụ.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu một số ngành nhằm tạo nền tảng xây dựng CQĐT
- Triển khai hệ thống giao ban trực tuyến và kết nối vào hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến cho cấp xã, huyện, thành phố…
- Hoàn thiện cổng DVCTT, nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và thanh toán trực tuyến (phí, lệ phí).
- Đảm bảo vận hành ổn định cổng, trang thông tin điện tử các cấp, đảm bảo công tác cung cấp thông tin theo quy định.
- Đào tạo kỹ năng sử dụng hệ thốn thông tin cho cán bộ, công chức chuyên trách về CNTT, kiến thức quản trị mạng và hệ thông an toàn thông tin…
- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến.
Anh Thy