Theo kế hoạch điều chỉnh phát triển kinh tế–xã hội Kiên Giang, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015-2020 phải đạt 7,69%. Điều này đồng nghĩa trong hai năm còn lại, Kiên Giang phải đạt tốc độ tăng trưởng 8,13%/năm. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng, thì đây là phương án khả thi. Tạp chí VHDN có buổi phỏng vấn ông Phạm Vũ Hồng xung quanh vấn đề trên.
Xin ông cho biết những mặt “được” và “chưa” sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (2015-2020)tại Kiên Giang?
Trong hơn 2 năm qua, dù gặp không ít khó khăn, nhưng Kiên Giang cũng đạt nhiều kết quả quan trong. Trong số các chỉ tiêu đề ra, Kiên Giang có 9 chỉ tiêu khá, 7 chỉ tiêu vượt, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,94%.
Về kinh tế, chúng tôi đã triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tái cơ cấu gắn liền với xây dựng nông thôn mới (49 xã và Huyện Tân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới).
Riêng lĩnh vực công nghiệp-xây dựng tăng trưởng bình quân 10,75%, Kiên Giang cũng tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các khu và cụm công nghiệp, đưa dự án cấp điện lưới quốc gia vào hoạt động tại các xã đảo (98,7% hộ sử dụng điện).
Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ-thương mại-du lịch tăng trưởng khá (11,07%/năm), tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 13,48%, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 640 triệu đô la Mỹ. Năm 2018, Kiên Giang đón 15,5 triệu lượt khách (gần 01 triệu khách quốc tế) với doanh thu hơn 11 ngàn tỷ.
Các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, có đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh. Năm 2018, có 3.097 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 37.199,78 tỷ đồng; chất lượng giáo dục được nâng lên; khoa học-công nghệ có nhiều tiến bộ; công tác tu bổ, giữa gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá tiếp tục chú trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả trên, Kiên Giang vẫn còn một số mặt chưa được cần phải khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng như giá trị công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, huy động vốn…vẫn còn thấp; tỷ lệ khai thác các lợi thế về nông nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp chế biến, kinh tế biển, du lịch vẫn còn hạn chế, trong khi sự liên kết giữa các vùng kinh tế vẫn còn chậm.
Bên cạnh đó, các khâu đột phá về cải cách hành chính, kết cấu hạ tầng chưa đạt được kết quả như mong muốn, công thêm hiệu quả thấp trong hoạt động hợp tác phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Xin ông chia sẽ thêm về kết quả công tác thực hiện 3 khâu đột phá kinh tế của tỉnh cho đến thời điểm hiện tại?
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ 2015-2020 của Kiên Giang là thực hiện ba khâu đột phá chiến lược: phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng giao thông và phát triển huyện đảo Phú Quốc.
Về nguồn nhân lực, tỉnh bước đầu đạt được sự đột phá nhất định. Chúng tôi đã tổ chức đào tạo và bồi dưỡng cho hơn 51.986 lượt cán bộ, công chức và viên chức, 98,42% cán bộ quản lý thuộc Ban thường vụ tỉnh uỷ có trình độ Đại học trở lên; 23.843 cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn (99,1%); nguồn nhân lực y tế đạt 7.019 người (1.231 bác sĩ, 244 dược sĩ đại học).
Hiện 21/22 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh đã thực hiện cơ chế hành chính một cửa, cơ chế một cửa cũng được triển khai đến 15/15 huyện, Kiên Giang đã xây dựng đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính và kiện toàn tổ chức bên trong theo hướng tinh gọn.
Về kết cấu hạ tầng giao thông, hiện hệ thống giao thông đường bộ đã kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, 100% số xã trong đất liền được nhựa hoá; tỷ lệ nhựa hoá, bê tông hoá đường liên ấp, liên xã đạt 75,9%, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng háo và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Về phát triển huyện đảo Phú Quốc, theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030, huyện đảo Phú Quốc sẽ phát triển theo mô hình đặc khu kinh tế. Theo đó, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch phát triển giao thông, hệ thống năng lượng, thuỷ lợi và thương mại trên huyện đảo Phú Quốc, phê duyệt và công bố các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, 1/500 các phân khu chức năng, hoàn thành việc cắm mốc rừng theo Quyết định số 633/QĐ TTg, Quyết định số 868/QĐ-TTg.
Theo ông, Kiên Giang cần có giải pháp gì đề khai thác hiệu quả mọi tiềm năng và thế mạnh sẳn có, góp phần đưa Kiên Giang vào hàng ngũ các tỉnh khá của cả nước?
Theo điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (Quyết định số 388/QĐ-TTg, ngày 10/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ), thì tốc độ tăng trưởng cả nhiệm kỳ là 7,69%, hai năm còn lại bình quân mỗi năm phải tăng 8,13%.
Để đạt được mục tiêu trên, Kiên Giang đã đề ra 4 giải pháp căn cơ. Một mặt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, mặt khác tạo tiền đề cho nhiệm kỳ mới.
Thứ nhất, triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gắn với phát triển nông thôn mới, phát triển mạnh kinh tế biển, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng 4 vùng du lịch trọng điểm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường liên kết cùng phát triển, đổi mới toàn diện giáo dục, thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội…
Thứ hai, cũng cố thế trận quốc phòng toàn dân, đảm bảo chủ quyền biên giới biển đảo, triển khai toàn diện hoạt động đối ngoại, xây dựng biên giới hoà bình và hữu nghị, đảm bào quốc phòng an ninh.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác chỉnh đốn Đảng, giải quyết hiệu quả các vấn đề bức xúc tại địa phương, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, kiện toàn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
Thứ tư, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; nâng cấp các tuyến quốc lộ, cảng biển, đường giao thông nông thôn nhằm tạo liên kết thúc đẩy phát triển; phát triển Phú Quốc trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển chung củ vùng.