Nhân dân địa phương và du khách thập phương đến với Lễ hội Phát lương đều tin tưởng vào một năm tài lộc bội thu đủ đầy và hạnh phúc.
Đền Trần Thương là một ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo được dựng lên ngay trên phần đất khi xưa ông dùng làm kho lương phục vụ cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần 2. Trong Đền có giếng Ngọc, là nơi táng tro cốt của Trần Hưng Đạo khi ông qua đời. Ngôi Đền là di tích Quốc Gia đặc biệt, hội tụ nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, quân sự, kiến trúc, nghệ thuật, và cả những giá trị văn hóa tâm linh, du lịch.
Đền Trần Thương (Xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) là một trong 3 ngôi đền lớn của cả nước, nơi thờ chính Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Trần Thương). Những nơi có liên quan mật thiết đến cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại Vương thể hiện qua câu: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, Hương Bảo Lộc”.
Những giá trị đặc sắc về lịch sử, quân sự, kiến trúc, nghệ thuật
Tương truyền trên đường đánh quân Nguyên – Mông, bằng nhãn quan của nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, Trần Quốc Tuấn chọn đất Trần Thương lập sáu kho lương (khu vực đền Trần Thương là kho lương chính) để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai năm 1285. Địa thế nơi đây rất thuận tiện cho việc vận chuyển, tích trữ lương thảo của triều đình. Khi chiến thắng trở về, Trần Quốc Tuấn đã mở kho lương tổ chức khao quân và nhân dân mừng chiến thắng.
Sau khi Hưng Đạo Đại Vương qua đời, để tưởng nhớ công ơn của ngài, vào thời hậu Lê năm 1783, nhân dân trong làng đã lập đền trên đất kho lương ấy để thờ phụng. Đền Trần Thương trở thành tôn miếu linh thiêng của đất nước. Nhân dân tôn vinh Hưng Đạo Đại Vương là Đức Thánh, là “Cửu Thiên Vũ Đế” từ trên trời hiển ứng xuống giúp dân, giúp nước, diệt trừ ma quỷ, giặc giã.
Cùng với giá trị về lịch sử, quân sự, kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương còn mang đậm nét phong cách cổ truyền của dân tộc. Đền được xây dựng vào thời hậu Lê, nằm trên nền kho lương của nhà Trần trong giai đoạn chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ hai. Với kiến trúc đặc sắc và độc đáo khác hẳn những ngôi đền khác ở mọi nơi, đền Trần Thương được xây dựng theo tư duy phong thuỷ: Phía trước cổng đền có hồ nước gọi là Huyền Vũ án cửa; Cổng Tam quan chính Ngọ gọi là Ngọ Môn Quan; Phía trước hậu cung là hồ nước gọi là Hồ khẩu; Sau đền là gò đất cao tạo sơn vững chắc; Bên trái khu đền một lạch nước nhỏ chạy dài gọi là Thanh Long, bên phải có con đường gọi là Bạch Hổ. Ngôi đền bề thế với lối kiến trúc theo kiểu chữ tam, hai bên là giải vũ, bên trong tam toà là tiền tế, trung điện và hậu cung…
Đền Trần Thương hiện còn lưu giữ 202 di vật, cổ vật, đồ thờ tự đẹp, có giá trị nghệ thuật và lịch sử cao, phong phú về thể loại, đa dạng về chất liệu như: hoành phi, câu đối, đại tụ, ngai thờ, lục bình, ngai đá, rùa đá và dặc biệt là thanh kiếm bạc chỉ được đem ra thờ vào những ngày lễ hội. Trong hậu cung có bộ khám lớn được chạm khắc công phu, tinh xảo…
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 23-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương là di tích Quốc gia đặc biệt.
Đón nhận Bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội đền Trần Thương và Lễ phát lương Đức Thánh Trần.
Vào lúc 0 giờ ngày rằm tháng giêng hàng năm, đúng thời điểm linh thiêng của Tết Nguyên Tiêu, trong tiết Xuân trời đất giao hòa, huyện Lý Nhân long trọng tổ chức lễ phát lương cho nhân dân và du khách thập phương, ngay tại ngôi đền chính, nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm kho lương.
Theo các cụ già ở thôn Trần Thương: Hàng năm cứ vào trung tuần tháng Tám âm lịch, các cụ đều có lệ rước nước và nhập lương từ sông Hồng. Tục này nhằm tái hiện lại dữ kiện lịch sử về việc phát lương khao quân của quân đội Nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên – Mông lần thứ ba trở về. Dựa trên những yếu tố lịch sử và tâm linh, từ năm 2010, tỉnh Hà Nam đã tổ chức Lễ phát lương cầu lộc, cầu phúc, cầu một năm sung túc, no đủ cho nhân dân và khách thập phương về lễ bái tại đền.
Nghi lễ phát lương gồm ba phần: Phần thứ nhất là Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ, do bảy cô gái thanh tân mặc áo dài màu đỏ, đội khăn đỏ, đội bảy mâm đựng những túi lương nhỏ, chín chàng trai mặc quần áo màu đỏ, đầu đội nón lá đỏ, thắt lưng khăn vàng, ống chân quấn xà cạp viền xanh, chân đi giày vải màu vàng có trách nhiệm khiêng kiệu, trên kiệu đặt ba túi lương lớn. Đi đầu đoàn rước là đội sư tử, dàn trống, chiêng, cờ ngũ sắc, bảy mâm lương thảo, tiếp theo là các đội tế của địa phương, đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Tỉnh, Huyện, nhân dân và du khách thập phương.
Phần thứ hai là nghi lễ dành cho các đại biểu, lãnh đạo khách quý của quê hương như: lễ châm đuốc, dâng hương. Phần thứ ba là những cô gái, chàng trai ưu tú được lựa chọn rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ.
Được biết: Hai chữ in trên túi lương là chữ Hán mang nghĩa “Trần Thương”. Túi được làm bằng vải điều, màu đỏ tượng trưng cho Hỏa, màu vàng của chữ tượng trưng cho Thổ, tượng trưng cho sự bền vững, ánh sáng văn minh của nền nông nghiệp. Bên trong túi lương là các loại ngũ cốc – sản vật của vùng quê Nhân Đạo, đó là nếp cái hoa vàng, đậu tương, ngô đỏ… Theo quan niệm của người dân túi lương là lộc ban, cũng là lời nguyện của Đức Thánh Trần phù hộ cho một năm quốc thái dân an, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.
Nhân dân và du khách thập phương tham dự lễ phát lương. Ảnh: Văn Vương
Theo ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, trưởng Ban tổ chức Lễ hội: Điểm mới của Lễ hội Trần Thương năm 2021 là bên cạnh việc tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, bảo đảm cả phần lễ và phần hội, mang đậm các văn hóa tín ngưỡng truyền thống, kết hợp với văn hóa tâm linh là bản sắc của đền Trần Thương. Ban tổ chức sẽ lập các gian trưng bầy hàng hóa, giới thiệu việc làm với nhân dân trong vùng và các du khách thập phương.
Các gian hàng trưng bày là sản vật của quê hương Lý Nhân đã nổi tiếng khắp gần xa như: Cá kho Hòa Hậu, Chuối ngự Đại Hoàng, bánh đa nem Làng Chều, và nhiều những sản vật nổi tiếng khác của địa phương…
Năm nay, Ban tổ chức Lễ phát lương đền Trần Thương đã chuẩn bị 180 nghìn túi lương. Hiện công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất, tất cả đã sẵn sàng để làm lễ tâm linh, phục vụ phát lương cho nhân dân và du khách thập phương.
Các đồng chí lãnh đạo phát lương cho nhân dân và du khách thập phương
Ở thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Lý Nhân đã có 2 cây cầu lớn là Hưng Hà và Thái Hà bắc qua sông Hồng nối liền Hà Nam với các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên… Du khách trong và ngoài nước sẽ rất thuận lợi khi đến với khu di tích Lịch sử – Văn hóa, tâm linh đền Trần Thương – điểm du lịch văn hóa tâm linh, tín ngưỡng quan trọng của tỉnh Hà Nam và cả nước. Là điểm quy tụ để nhân dân, khách thập phương xa gần, hành hương tưởng nhớ về cội nguồn, chiêm ngưỡng di tích lịch sử văn hóa và cầu nguyện may mắn trong cuộc sống.
Trên lộ trình về đền Trần Thương du khách còn được tham quan các di tích cấp Quốc gia tiêu biểu tại huyện Lý Nhân như: Đền Bà Vũ, đình Trác Nội, thăm quê hương và khu tưởng niệm Nhà văn – Liệt sĩ Nam Cao… Địa danh này rất gần và thuận lợi để du khách tới thăm quan và xin ấn tại đền Trần tỉnh Nam Định.
Việc tổ chức lễ hội phát lương Đức Thánh Trần vào đúng 0giờ ngày rằm tháng giêng nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương nhân dịp đầu Xuân năm mới. Đồng thời cũng là dịp để giáo dục truyền thống và khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân với nước. Qua đó tôn vinh giá trị văn hóa lúa nước, giá trị lương thực trong đời sống con người, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước.
Với những giá trị lịch sử văn hóa và tâm linh đặc sắc, năm 2017 lễ hội đền Trần Thương đã được ghi danh vào mục di sản văn hóa phi vật thể của Quốc Gia.
Thu Hà – Như Quân