Tin nổi bật

Lễ hội truyền thống làng Dừa, xuân Giáp Thìn: Mang bình an đến mọi người

8:19 sáng | 20/02/2024

VHDN – Vừa qua, nhằm vào ngày 10 tháng Giêng ÂL, làng Dừa xã Xuân Phong (Thọ Xuân, Thanh Hoá) long trọng tổ chức lễ Hội làng. Lễ hội được diễn ra theo nghi thức truyền thống cổ xưa nhằm ghi nhớ công ơn ông Lê Công Đỉnh – người đầu tiên khai hoang lập ấp; cầu cho một năm mới nhà nhà no đủ, mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa…

Với tín ngưỡng Đa Thần giáo khiến làng Dừa có nhiều lễ và hội, nhưng lớn nhất có hai lễ hội đó là ngày 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm (lễ Kỳ Phúc, giỗ các Thành Hoàng) và ngày 10 tháng Ba âm lịch (hội kỵ bách tính trong làng) cũng được tổ chức tại đình làng. Hội kỵ Bách tính thực chất của lễ hội này là ngày con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, báo cáo với tiên tổ sự phát triển về kinh tế, con người của các gia đình, dòng họ để gắn bó hơn với tình làng nghĩa xóm giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn.

 

Nghi lễ Rước kiệu trong ngày hội

Làng Dừa trước đây có một đình lớn là nơi tụ họp và sinh hoạt văn hóa của làng cũng là nơi thờ cúng Thành Hoàng. Tương truyền làng lập ông Lê Công Đỉnh làm Thành Hoàng, thờ Cao Sơn Tôn thần, sau này còn thờ công chúa Ngọc Mai (chưa rõ sự tích). Đình làng được xây dựng từ xa xưa, đến nay không còn tài liệu, chỉ biết được tôn tạo lại năm Tự Đức thứ VI (1853). Theo lời người già kể lại, (vì gia phả các dòng họ đã bị thất truyền) làng Dừa được hình thành vào thế kỷ XVI, lúc này cuộc nội chiến thương tàn giữa Lê Trịnh và nhà Mạc, gây bao cảnh đau thương. Cuộc nội chiến đã làm nhà tan cửa mất đối với nhân dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, Ninh Bình và Thanh Hóa. Lúc bấy giờ có ông Lê Công Đỉnh, người vùng nào không rõ đến đây thấy vùng đất đẹp, nước nôi thuận lợi, tiện cho việc sản xuất nông nghiệp, lại tránh được chiến tranh, giặc giã, ông liền ở lại sinh cơ lập nghiệp. Là vùng “đất lành chim đậu” nên người từ các nơi kéo về lập nghiệp ngày một đông như họ Lê Văn, Lê Hữu, Lê Khắc, sau đó các họ Hoàng Khắc, Hoàng Huy, Hoàng Phú, Hoàng Quân, Hoàng Trọng, sau này có thêm các họ Phạm Văn, Phạm Trịnh, họ Trần, họ Bùi, họ Nguyễn, họ Ngô, họ Đỗ.

Một số dòng họ mang lễ vật cung tín trong lễ hội

Làng có địa thế hình tròn, tình làng nghĩa xóm gắn bó keo sơn. Dưới chế độ phong kiến làng được chia làm bốn giáp: giáp Nam, giáp Trung, giáp Thịnh, giáp Đông. Đến thế kỷ XIX, thực dân Pháp thực hiện chính sách chia để trị, làng Dừa được chia làm 3 ngõ: ngõ Nam, ngõ Ngẫy, ngõ Dưới. Theo thời gian, lịch sử làng Dừa cũng có nhiều tên gọi khác nhau. Lúc đầu có tên là Đông Lân, sau đổi thành Đông Lý, rồi Đông Chờ (thổ dân địa phương gọi là Đông Trừ). Đến đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn chia nước thành 29 tỉnh và chia lại một số châu, phủ, huyện. Làng Đông Trừ đổi thành làng Dừa (Âm Hán, Trừ cũng có nghĩa là Dừa) và tên làng cũng được giữ cho đến ngày nay.

Ban điều hành Làng Dừa và Đạo tràng chùa Vĩnh Phúc tại lễ Hội

Thuở xưa, làng Dừa còn một ngôi đình kiến trúc chạm trổ cầu kì tinh vi, dân làng gọi là đền Hạ thờ Bạch Tiên ông (rất tiếc đến nay không còn thần tích). Bên cạnh đình và đền, thờ cúng tiên thần, làng còn có chùa Vĩnh Phúc Tự, là nơi cho dân làng và các làng lân cận đến dâng hương cúng Phật.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, người dân địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa. Các trò chơi dân gian, các môn thể thao đã thu hút số đông các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Đặc biệt, trước hôm diễn ra lễ hội (tối Mùng 9 tháng Giêng ÂL) một chương trình văn nghệ quần chúng nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tài năng… được diễn ra sôi động mang giá trị văn hóa tinh thần của lễ hội.

 Ông Lê Hữu Đốc – trưởng làng chia sẻ: “Những năm qua địa phương nhận được đóng góp từ các cá nhân, tập thể trong việc tôn tạo, xây dựng đình, chùa và các hạng mục khác. Trong lễ hội năm nay, Ban tổ chức kêu gọi lòng hảo tâm của các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng Ban thờ thần linh và cung thần Đình làng. Chúng tôi sẽ thực hiện đúng, minh bạch, tiết kiệm… những giá trị vật chất mà quý vị công tiến, đóng góp…”

Tại lễ hội làng Dừa – xuân Giáp Thìn, du khách thập phương và người dân quê hương được chiêm ngưỡng lễ rước Thành Hoàng làng. Lễ rước xuất phát từ nơi thờ Thành Hoàng làng, di chuyển đến đền Hạ, sang đình Thượng và trở về nơi chính điện. Ở mỗi Đền, ban tế làm thủ tục cúng tế nhằm tỏ lòng tôn kinh, ngưỡng mộ biết ơn các bậc Tôn thần đã có công với đất nước, với nhân dân.

Đêm giao lưu Văn nghệ phục vụ Hội làng năm Giáp Thìn

Ông Đăng Hạ – Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Truyền thông và Thương hiệu, người con sinh ra từ làng Dừa cho biết: “Hội làng mỗi năm mỗi khác, cái khác ở đây là quy mô tổ chức được “lớn” hơn theo hàng năm. Với tôi, trở về quê hương trong ngày Hội làng là trở về với nguồn cội để từ đó trong mỗi chúng ta luôn ý thức về sự ngưỡng vọng, biết ơn và trách nhiệm là đóng góp tinh thần, vật chất để quê hương ngày một phát triển hơn, giàu đẹp hơn”.

Lễ hội truyền thống làng Dừa mùa xuân Giáp Thìn không chỉ bó hẹp trong phạm vi địa phương mà đã thu hút được khách thập phương tại nhiều vùng miền tham dự. Đây là dịp để con cháu xa quê có điều kiện trở về quê hương, đoàn tụ cùng gia đình trong tiết Xuân ấm áp và an lành.

                                                                                                                        Hải Đăng