Tin nổi bật

Liên kết hợp tác doanh nghiệp – Pháo đài vững chãi để phát triển bền vững

4:04 sáng | 21/08/2020

Liên kết tuyển sinh – đào tạo nhân lực ngành hàng không được xem là một bước đi rất mới, là điểm nhấn quan trọng trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho Việt Nam mà còn cho các nước trên thế giới. Những hoạt động kết nối các đơn vị tuyển sinh, đào tạo này đã và đang tạo ra giá trị kinh tế cao cho đất nước, giúp nhiều thế hệ trẻ đến gần hơn với những giấc mơ của mình.

Theo lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Kết luận số 77 -KL/TW của Bộ chính trị ngày 05/06/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid 19 để phục hồi phát triển kinh tế nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, tăng cường liên kết các doanh nghiệp khôi phục phát triển kinh tế sau đại dịch đạt kết quả cao nhất. Sự kết hợp, hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp đã tạo nên thế mạnh, chuỗi giá trị trong từng ngành kinh tế tạo thành một pháo đài vững chãi để cùng nhau phát triển bền vững.

Ngày 19/08/2020 đã đánh dấu sự hợp tác quan trọng của Chương trình hội thảo Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành Hàng không giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn 2030 và Lễ ký kết hợp tác tuyển sinh giữa Công ty CP Đào tạo Huấn luyện Nghiệp vụ Hàng không Việt Nam Chi nhánh Hà Nội (VNAS) và ba đơn vị đối tác trong khối doanh nghiệp xuất khẩu lao động là Công ty CP Đầu tư Quan hệ Quốc tế GLC group (Công ty GLC group), Công ty CP Quốc tế Nhân Ái (Công ty Nhân Ái) và Công ty CP Dịch vụ Thương mại Quốc tế Vạn Phúc (Công ty Vạn Phúc) tại quần thể Aquaria Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Hà Nội. Hội thảo với mục tiêu kết nối giữa các doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển sinh, cung ứng nguồn nhân lực đào tạo có kỹ năng chất lượng cao cho ngành Hàng không trong nước và quốc tế. Đặc biệt, hướng tới xuất khẩu lao động ngành Hàng không cho thị trường tại các nước phát triển như Nhật Bản, Châu Âu, Dubai..

               Các bên tham gia lễ ký kết

Đến dự với Chương trình hội thảo và lễ ký kết về phía đại biểu khách mời có ông Nguyễn Lương Trào – Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, bà Nguyễn Quỳnh Anh giảng viên tiếng Anh chuyên ngành Hàng không – Ban đối ngoại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Airline. Về phía VNAS có ông Nguyễn Đức Khánh – Bí thư Đảng ủy, Cố vấn cao cấp phụ trách chiến lược; Ông Nguyễn Văn Thịnh – Chủ tịch hội đồng xét tuyển, Cố vấn cao cấp phụ trách đối ngoại; Ông Nguyễn Hải Phong – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc cùng các lãnh đạo của công ty. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty CP Đào tạo Huấn luyện Nghiệp vụ Hàng không Việt Nam ông Hàn Văn Chuyên và bà Trần Thị Hằng – Phó Giám đốc. Về phía đối tác hợp tác với sự có mặt của bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nhân Ái, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty GLC group, ông Hàn Trung Kiên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vạn Phúc. Cùng sự có mặt của lãnh đạo đại diện của các đơn vị xuất khẩu lao động tham dự hội thảo.

Hội thảo với ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc cung cấp nguồn nhân lực hàng không chất lượng cao

Có sự cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực trong nội bộ ngành Hàng không

Thực tế cho thấy, Hàng không là một ngành vận tải rất đặc thù, với sự vươn lên đạt tốc độ tăng trưởng 17% so với tốc độ chung của châu Á là 6,7%. Điều đó chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng không Việt Nam có sự tham gia khai thác của 71 hãng hàng không nước ngoài từ 28 quốc gia/vùng lãnh thổ khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ đến Việt Nam và 4 hãng trong nước, 23 sân bay đang khai thác thương mại trong đó có 9 sân bay quốc tế, 14 sân bay nội địa. Theo thống kê của các hãng hàng không Việt Nam năm 2018, vận chuyển hàng không đạt tổng công suất khoảng 75 triệu khách/năm tăng 14% và gần 400 nghìn tấn hàng hóa tăng 26% so với năm 2017. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác trên 140 đường bay quốc tế giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng và 28 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Tiêu biểu trong các hãng hàng không Việt, Hãng hàng không Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần công ty tăng 18%, đạt mức 25.377 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 tổng doanh thu đạt 73.504 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng không đạt 59.835 tỷ đồng, đóng góp đến 81% tổng doanh thu, lãi sau thuế 1.969 tỷ đồng (theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018). Trở thành một trong những đối thủ lớn của hàng không khu vực, được trao tặng những giải thưởng uy tín như Chứng chỉ Hãng hàng không quốc tế 4 sao Skytrax 3 năm liên tiếp; theo đánh giá của TripAdvisor đánh giá là Hãng hàng không lớn được yêu thích nhất châu Á năm 2018; World Travel Awards cũng đánh giá là Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hoá và Hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng Phổ thông đặc biệt… được kết nạp vào Liên minh Hàng không lớn của thế giới.

Với thực trạng phát triển không ngừng của hàng không Việt Nam, các hãng hàng không quốc tế cũng thấy được tiềm năng, sức hút của thị trường hàng không Việt Nam. Nhiều hãng lớn của thế giới như: Air France, Emirates, Turkish Airlines… đã chủ động tham gia vào thị trường Việt và đang đảm nhiệm 58-60% thị trường vận tải hàng không quốc tế…

Từ thực tế trên, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đưa ra dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035. Ngoài ra, các nghiên cứu của Nielsen và ngân hàng thế giới cũng cho thấy xu hướng chuyển từ tiết kiệm sang du lịch của người Việt Nam. Điều này có lợi cho ngành hàng không. Trong 10 năm tới không những vận tải hàng không tăng gấp 3 lần mà ngành hàng không còn được hưởng lợi từ việc xuất khẩu linh kiện máy tính, đồ điện.

Khi đề cập đến một số giải pháp chủ yếu để phát triển, đào tạo nguồn nhân lực hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho rằng, cần công khai nhu cầu nguồn nhân lực hàng không, thu nhập dự kiến của các nghề hàng không như: Phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật tàu bay, kiểm soát viên không lưu nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, thu hút đầu vào chất lượng cao.

Trước thực tế này, chia sẻ tại hội thảo, Ông Nguyễn Hải Phong – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty VNAS nhấn mạnh: “Nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng phát triển kéo theo sự tăng trưởng nhanh chóng của các hãng hàng không. Trong vòng 20 năm tới, sẽ có hàng chục nghìn máy bay thương mại mới được đưa vào khai thác, dẫn đến một nhu cầu nhân sự rất lớn trong ngành Hàng không, đặc biệt là đội ngũ phi công và nhân viên kỹ thuật máy bay, sửa chữa, tiếp viên, quản lý hàng không…Cụ thể, khu vực Châu Á thái bình dương sẽ cần thêm 240.000 phi công máy bay thương mại, 242.000 kỹ thuật viên và 317.000 tiếp viên hàng không, đến hàng ngàn nhân viên mặt đất, nhân viên phục vụ hàng hóa, nhân viên an ninh, nhân viên phục vụ hành khách, hành lý… trong thời gian từ năm 2018 đến 2037, chiếm tới hơn 1/3 tổng nhu cầu toàn cầu”.

 

Ông Nguyễn Hải Phong – Người thủ lĩnh tiên phong đã chắp cánh cho nhiều giấc mơ của các bạn trẻ với ngành hàng không

Cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực trong nội bộ ngành Khẳng định ngành Hàng không dân dụng đang phát triển với tốc độ rất nhanh, thậm chí một số hãng có biểu hiện phát triển nóng. Do đó, để đáp ứng với nhu cầu phát triển của ngành hàng không Việt Nam, tuyển dụng, đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong ngành là vô cùng cần thiết.

Ông Phong nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng vinh dự đóng góp vào sự phát triển của đất nước thông qua việc cung cấp các thông tin, nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, những tố chất mà chúng tôi định hướng chia sẻ cũng phù hợp với nhu cầu cũng như định hướng phát triển nguồn nhân lực của ngành hàng không”.

Mở ra một bước tiến dài và mới mẻ trong XKLĐ ngành hàng không

Phát biểu khai mạc chương trình và đánh giá về tầm chiến lược quan trọng và ý nghĩa to lớn của chương trình hợp tác, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nhân Ái cho biết, sự phát triển ngành hàng không, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng làm việc cho ngành hàng không, cho các vị trí làm việc trong ngành là rất lớn, dự đoán trong giai đoạn 2020-2025 ngành hàng không sẽ có khoảng 58 nghìn người để mở ra một cơ hội việc làm lớn cho học sinh, sinh viên tham gia vào ngành, vào nghề thực hiện giấc mơ của các em.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nhân Ái phát biểu tại Hội thảo

Bà khẳng định, sự hợp tác tuyển sinh, đào tạo giữa công ty VNAS và các công ty XKLĐ trong hoạt động phái cử thực tập sinh là câu trả lời cho việc giải quyết việc làm cho người lao động sau khi kết thúc hợp đồng lao động tại nước ngoài trở về đâu và làm gì, có được phát huy những kinh nghiệm đã được đào tạo và làm viêc hay không? Đây là sự hợp tác rất thiết thực đảm bảo chuẩn bị kiến thức chuyên ngành, đồng thời cũng là sự chuẩn bị tâm lý cho người lao động tham gia vào hoạt động xuất khẩu lao động có nghề, thông qua đó để hình thành nguồn lao động tiêu chuẩn, có kinh nghiệm trong công việc quay trở về để phục vụ đất nước, góp phần nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực Việt.

XKLĐ với Việt Nam không còn là ngành mới, nhưng XKLĐ chất lượng như thế nào là một bài toán rất khó, tế nhị nhưng chúng ta đã có một bước tiến dài. Việt Nam hiện nay đang được một quốc gia khó tính với đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao nhất trên thế giới như Nhật Bản vẫn dành cho Việt Nam những lời mời, đó chính là uy tín với thị trường Quốc tế. Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thịnh – Chủ tịch hội đồng xét tuyển, Cố vấn cao cấp phụ trách đối ngoại Công ty VNAS nhấn mạnh: “Hàng không ngoài việc là cửa ngõ đón tiếp khách quốc tế, còn là cửa ngõ về văn hóa, đây là sứ mệnh rất lớn, quảng bá nền văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Để làm được việc này, tôi rất mừng khi công ty VNAS đã mang đến tư duy rất mới, khởi xướng lên một trào lưu mới để đào tạo với tất cả các tố chất cần thiết. Đây cũng là cái đặc biệt trong bối cảnh hợp tác với các công ty XKLĐ để nâng cao chất lượng nguồn lao động không chỉ cho hàng không Việt Nam mà còn các hãng hàng không quốc tế. Đây là mô hình mới cho thị trường XKLĐ chất lượng cao, kết quả xã hội sẽ đón nhận, động thái này có công lao rất lớn trong việc mang lại thu nhập cao cho người lao động. Chúng ta đang là chiến sĩ xung kích trên mặt trận kinh tế đặc thù của đất nước”.

Ông Nguyễn Văn Thịnh – Chủ tịch hội đồng xét tuyển, Cố vấn cao cấp phụ trách đối ngoại Công ty VNAS

Theo đó, ông Thịnh cho rằng, với mỗi chứng chỉ do cơ quan quản lý hàng không mỗi quốc gia cấp đều là chứng chỉ có uy tín trên thế giới, được thế giới công nhận. Thời gian sân bay Long Thành mà khai thác được sẽ cần 16 đến 18 nghìn lao động, tất cả đều cần có trình độ nền, và họ cần có training. “Kỳ vọng rằng qua các buổi hội thảo như thế này, chúng tôi sẽ nhận đào tạo và khớp nối các cơ sở đào tạo, được nhà nước cho phép, cục hàng không chấp thuận có chương trình theo tiêu chuẩn của Việt Nam và chuẩn chung của thế giới” – Ông Thịnh khẳng định.

Điều đặc biệt, ngày 26/11/2018 đánh một dấu mốc quan trọng trong hoạt động của ngành hàng không Việt đó là, Công ước Montreal 1999 (MC99) chính thức có hiệu lực khi Việt Nam gia nhập, Công ước thống nhất một số quy tắc về vận chuyển Quốc tế bằng đường hàng không của Việt Nam. Căn cứ vào các điều khoản tiêu chuẩn quốc tế này, nhiều cơ quan, đơn vị tham gia vào hoạt động đào tạo và XKLĐ đã ban hành các quy tắc, tiêu chuẩn chung để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tham gia tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Lương Trào – Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam (Vamas) cho biết để chuẩn hóa hoạt động XKLĐ tại Việt nam với sự hỗ trợ của tổ chức Lao động thế giới ILO, Hiệp hội cũng đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài dựa trên hệ thống luật pháp Việt Nam, các công ước quốc tế về di cư lao động. Có hoạt động xếp hạng sao, đánh giá chất lượng doanh nghiệp công khai giúp người lao động lựa chọn những công ty uy tín. Ông đánh giá cao sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, kết nối cùng VNAS cùng thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo kỹ năng mềm để chắp cánh cho những ước mơ được hiện thực hóa trong ngành hàng không.

Ông Nguyễn Lương Trào – Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam

Ông cho biết: “Hoạt động XKLĐ trong những năm vừa qua ngày càng lớn mạnh số lượng XKLĐ gần 150 nghìn người, những thị trường quan trọng và những thị trường có thu nhập tương đối cao, có điều kiện học hỏi cho người lao động tương đối tốt ngày càng được các doanh nghiệp chú ý, ngày càng được nhiều người lao động lựa chọn và hòa nhập rất tốt với thị trường quốc tế”. Nhiều lao động có chất lượng sau khi trở về Việt Nam đã có những cơ hội rất tốt về công việc với mức lương hấp dẫn, chế độ đãi ngộ cao, nên việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao tại Việt Nam là rất quan trọng. Ông kỳ vọng, việc liên kết hợp tác này sẽ là vòng tròn khép kín trong lĩnh vực đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực hàng không.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Đức Khánh, Bí thư Đảng ủy, Cố vấn cao cấp phụ trách chiến lược Công ty VNAS cho biết, ngành hàng không trên toàn thế giới đều có chuẩn chung, được các cơ quan quản lý quốc tế định ra các chuẩn về công việc và yêu cầu lao động, nên đào tạo ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào đều phải theo cái chuẩn chung đó, đó chính là điều rất tốt trong đào tạo. Ông nhấn mạnh: “Tôi mong muốn tập trung vào nhóm lao động có trình độ ở cấp trung tất cả đều phải tuần thủ các tiêu chuẩn của hàng không quốc tế và cơ quan quản lý của cảng vụ địa phương. Nhiệm vụ của chúng ta là đào tạo họ, nhiệm vụ của các đơn vị XKLĐ là xem trên thế giới có những nhà tuyển dụng nào với những yêu cầu thế nào, mong muốn mức nào, lương có hấp dẫn… nếu tốt thì họ ở lại. Nhưng đến khi họ quay về thì sẽ là nguồn lao động hàng không rất tốt mà rất thiếu của chúng ta”.

Ông Nguyễn Đức Khánh – Bí thư Đảng ủy, Cố vấn cao cấp phụ trách chiến lược Công ty VNAS

Mong rằng chương trình hợp tác liên kết đào tạo tuyển sinh này chính là chiếc cầu nối giúp các đơn vị có cơ hội tiếp xúc về thông tin ngành hàng không, các trường đào tạo nghề danh tiếng trong nước và quốc tế; giúp cho các bạn trẻ có cơ hội được học tập và làm việc trong một môi trường quốc tế. Cùng với đó, 4 đơn vị hợp tác sẽ có những hoạt động thường xuyên sau lễ ký kết nhằm thực hiện được các mục tiêu, chủ trương chiến lược của ngành hàng không trong điều kiện và nhu cầu việc làm cho người lao động. Trong định hướng nghề nghiệp, nâng cao năng lực, giới thiệu đào tạo nghề cho các em học sinh, tiếp tục tăng cường phát triển hợp tác giữa nhà nước với doanh nghiệp đặc biệt là các đơn vị XKLĐ, cơ sở đào tạo theo phương châm cùng đồng hành, cùng phát triển.

Lan Phương