Tự cảm thấy “tạm đủ” với những thể nghiệm khá thành công ở thể loại truyện ngắn, nhà văn Bảo Thương tiếp tục thử thách ngòi bút trong “mê cung” tiểu thuyết mà “Mùi hoàng kim” (NXB Hội Nhà văn liên kết Công ty Sbooks phát hành quý III/2020) là tín hiệu đáng chú ý giữa một năm văn chương trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tiểu thuyết bắt đầu bằng những dòng kể nhẩn nha của nhân vật thằng câm về ông bố làm nghề xe ôm giữa cuộc sống mưu sinh bộn bề xuôi ngược. Và không để độc giả đợi lâu, một bức tranh xã hội đầy những vá víu, chắp nối dần dần hé mở trong tình huống ông chở một cô cave trong túi “chỉ đủ tiền ăn bữa tối” đi hành nghề, bị bùng kèo, rồi giữa họ xảy ra một cuộc “đổi chác” sòng phẳng, để rồi lúc xong việc, “cô ngồi bật dậy, kéo quần lên đánh xoẹt, bảo, hết nhé”. Một tình huống đầy trớ trêu, dở khóc dở cười. Và đó cũng là “cái cớ” để mạch truyện càng về sau càng diễn biến đầy trăn trở.
Nhà văn Bảo Thương (Nguồn: Facebook nhân vật)
“Cắt vụn” những tuyến tính lớp lang của thời gian, Bảo Thương táo bạo với những đường đi ngẫu hứng khi liên tục hóa thân vào các nhân vật chính để kể lại câu chuyện dưới những lăng kính đầy màu sắc, biến ảo. Với phương thức này, một mặt, Bảo Thương để các nhân vật tự cất lên tiếng nói bản năng như lớp sóng ngầm chực tràn bung vỡ. Mặt khác, tác giả khéo léo cài cắm những vỉa tầng tư tưởng một cách khách quan mà không bị sắp đặt, lộ liễu. Cộng với việc vận dụng sáng tạo và thành thạo kỹ thuật dòng ý thức, diễn biến nội tâm nhân vật được hiện lên với đầy đủ những đường nét, sắc màu, cung bậc.
Các nhân vật trong tiểu thuyết “Mùi hoàng kim” có khi gắn kết trong một chỉnh thế thống nhất, có khi rời rạc trong những dòng suy nghĩ, ý niệm, hồi ức của riêng mình. Một ông bố cựu chiến binh tên Quảng bị vợ ruồng bỏ, có chút méo mó về chuẩn mực đạo đức thông thường, sống trần trụi bản năng. Ông có hai đứa con thì một đứa bị câm (thằng câm), một đứa bị khuyết thiếu về mặt tâm hồn (Khai). Ông không uốn nắn hai đứa con bằng những lời hay, ý đẹp khuôn thước mà dạy chúng sống đúng, sống thật với những thúc giục, tiếng gọi của bản ngã, tựa hồ như khi đói thì cần ăn, khi khát thì hãy uống.
Khác hẳn sự nền nã, dịu đằm thường thấy trong các truyện ngắn đã tạo nên chỗ đứng cho cái tên Bảo Thương như: “Mùi hương gọi về”, “Bông điên điển hồng”, “Hồn hoa lưu lạc”, “Mùa đã đi qua”, “Tiếng hát lau sậy”…, ở tiểu thuyết này, độc giả hẳn sẽ sửng sốt hoặc có thể choáng ngợp khi bắt gặp một Bảo Thương hoàn toàn khác: gai góc, bung tràn và đầy… nổi loạn. Bảo Thương không ngần ngại đi sâu khai thác vấn đề tính dục như chiếc chìa khóa để mở ra những cánh cửa ẩn ức trong từng nhân vật bằng lối văn gấp gáp về tiết tấu.
Chúng ta có thể tô vẽ cảm xúc bằng nụ cười, giọt nước mắt, nhưng khó ai diễn xuất được với bản năng, nhất là bản năng tình dục. Đó là thứ vừa kín đáo, vừa lộ liễu, đôi khi chúng ta muốn che đậy, nhưng lắm lúc lại muốn phô trương. Thể xác sẽ không thể tồn tại nếu thiếu ăn, thiếu uống. Nhưng tâm hồn, hoặc sẽ đắc đạo, hoặc sẽ héo mòn, nếu thiếu “sex”. Yếu tố “sex” trong tác phẩm đã vượt lên lằn ranh tầm thường của nhu cầu xác thịt, vượt qua những ngoại vi cảm giác để truyền tải những thông điệp kín đáo mà sâu sắc.
Tiểu thuyết “Mùi hoàng kim”
Tạo nên sức ám ảnh cho tác phẩm này là những phân cảnh sống động về chiến tranh qua điểm nhìn của hai nhân vật: ông Quảng và hồn ma tên Khải, là bạn của ông. Từ những góc nhìn trần thuật của họ, chiến tranh không hiện ra với những trận mưa bom, bão đạn, mà ở đó, có một cuộc chiến còn đáng sợ hơn, khốc liệt hơn – cuộc chiến trong tâm hồn mỗi con người, giữa ác và thiện, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa buông và giữ, giữa tiếp tục và dừng lại, giữa tình yêu và thù hận, giữa thấp hèn và cao thượng, giữa văn minh và lạc hậu, giữa thước đo chuẩn mực và trần trụi bản năng…
Có ai đó từng nói đại ý rằng: mọi sự lựa chọn vốn dĩ đã ẩn chứa những mất mát. Cứ thế, chúng ta đâu thể đi đến tận cùng, rành mạch phân định ranh giới của đen – trắng, đúng – sai? Cái phần đọng lại đậm nhất, sâu nhất luôn là những đớn đau, cắn rứt, dằn vặt, hoang mang. Bảo Thương mạnh dạn bóc gỡ “miếng – băng – gạc – của – thời – gian” để vết thương hiện thực lên tiếng bằng một cơn đau, thật âm ỉ và vô cùng nhức nhối. Có nỗi đau nào dai dẳng hơn nỗi đau chia lìa? Có ký ức nào ám ảnh hơn ký ức của người mẹ mất con? Chị đã nỗ lực dùng ngòi bút để xoa dịu, để hòa giải, để khỏa lấp những khoảng trống vô hình ấy.
Trở về sau chiến tranh, người cựu chiến binh tên Quảng ấy không có những tấm huy chương, bằng chứng nhận. Ông nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống thường nhật, làm một công dân rất đỗi bình thường, trực tiếp đối mặt với những hỉ, nộ, ái, ố xung quanh. Và cũng từ đây, ông nhận ra, để tồn tại được giữa cái cuộc sống thường nhật này có khi còn gian nan, phức tạp hơn cả những gì khắc nghiệt nhất mà ông đã từng trải qua trong thời gian tham chiến. Đến nỗi, ông phải nhắm mắt mà chấp nhận bán thân cho một người phụ nữ nạ dòng, vì cái sự mưu sinh xô bồ, thắt ngặt. Cảm giác nhục nhã còn day dứt khủng khiếp hơn cả nỗi khổ đau.
Bảo Thương đã khéo léo đồng hiện quá khứ và hiện tại thông qua việc liên tục thay đổi các điểm nhìn để nhân vật mặc sức vẫy vùng trong các chiều kích khác nhau của không gian và thời gian, tạo nên những vọng âm vừa hài hòa, lại vừa riêng biệt. Bốn nhân vật, bốn góc nhìn, cũng chính là bốn sợi dây được đan bện vào nhau thành một mối chặt chẽ. Ở họ đều có những sự khuyết thiếu nhất định về mặt này hay mặt khác. Nhưng chính sự khuyết thiếu ấy là điều kiện để họ bấu víu vào nhau, bổ sung cho nhau, làm đầy nhau giữa muôn trùng chênh vênh của đời sống.
Chỉ việc điều chỉnh độ nhanh – chậm của tiết tấu, Bảo Thương cũng đủ sức khiến cho câu chuyện càng về sau càng diễn biến hấp dẫn và lôi cuốn. Các nhân vật đổi vị trí kể cho nhau làm tăng thêm tính tự nhiên của câu chuyện. Nhà văn liên tục đưa người đọc đi từ khắc khoải này đến khắc khoải khác. Một nhân vật phụ xuất hiện rất mờ nhạt từ những trang đầu của cuốn tiểu thuyết, là cô cave qua đường với ông Quảng, càng về sau lại càng hiện lên rõ nét với những nét đẹp khuất lấp mà cũng đầy bạo liệt. Chính cô là người mở nút ẩn ức bằng những hành động bất ngờ nhất, đời thực nhất.
Nỗ lực và táo bạo có lẽ là hai từ phù hợp nhất để khái quát về ngòi bút của Bảo Thương trong “Mùi hoàng kim”. Đọc tiểu thuyết này để thấy Bảo Thương cố gắng phá bỏ những giới hạn cũ kỹ như thế nào, đồng thời cách tân lối viết quyết liệt và bản lĩnh ra sao. Nếu không có một nội lực mãnh liệt và vốn kiến văn đủ rộng, hẳn chị đã không thể “bung” ra hơn 300 trang tiểu thuyết quằn quại xúc cảm, ngồn ngộn góc cạnh như thế. Tác phẩm thực sự là một mê cung bất quy tắc, mà chỉ cần một phút giây lơ đãng trong quá trình đọc, chúng ta có thể sẽ bị lạc hướng.
Tuy nhiên, điểm trừ của tiểu thuyết đầu tay này là màu ngôn ngữ của bốn nhân vật chính cũng chưa thực sự đa dạng. Mặt khác, có những phân cảnh, nhà văn Bảo Thương chưa làm chủ được nhịp độ câu chuyện khiến mạch văn bị “phình”, chưa đạt được đến sự cô đọng, gợi mở cần thiết để các chi tiết trở nên ẩn dụ hơn. Một vài đoạn, khi phiêu theo cảm xúc nhân vật, tác giả thiếu sự tiết chế cũng như bỏ qua việc trau chuốt ngôn từ khiến câu văn bị lòng thòng, suồng sã, ít nhiều mất đi nét đẹp tinh tế, gợi hình, vốn là thế mạnh của chị. (Hoặc đó có thể là dụng ý riêng của chị chăng?)
Nói tóm lại, “Mùi hoàng kim”, dẫu vẫn còn một vài điểm hạn chế nhỏ, vẫn xứng đáng là một tiểu thuyết đáng đọc, một điểm sáng vừa khiêm nhường, vừa kiêu hãnh trên văn đàn trẻ. Với cuốn sách này, nữ nhà văn 8x quê ở Bắc Giang đã đóng góp một tiếng nói tương đối ấn tượng và hứa hẹn những đột phá mới để tạo nên tầm vóc văn chương đáng kể trong tương lai không xa, nếu chị kiên định với con đường đầy chông gai mà bản thân đã chọn…
Tôn Nữ Khả Di