“Mục tiêu kiên định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Hậu Giang là theo đuổi chính sách bình đẳng trong tiếp cận vốn cho tất cả các thành phần kinh tế, mang đến màu sắc và tư duy mới”.
Đó là khẳng định của Giám đốc NHNN chi nhánh Hậu Giang Hồ La Thành trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN. Anh Thi thực hiện.
Ông vui lòng cho biết những dấu ấn của ngành ngân hàng Hậu Giang cũng như các lĩnh vực ưu tiên dòng vốn vay sau 15 năm thành lập tỉnh?
Nhiệm vụ của NHNN chi nhánh Hậu Giang là hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương. Sau 15 năm, chúng tôi đã mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân, ngay cả tại vùng sâu, vùng xa. Công tác huy động và cho vay đã đóng vai trò điều tiết và cung ứng vốn cho nền kinh tế địa phương. Có thể nói, sau 15 năm, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Tính đến cuối quý II/2018, tổng huy động vốn đạt 11.612 tỷ Đồng (tăng 32 lần so với năm 2004), tổng dư nợ cho vay đạt 21.048 tỷ Đồng (tăng 13 lần so với năm 2004).
Về lĩnh vực ưu tiên dòng vốn vay, chúng tôi tập trung vào lĩnh vực thế mạnh của Hậu Giang: nông nghiệp. Công tác cung cấp vốn cho nông nghiệp không chỉ dừng lại ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi mà còn các ngành dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…Động thái này luôn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án trọng điểm của tỉnh. Đến cuối quý II/2018, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 14.142 tỷ Đồng; dự nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.126 tỷ Đồng.
Quan điểm của NHNN chi nhánh Hậu Giang là tạo sự bình đẳng trong tiếp cận vốn vay đối với tất cả các thành phần kinh tế từ nông nghiệp, nông thôn, đến thành phần kinh tế tập thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi sự doanh nghiệp…
Xin Ông cho biết thêm về mục tiêu cũng như nguyên tắc hoạt động của NHNN chi nhánh Hậu Giang trong nỗ lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội Hậu Giang?
Mục tiêu của chúng tôi là bám sát tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, trong đó tập trung nguồn vốn vay vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hoạt động của chúng tôi gắn với mục tiêu chung của toàn ngành và định hướng phát triển của địa phương.
Dựa vào cơ cấu chuyển dịch kinh tế địa phương, chúng tôi tiến hành điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của địa phương.
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và đối tượng chính là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp…
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hạn chế cho vay các lĩnh vực không khuyến khích và tiềm ẩn nhiều rủi ro (tiêu dùng, bất động sản, chứng khoán…)
Nguyên tắc của NHNN chi nhánh Hậu Giang là tăng trưởng an toàn, lành mạnh. Vì thế, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các TCTD không đánh đổi giữa tăng trưởng tín dụng và nợ xấu, tăng trưởng phải đi đôi với an toàn, yêu cầu các TCTD phải xây dựng kế hoạch xử lý khi có nợ xấu cao.
Đối với chúng tôi, vốn không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công của của cơ cấu kinh tế mà cả hệ thống đầu vào và đầu ra. Do đó, chúng tôi luôn phối hợp với chính quyền địa phương trên nguyên tắc chủ động, tích cực hỗ trợ và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Hậu Giang.
NHNN chi nhánh Hậu Giang có những nỗ lực và giải pháp nào nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn và xử lý nợ xấu hiệu quả?
Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, chúng tôi vẫn duy trì công tác kiểm tra tỷ lệ nợ xấu một cách an toàn, góp phần đảm bảo an ninh hệ thống các TCTD, nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ.
Cụ thể, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đề án “tái cơ cấu hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trong cả giai đoạn này; phối hợp với các cơ quan liên quan thí điểm xử lý nợ xấu, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về xử lý nợ xấu; tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận các chương trình và chính sách của Nhà nước.
Ngoài ra, chúng tôi đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đánh giá khả năng thu hồi nợ xấu, xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu, áp dụng đồng bộ các giải pháp quản trị rủi ro, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, mở rộng tín dụng có trọng tâm, ưu tiên cấp vốn cho các lĩnh vực then chốt (xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp…) cũng như mở rộng tín dụng cho sản xuất kinh doanh; nâng cao công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm dẫn tới nợ xấu.
Đối với các TCTD, chúng tôi yêu cầu phối hợp với khách hàng vay nhằm cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ, giảm lãi xuất hợp lý cho khách hàng có triển vọng tốt sau khi tái cơ cấu nợ nhằm giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo nguồn thu mới để trả nợ TCTD.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực quản trị nội bộ, nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng và năng lực quản lý của cán bộ trong công tác thẩm định cấp tín dụng, triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh.