Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – chi nhánh (CN) Quảng Nam chia sẽ với Tạp chí Văn hoá Doanh nhân về kết quả thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Minh Kiệt thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Diện – Giám đốc NHNN phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Xin ông cho biết nhiệm vụ và mục tiêu chính của NNNN-CN Quảng Nam trong năm 2018 cùng giải pháp để đạt được mục tiêu này?
Ngay từ đầu năm 2018, chúng tôi đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) bám sát tình hình kinh tế địa phương, xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên.
Năm 2018, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng vào khoảng 21,55%. Đến nay đã đạt được 90,35% kế hoạch. Do nhu cầu vốn đầu tư và tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm, dự kiến chúng tôi sẽ đạt và vượt kế hoạch năm 2018.
Về kế hoạch đạt mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, các TCTD đã đăng ký kế hoạch tín dụng, hầu hết đều đạt thậm chí vượt mục tiêu đề ra.
Các TCTD đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, tuyên truyền và quảng bá sản phẩm tín dụng, hệ thống ngân hàng triển khai hiệu quả chương trình kết nối Ngân hàng-doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.
Kết quả nổi bật của ngành NH Quảng Nam trong hoạt động hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên là gì cũng như chủ trương của NHNN-CN Quảng Nam trong thời gian tới?
Hoạt động tín dụng ngân hàng luôn gắn kết chặt chẽ với kinh tế địa phương, các TCTD luôn bám sát tình hình kinh tế-xã hội địa phương để đáp ứng nhu cầu tín dụng một cách hiệu quả nhất.
Dư nợ cho vay trong các ngành thế mạnh như công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp nông thôn trong thời gian qua luôn tăng trưởng cao. Đến cuối tháng 9/2018, tổng dự nợ cho vay trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 18,82% và 21,17% trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Về chủ trương, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác huy động vốn tại chỗ để đảm bảo nguồn vốn; hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo tín dụng tăng trưởng an toàn và hiệu quả; tăng cường công tác thanh kiểm tra.
Xin ông cho biết thêm về tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng tại tỉnh cũng như nỗ lực xử lý nợ xấu?
Chúng tôi luôn duy trì nợ xấu dưới mức 1% trong thời gian gần đây. Kết quả đến từ nỗ lực trong công tác thẩm định, cho vay cũng như quyết liệt xử lý nợ xấu tồn đọng và hạn chế phát sinh nợ xấu mới.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác thẩm định trước, trong và sau khi cho vay. Liên quan đến công tác thi hành án tín dụng ngân hàng, chúng tôi đã ký kết quy chế phối hợp công tác với Cục thi hành án dân sự của tỉnh, góp phần vào việc xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, việc duy trì tỉ lệ nợ xấu thấp cũng đến từ nỗ lực bản thân của các TCTD trong công tác tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ khách hàng.
Công tác hỗ trợ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tiếp cận vốn vay được NHNN-CN Quảng Nam thực hiện như thế nào, thưa ông?
Đến cuối tháng 9/2018, tổng dư nợ cho vay DNVVN đạt 10.076 tỷ đồng, chiếm 17,17% tổng dư nợ cho vay. Việc thực hiện hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp cùng các gói tín dụng ưu đãi đã giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Tuy nhiên, việc đầu tư tín dụng của các NHTM đối với DNVVN vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân xuất phát chủ yếu đến từ doanh nghiệp do năng lực lãnh đạo, tài chính không lành mạnh, khả năng hấp thụ vốn chưa cao, công tác minh bạch thông tin còn thấp…
Kết quả sau 03 năm triển khai chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp và nông thôn (PTNN-NT) là như thế nào?
Công tác cung cấp tín dụng cho PTNN-NT đã được mở rộng theo hướng cho vay không cần tài sản đảm bảo, giảm lãi suất và thủ tục cho vay. Các ngân hàng đã nỗ lực cải thiện quan hệ Ngân hàng và khách hàng…
Dư nợ cho vay trong lĩnh vực PTNN-NT luôn ở mức cao với tổng dư nợ cho vay đạt 11.922 tỷ Đồng (tính đến tháng 9/2018), chiếm tỷ trọng 21,17%, tăng 11,02% so với đầu năm và 64,67% so với năm 2015.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu cũng duy trì ở mức thấp (1,89%). Đây là điều kiện thuận lợi để các NHTM tăng dòng vốn vay vào PTNN-NT.
Bảo Châu