Qua đánh giá và rà soát nguồn lực sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp trọng yếu được Ngành Công thương cho thấy, tỉnh Bạc Liêu vẫn còn nhiều lĩnh vực sản xuất có điều kiện để đẩy mạnh hoạt động, nâng tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt trên 10%. Từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng lên 25% đã đặt ra cho đến năm 2020 của Bạc Liêu.
Tiếp tục tăng trưởng
Ông Phan Văn Sáu – Giám đốc Sở Công thương Bạc Liêu cho biết, những năm qua kinh tế Bạc Liêu có sự tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước, về lĩnh vực đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2016 đạt 12.329 tỷ đồng (năm 2011 là 4.359 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng bình quân (giai đoạn 2011 – 2015) là 16%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2016 đạt 44.950 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (giai đoạn 2011 – 2015) là 20%; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu cũng có những bước tăng trưởng mạnh, giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt hơn 450 triệu USD (năm 2011 là 316 triệu USD), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 10%/năm.
Bên cạnh việc thu hút đầu tư, tập trung phát triển công nghiệp, sự phát triển nhanh của hệ thống thương mại – dịch vụ trong toàn tỉnh cũng đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, cho đến nay đã có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng mua sắm được đầu tư hiện đại, chuyên nghiệp. Đó là Siêu thị Co.op Mart Bạc Liêu, Vincom Plaza Bạc Liêu, Siêu thị điện máy – nội thất Chợ Lớn, Siêu thị điện máy Xanh, chợ A Bạc Liêu,…và mới đây nhất là siêu thị điện máy Nguyễn Kim,… được đầu tư hàng trăm tỷ đồng với nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng. Hay ở các vùng nông thôn hiện nay các chợ truyền thống cũng được quan tâm đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua bán của người dân và góp phần cho tổng doanh thu thương mại – dịch vụ năm 2016 đạt gần 45.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân (giai đoạn 2011 – 2015) hơn 20%/năm.
Bạc Liêu đã và đang khai thác, từng bước phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp phục vụ cho hoạt động xuất khẩu; trong đó tập trung vào hai mặt hàng chủ lực là con tôm và lúa gạo. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có trên 20 nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản, với kim ngạch xuất khẩu hơn 450 triệu USD (năm 2016). Đặc biệt, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh không ngừng được mở rộng về quy mô, công suất và ứng dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại. Qua đó nâng cao tổng sản lượng và giá trị hàng thủy sản chế biến xuất khẩu của tỉnh; góp phần tăng nhanh giá trị kim ngạch, ổn định và từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cùng với việc tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, thời gian qua Bạc Liêu cũng đẩy mạnh thu hút thêm nhiều dự án động lực, góp phần quan trọng cho phát triển công nghiệp, tăng thu ngân sách và khai thác có hiệu quả các thế mạnh vốn có của địa phương. Điển hình như: Dự án nhà máy Điện gió Bạc Liêu (giai đoạn I và II) đã hoàn thành đưa vào khai thác, với tổng công suất 99,2 MW và đến nay đã hòa vào điện lưới quốc gia khoảng 400 triệu kwh; Nhà máy Bia Sài Gòn – Bạc Liêu công suất 50 triệu lít/năm; Nhà máy chế biến lương thực Vĩnh Lộc – Hồng Dân công suất 200 ngàn tấn lúa/năm;… các công ty may công nghiệp, sản xuất bao bì trên toàn tỉnh.
Với những đóng góp tích cực từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, qua đó giúp cho Bạc Liêu có mức tăng trưởng về công nghiệp khá cao (16%/năm) và giá trị sản xuất đạt 12.329 tỷ đồng trong năm 2016.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
“Bạc Liêu tập trung khai thác các tiềm năng và thế mạnh để phát triển công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2020 công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa” – Ông Phan Văn Sáu cho biết. Trên thực tế, Bạc Liêu đang tập trung phát triển và nâng cao giá trị của ngành công nghiệp chế biến nông – thủy sản, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao và khai thác thủy sản gắn với chế biến sâu; bên cạnh đó là ưu tiên cho phát triển công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Theo quy hoạch phát triễn điện gió đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thì mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu sẽ phát triển các dự án điện gió có công suất lắp đặt tích lũy đạt 401,2 MW; với sản lượng điện gió tương ứng khoảng 882 triệu KWh. Về điện mặt trời đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước xin nghiên cứu, tiếp cận khảo sát và đầu tư. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ gắn với phát triển du lịch được coi là khâu đột phá và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh.
Cùng với việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo; Bạc Liêu đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi các dự án động lực về công nghiệp, về chế biến thủy sản, lương thực và muối với dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại. Tỉnh đã tập trung mời gọi đầu tư vào các dự án như điện gió, điện mặt trời,… vận dụng linh hoạt các chính sách cho phát triển lĩnh vực này như: tạo mọi điều kiện về đất đai, hạ tầng, chính sách thuế cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư,… nhằm tạo sự an tâm cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án. Về lĩnh vực thương mại dịch vụ, Tỉnh đã ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống chợ đầu mối hàng nông – lâm – thủy sản, giúp bà con nông dân tiêu thụ hàng hóa cũng như khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; ngoài ra, còn khuyến khích doanh nghiệp không ngừng nâng cấp, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường; nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường…
Bên cạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Bạc Liêu tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng các khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao, vận động nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, cung cấp hàng hóa lớn phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu… Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu long, các tỉnh, thành phố trong cả nước và các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phục vụ tốt cho phát triển kinh tế đồng bộ của Tỉnh.
“Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển bằng các địa phương trong khu vực và trung bình khá của cả nước; việc tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng, thu hút mời gọi đầu tư gắn với khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh hứa hẹn sẽ tạo nên những đột phá mới” – Ông Phan Văn Sáu khẳng định./
Dương Yến