Năm 2018, Cục Hải quan Long An thu nộp ngân sách 2.764 tỷ đồng, tương đương 120% so với chỉ tiêu của Bộ Tài chính và 110% chỉ tiêu do Tổng cục Hải quan giao, tăng 18% so với năm 2017.
Góp phần cải thiện chỉ số PCI
Theo báo cáo chỉ số PCI 2018, Long An giữ vị trí thứ 3 với 68,09 điểm, GRDP lần đầu tiên tăng trưởng hai con số (10,36%), thu ngân sách tăng 20% so với cùng kỳ.
Thành quả trên có sự góp sức không nhỏ của Cục hải quan Long An, đặc biệt trong công tác cải cách hành chính, hiện đại hoá hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Liên quan đến công tác hiện đại hoá hải quan, Cục hải quan Long An đã tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: xây dựng và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, phát triển quan hệ hải quan và doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), áp dụng hệ thống thông quan điện tử tập trung, áp dụng dịch vụ công trực tuyến, quản lý rủi ro, đảm bảo cơ sở vật chất và hạ tầng CNTT và nguồn nhân lực.
Thời gian qua, hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đã mang lại hiệu quả tích cực, 100% tờ khai được tiếp nhận và phân luồng tự động giúp hàng hoá thông quan nhanh chóng, ứng dụng cơ chế một cửa quốc gia thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia.
Bên cạnh đó, Cục đã tiếp nhận và kiểm tra C/O mẫu D điện tử thông qua cơ chế một cửa ASEAN. Cục cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai và tập huấn hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho cán bộ công nhân viên.
Hiện Cục hải quan Long An đứng thứ 4 toàn ngành về số lượng hồ sơ tiếp nhận và xử lý qua hệ thống DVCTT. Tính đến ngày 10/9/2019, toàn cục đã thực hiện 4.655 hồ sơ DVCTT, giải quyết 4.412 hồ sơ.
Ngoài ra, Cục hải quan Long An đã tiến hành dịch vụ thu thuế qua ngân hàng bằng phương thức điện tử, thu và thông quan 24/7 cho doanh nghiệp. Cùng với đó là phát triển quan hệ đối tác hải quan -doanh nghiệp và các bên liên quan, tiến hành in và đặt phiếu đánh giá tại các địa điểm làm thủ tục hải quan, cửa khẩu và trụ sở các đơn vị để doanh nghiệp đánh giá.
Đấu tranh chống buôn lậu trong và sau thông quan
Nhằm thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, Cục hải quan Long An cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ:
Một là, nắm bắt tình hình tại các địa bàn trọng điểm nhằm phát hiện các phương thức và thủ đoạn mới để ngăn chặn và xử lý kịp thời
Hai là, giám sát các lô hàng xuất nhập khẩu theo các tiêu chí quản lý rủi ro
Ba là, quản lý chặt khu vực cửa khẩu, tăng cường kiểm soát hàng hoá và phương tiện xuất nhập cảnh, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát các hoạt động buôn lậu qua biên giới.
Bốn là, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các cửa hàng miễn thuế theo đúng quy định của pháp luật
Năm là, tuyên truyền và hướng dẫn chính sách pháp luật liên quan đên hoạt động xuất nhập khẩu
Sáu là, tăng cường công tác đấu tranh và phòng chống buôn lậu trong và sau thông quan như kiểm soát thực hiện hệ thống VNACCS/VICS, đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan và công tác thanh tra thuế để kịp thời xử lý các hành vi gian lận thương mại và trốn thuế.
Nỗ lực vì một nền tảng hải quan hiện đại
Cùng với ngành hải quan nói chung, Cục hải quan Long An nỗ lực xây dựng hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả với đầy đủ các chính sách, cơ chế dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT, xử lý dữ liệu tập trung và áp dụng phương thức quản lý rủi ro, thông quan hàng hoá nhanh chóng, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại quốc tế, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Giải pháp được Cục hải quan Long An đề ra trong thời gian tới là tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu; kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh để thông quan nhanh chóng; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trên cơ sở hàng năm.
Thêm vào đó, Cục sẽ tiếp tục chú trọng phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm trao đổi, nắm bắt thông tin về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu; tổ chức trao đổi và đối thoại tại trụ sở doanh nghiệp nhằm thể hiện sự quan tâm và gắn kết giữa hải quan và doanh nghiệp.
Minh Tuấn