Bước vào triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2017, ngành Ngân hàng tỉnh Khánh Hòa luôn bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh để đẩy mạnh đầu tư tín dụng, qua đó đáp ứng tốt cho nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Ông Nguyễn Hoài Chiểu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nướcChi nhánh Khánh Hòa
Nhiều tín hiệu tích cực
8 tháng đầu năm, ngành Ngân hàng Khánh Hòa đã triển khai kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Mặt bằng lãi suất ổn định đã đáp ứng tốt cho nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng; hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh, nợ xấu trong ngưỡng an toàn.
Theo ghi nhận của Giám đốc NHNN tỉnh Khánh Hòa – ông Nguyễn Hoài Chiểu, hoạt động của ngành Ngân hàng Khánh Hòa tăng trưởng tốt là nỗ lực rất lớn của các ngân hàng trong phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh. Đến cuối tháng 8/2017, huy động vốn toàn tỉnh đạt 70.204 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 6.551 tỷ đồng với 10,29%; doanh số cho vay 8 tháng đầu năm đạt 78.971 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 26,46%. Vốn tín dụng được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Các năm qua, dư nợ tín dụng toàn tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng khá cao (năm 2016 tăng trưởng 21,02%). Riêng 8 tháng đầu năm 2017 dư nợ cho vay đạt 60.863 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 9.306 tỷ đồng với 18,05%; trong đó dư nợ cho vay các đối tượng ưu tiên đạt 26.062 tỷ đồng, tăng 2.711 tỷ đồng với 11,61%. Chất lượng tín dụng được giữ vững, tỷ lệ nợ xấu ổn định ở mức thấp; cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển KT – XH của địa phương.
Để đạt kết quả khả quan trên, toàn ngành Ngân hàng Khánh Hòa đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả: Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp; Chương trình Bình ổn thị trường; các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; các chương trình mục tiêu quốc gia… Tham gia các Hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, người dân, các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội…để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngoài ra các TCTD trên địa bàn còn tích cực ổn định lãi suất huy động, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, đưa ra những chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng. 8 tháng đầu năm 2017, các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay (về mức tối đa 11%/năm) cho 6.199 lượt khách hàng với dư nợ 6.917,9 tỷ đồng. Dư nợ có lãi suất từ 11%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 85,88%, từ 9%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 58,2% và từ 6,5% trở xuống chiếm 31,74%.
Gỡ khó
Tính đến ngày 30/6/2017, tỉnh Khánh Hòa có 2.722 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang vay vốn tại ngân hàng với dư nợ 11.761 tỷ đồng, chiếm 13,76% dư nợ cho vay toàn địa bàn; so với đầu năm tăng 281 doanh nghiệp với 11,51%. Trong đó dư nợ của DNNVV trong ngành thương mại và dịch vụ 8.039 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 68,35%; ngành công nghiệp và xây dựng 3.213 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,32%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 508 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,32%.
Ông Chiểu cho biết DNNVV là đối tượng được Chính phủ, NHNN và các ngân hàng thương mại ưu tiên hỗ trợ phát triển. Chính vì vậy thực hiện quy định của NHNN, từ ngày 10/7/2017, các TCTD tại Khánh Hòa đã giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với các nhu cầu vay vốn của DNNVV còn 6,5%/năm. Bên cạnh ưu đãi về lãi suất cho vay, các TCTD luôn ưu tiên dành nguồn vốn cho DNNVV; đa dạng, tối đa hóa tiện ích các gói sản phẩm tín dụng và dịch vụ. Thực hiện công bố công khai trên trang tin điện tử các thông tin về quy trình, thủ tục hồ sơ, lãi suất, phí dịch vụ; nâng cao chất lượng thẩm định để rút ngắn thời gian cho vay, định kỳ hạn nợ phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả.
Ngoài ra các TCTD còn tích cực tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, các Hội nghị đối thoại, chủ động tiếp cận doanh nghiệp nhằm kịp thời đáp ứng vốn vay, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thông qua Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp tại Khánh Hòa đã được tháo gỡ khó khăn, tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi (lãi suất vay ngắn hạn tối đa 6,5%/năm, trung dài hạn tối đa 10%/năm). Đến cuối quý II/2017, các chi nhánh TCTD đã cam kết cho vay 229 doanh nghiệp và 1 cá nhân với số tiền 5.664 tỷ đồng; doanh số cho vay theo Chương trình đạt 6.074 tỷ đồng, dư nợ 5.381 tỷ đồng. Riêng Chương trình bình ổn thị trường cho vay 3 doanh nghiệp và 01 cá nhân, cam kết cho vay 722,4 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm 2017, ngành Ngân hàng Khánh Hòa cũng đã tổ chức 6 Lễ ký kết hỗ trợ vốn (tổng số tiền cam kết cho vay 3.544 tỷ đồng, cam kết cấp bảo lãnh 700 tỷ đồng) và 2 Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác.
Tuy nhiên để nâng cao khả năng trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, bên cạnh sự trợ lực của các cơ quan chức năng, các hiệp hội ngành hàng, các TCTD trên địa bàn tỉnh, ông Chiểu khuyến nghị: “Bản thân các DNNVV cũng cần chủ động khắc phục các vướng mắc xuất phát từ phía doanh nghiệp như minh bạch tài chính, tài sản đảm bảo… Ngoài ra các DNNVV cũng cần chủ động tiếp cận ngân hàng, tôn trọng các nguyên tắc tín dụng và quy định đảm bảo an toàn trong cho vay của ngân hàng; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, minh bạch thông tin tài chính; đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, tự động hoá để cho ra thị trường sản phẩm có tính cạnh tranh, chất lượng cao, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường”.
Công Luận