Đồng Nai là tỉnh đã xây dựng thành công nhiều vùng chăn nuôi tập trung và ứng dụng nhanh khoa học kỹ thuật, tự động hoá vào chăn nuôi cũng như hình thành các chuỗi liên kết.
Thiết lập vùng sản xuất tập trung
Nông nghiệp Đồng Nai năm 2018 đạt mức tăng trưởng 4,42%, cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây với giá trị sản xuất đạt 56 ngàn tỷ Đồng. Cơ cấu ngành cũng dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt.
Thành công lớn nhất của Đồng Nai là đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung (25 vùng cây trồng chủ lực, 139 vùng chăn nuôi và 49 cơ sở giết mổ tập trung) với tổng diện tích hơn 15.00 hécta. Đồng Nai hiện có 140 Hợp tác xã nông nghiệp với 3.374 thành viên, 1.146 câu lạc bộ và tổ hợp tác với 29.143 thành viên, 70 chuỗi liên kết với quy mô 8000 hécta.
Hiện Đồng Nai đang triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Cụ thể, tỉnh đã ban hành đề án phát triển chăn nuôi và thuỷ sản bền vững; phát triển hợp tác xã và trang trại; tăng cường cơ giới hoá; phát triển cánh đồng mẫu lớn; thực hiện chuỗi liên kết sản xuất; chế biến và tiêu thụ nông sản; ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp; xây dựng đề án quản lý giống cây trồng và vật nuôi; chính sách hỗ trợ ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt…
Hoàn tất hạ tầng nông thôn
Đến nay, 100% xã trên địa bàn Đồng Nai có đường nhựa, bê tông; hệ thống tưới tiêu đảm bảo cung cấp cho 80% diện tích đất nông nghiệp; các khu vực sản xuất tập trung đều có hệ thống điện phục vụ sản xuất.
Luỹ kế đến nay, 133/133 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong đó 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Như vậy, đến năm 2018, Đồng Nai đã về trước 2 năm so với mục tiêu hoàn tất 100% xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Hướng tới trung tâm nông nghiệp công nghệ cao
Đồng Nai xác định công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ là khâu then chốt. Với mục tiêu trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trong 10 năm tái cơ cấu nông nghiệp (2008-2018), Đồng Nai đã tiếp nhận và chuyển giao 25 đề tài khoa học cấp tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đề tài này đã tạo ra những mô hình, giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế và mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, Sở NN và PTNT Đồng Nai đang tham mưu UBND tỉnh triển khai một số đề án như phát triển nông nghiệp bền vững ứng dụng công nghệ cao Israel; truy suất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Xuân Lộc; ứng dụng Gis trong quản lý trồng trọt và bảo vệ thực vật.
Mở rộng sản xuất, thu hút đầu tư
Trong điều kiện hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, công tác phát triển thị trường là một trong những yếu tố quan trọng, Đồng Nai đã thực hiện các giải pháp phát triển thị trường, coi trọng thị trường trong nước, hướng tới thị trường thế giới tập trung vào các ngành hàng có lợi thế như gỗ, cà phê, tiêu, xoài, heo, gà.
Nhiệm vụ sắp tới của tỉnh là làm tốt công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác tái cơ cấu nông nghiệp; nâng cao nhận thức của nông dân về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình; đổi mới tư duy sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; đẩy mạnh các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung với quy mô lớn; nâng tầm quan trọng của chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản tiến tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, xây dựng thương hiệu hàng hoá, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản, nhất là chế biến sâu và chế biến tinh.
Kế đến, tỉnh sẽ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí về giao thông, thuỷ lợi, điện…nhằm hỗ trợ công tác tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo định hướng phát triển giai đoạn 2018-2020, Đồng Nai sẽ tập trung phát triển các cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê, điều, cao su, xoài, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, chuối cấy mô và cây rau thực phẩm; phát triển đàn vật nuôi chủ lực là gà và heo; tăng cường nuôi thâm canh trên tôm và cá. Hiện 80% diện tích đất nông nghiệp tại tỉnh đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống…210 ha diện tích ca cao được chứng nhận UTZ, 282 ha cà phê được chứng nhận 4C và 13 sản phẩm cây trồng được cấp nhãn hiệu hàng hóa; chăn nuôi trong chuồng lạnh, sử dụng đệm lót sinh học, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP.
Châu Nguyễn thực hiện