Chị không phải là họa sĩ tài hoa, nhưng với đôi bàn tay khéo léo và sự đam mê nghệ thuật của mình, những hạt ngọc đã trở thành những bức tranh sống động, mang tính nghệ thuật cao, đậm đà hương sắc…
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Thị Tuyết Phượng (ngụ tại thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) 17 tuổi phải gác lại giấc mơ học Trung học phổ thông để đi làm công nhân chế biến thuỷ sản tại cảng cá Tắc Cậu. Phượng không muốn vì việc học của mình mà trở thành gánh nặng của ba má khi mà điều kiện gia đình không cho phép, vì thế, Phượng quyết định vào đời sớm để kiếm tiền phụ ba má trang trải cuộc sống gia đình.
Chị Tuyết Phượng với tác phẩm tranh gạo mà mình yêu thích
Năm 20 tuổi, Phượng lập gia đình. Cuộc sống lứa đôi của vợ chồng Phượng đang đầm ấp thì bất hạnh bất ngờ ập xuống cướp đi sinh mệnh của chồng, khi ấy Phượng đang mang thai đứa con thứ hai được 9 tháng. Thời điểm đó chị mới 24 tuổi. Phải mất thời gian rất dài chị mới vực dậy được tinh thần, vơi bớt được nỗi đau, sự mất mát quá lớn ấy.
Bén duyên với nghề
Trên bước đường mưu sinh của người mẹ trẻ, chị đã bén duyên với một môn nghệ thuật rất mới, rất độc đáo đã khiến chị say mê, theo đuổi, coi đó là sự khởi nghiệp của mình trên bước đường mưu sinh.
Một lần lang thang trên trên mạng, những bức tranh làm từ hạt gạo muôn màu sắc đã cuốn hút chị khiến chị luôn suy nghĩ về nó. Chị nghĩ đây là cách thể hiện bức tranh hết sức mới lạ, độc đáo được làm từ nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, trong cuộc sống, thân thiện với môi trường, thể hiện sự đa sắc của cảnh quan tự nhiên, đời sống văn hoá xã hội, lưu giữ những bản sắc văn hoá của con người, của cộng đồng trên mỗi bức tranh và điều quan trọng là loại tranh này hiện ít người làm. Thích thú với những hạt “ngọc” của cha trời mẹ đất, chị bắt tay vào làm thử.
Do tự mày mò học hỏi trên mạng và không trải qua lớp đào tạo nào về nghệ thuật trang trí, tạo mẫu, hội hoạ chuyên ngành nên mỗi lần làm là một lần thất bại với bao công sức, mồ hôi và nước mắt tủi thân. Sau nhiều lần thất bại, bức tranh gạo đầu tay mang chủ đề “Quê hương” được làm trên bìa giấy cotton cứng, lồng trong khung kính đã hình thành. Ngắm tác phẩm đầu tay của mình, ấp bức tranh nhỏ lên ngực mà chị mừng đến rơi nước mắt. Vậy là từ nay mình đã có nghề mới để kiếm tiền nuôi con rồi. Giờ mình cần phải tập luyện, đúc kết kinh nghiệm thật nhiều để các bức tranh ngày càng được hoàn thiện, mang giá trị thẩm mĩ, nghệ thuật cao, tạo điểm nhấn, sự yêu thích của khách hàng.
Chị Tuyết Phượng đang sáng tạo tác phẩm tranh gạo. (Ảnh: Trương Anh Sáng)
Tác phẩm đầu tay chị chụp đăng trang facebook cá nhân. Thật bất ngờ có vị khách ở thành phố Cần Thơ ngỏ ý muốn mua nhưng Phượng không muốn bán vì đó là đứa con tinh thần đầu tay của mình và cũng không biết bán giá cả bao nhiêu mà “kêu”. Khi vị khách trả giá, Phượng sững sờ không ngờ bức tranh của mình lại được khách hàng mua với giá cao như vậy. Trước sự thiết tha của người khách muốn sở hữu bức tranh mà mình ưa thích chị siêu lòng đồng ý bán.
Từ đó, Phượng xác định mình sẽ gắn bó với nghề làm tranh từ những hạt ngọc, thổi hồn vào những hạt ngọc nhỏ bé tạo nên những bức tranh gạo đa sắc màu giàu tính nghệ thuật, nhân sinh vừa làm đẹp cho đời vừa thỏa niềm đam mê, vừa là con đường mưu sinh nuôi hai con khôn lớn trưởng thành.
Nét độc lạ của tranh gạo
Chất liệu tạo nên bức tranh là những hạt gạo nếp than, gạo tấm, gạo nếp thơm, gạo bắc, gạo thường. Khác với những thể loại tranh khác, tranh gạo không được nhuộm hay tô vẽ mà nó tạo nên hình ảnh bằng chính màu sắc tự nhiên của hạt gạo sau khi được đem rang với nhiều gam màu khác nhau, từ trắng, vàng nhạt, cam, nâu, cánh gián, đen…
Để làm tranh gạo nghệ thuật, Phượng mày mò học kỹ thuật điều chỉnh lửa khi rang gạo sao cho thành màu như ý muốn, đều màu, nhiều màu, đậm màu, hạt gạo không bị gãy, bể hạt. Để tạo được màu sắc của “hạt ngọc” là cả một quá trình lao động cực nhọc, vất vả, tỉ mỉ, sự cảm nhận tốt về nghệ thuật để tạo kinh nghiệm, bí quyết của riêng mình.
Chị Phượng chia sẻ, làm tranh gạo thì khó nhất là làm tranh chân dung và rang gạo. Làm tranh chân dung để đúng với nhân vật rất khó. Rang gạo không khéo sẽ khiến hạt gạo bị nổ, bị gẫy, bể hạt… nên làm tranh gạo cần phải tỉ mỉ, nhẫn nại và kiên trì, không thể nôn nóng, vội vàng được. Ngoài ra, tâm trạng của người làm tranh cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nội dung, nghệ thuật của tranh.
Sáng tạo bức tranh, người làm tranh phải gắp từng hạt gạo lần lượt gắn lên nền của bức tranh đã được phết keo nhưng chưa có hình dạng cụ thể, tạo nên độ khít, các hoạ tiết được sắp xếp tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối, phối màu cho tranh hài hoà về cảnh, màu sắc. Và cứ thế, bằng bàn tay tài hoa cùng với sự tạo hình trong trí tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ mà cho ra đời những tác phẩm đậm chất nghệ thuật.
Nền của những “hạt ngọc” là tấm nhựa, tấm ván ép được Phượng mua về cắt theo kích cỡ, tỉ lệ phù hợp hoặc theo yêu cầu của khách. Sau khi đứa con tinh thần được hoàn thiện thì đem phơi khoảng 30 phút để bay hết mùi rồi lồng kính, đóng khung.
Để tranh gạo bền và đẹp, nói đơn giản nhưng mỗi công đoạn đều có kỹ thuật riêng, phơi không đủ khô tranh bị ẩm mốc, còn quá khô hạt gạo giòn, bị gãy, mất độ bóng tự nhiên, không đạt yêu cầu về mỹ thuật.
Chủ đề của những bức tranh của Phượng sáng tác rất đa dạng như: Tranh phong cảnh, thiên nhiên, đất nước, con người, chân dung, thư pháp, động vật, tôn giáo, dân gian… nhưng sở trường ưa thích của Phượng là làm tranh chữ kết hợp với phong cảnh hơn.
Tuỳ theo kích cỡ của tranh, độ khó của hoạ tiết mà thời gian hoàn thành tranh ít ngày hay nhiều ngày. Thường thì những bức tranh cỡ nhỏ làm trong một ngày là hoàn thành, tranh cỡ lớn khoảng một tuần là làm xong.
Tranh gạo của Phượng rất hài hoà về bố cục, màu sắc, hoạ tiết và chủ đề có điểm nhấn nên rất đẹp và có giá cả phải chăng, từ 5 trăm đến 1,5 triệu đồng nên nhiều người ưa thích đặt mua, nhất là vào những dịp Lễ, Tết chị phải làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng cho khách. Từ đó cho thấy, tuy ra đời khá muộn và phải cạnh tranh với nhiều dòng tranh khác nhưng tranh gạo vẫn giữ vị trí nhất định trong lòng khách hàng vì sự khác biệt và độc đáo riêng của nó.
Chị Tuyết Phượng hướng dẫn bé Lâm Yến Nhi sáng tác tranh gạo. (Ảnh: Trương Anh Sáng)
Ngoài việc sáng tạo tranh theo ý tưởng của riêng mình thì Phượng còn làm tranh theo yêu cầu, ý tưởng của khách hàng. Khách hàng gửi mẫu rồi Phượng làm theo mẫu khách gửi. Nếu khách không rành về mẫu thì trình bày ý tưởng của mình để Phượng vẽ phác thảo gửi khách tham khảo, điều chỉnh, khi thấy đã ổn thì bắt tay vào hoàn thiện bức tranh theo yêu cầu, vì thế cho nên mỗi tác phẩm ra đời đều đáp ứng được yêu cầu của khách.
Phượng có một bức tranh được đặt tên “Hổ rình mồi” mà chị yêu thích nhất, khách trả giá cao cũng không bán bởi đó là điểm tựa tinh thần để chị thấy mình mạnh mẽ hơn trong mọi hoàn cảnh để làm tròn trách nhiệm của người con đối với đấng sinh thành, của người mẹ đối với hai con và của người vợ đối với người chồng đã khuất.
Khát vọng xây dựng thương hiệu tranh gạo Châu Thành, Kiên Giang
Tranh gạo là một loại tranh nghệ thuật với sáng tạo độc đáo, bình dị. Từ những hạt gạo thiên nhiên bé nhỏ qua đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, người làm tranh đã thổi “hồn” vào nó để tạo nên những bức tranh tuyệt sắc.
Càng đi sâu tìm hiểu, Phượng càng yêu thích tranh gạo hơn. Phượng tâm sự, hạt gạo không những là thực phẩm mình sử dụng trong bữa ăn hàng ngày mà nó còn có thể biến thành các tác phẩm nghệ thuật để lưu giữ, tôn vinh những giá trị hạt gạo của quê hương mình, đồng thời còn thể hiện đậm nét những cảnh sắc nhân sinh của cuộc sống của mỗi con người ở trong đó. Phượng mong muốn sản phẩm tranh gạo sẽ vươn xa hơn, được bạn bè, khách hàng trong và ngoài nước biết đến tranh gạo Châu Thành, Kiên Giang nhiều hơn để một loại hình nghệ thuật mới ngày càng lan toả.
Trước đây, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Thị Tuyết Phượng chỉ học hết lớp 9. Hiện nay, khi điều kiện gia đình đã ổn định chị đã theo học Trung học phổ thông và Trung cấp Luật tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành.
Chị Phượng dự định sau khi hết dịch Covid -19 và hoàn thành nhiệm vụ học tập sẽ tạo một phòng tranh nhỏ vừa để sáng tạo, trưng bày tác phẩm vừa đào tạo nghề để tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ địa phương có việc làm ổn định.
Xin mượn lời ca cổ “Gửi cả tâm hồn vào hạt gạo quê hương” của soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn để kết thúc bài viết về người con gái 9X nhỏ nhắn, xinh xắn, hoạt bát, có nụ cười duyên Nguyễn Thị Tuyết Phượng đầy nghị lực vượt lên trên nghịch cảnh vươn lên trong cuộc sống.
…Đôi tay dịu dàng em rang từng mẻ gạo
Để tạo sắc màu cho những bức tranh
Gởi hồn quê từ đất Châu Thành
Kiếm từng đồng bạc để dành nuôi con.
Mấy lần thấy em buồn, hai đứa con cứ theo em an ủi, hay là mẹ đi tìm ba mới cho chúng con.
Người mẹ đơn thân, tuổi vẫn còn son
Đi thêm bước nữa, hay ở vậy nuôi con nên người (-)
Có những phút xao lòng, em mong có một bờ vai
Để nương tựa cho những ngày gian lao vất vả
Cứ sợ, cứ lo thêm một lần nghiệt ngã
Đành gởi tâm hồn qua những bức tranh quê
Trương Anh Sáng