Qua 3 năm triển khai Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp-nông thôn (NNNT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Trà Vinh đã đưa ra các giải pháp hiệu quả góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá-hiện đại hoá.
Giám đốc NHNN chi nhánh Trà Vinh Bùi Thị Sáu chia sẻ với Tạp chí VHDN về kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị định 55 cũng như giải pháp trong thời gian tới.
Bà nhận định như thế nào về Nghị định 55/2015/NĐ-CP liên quan đến chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT?
Tôi cho rằng Nghị định 55 có tính đột phá cao hơn và tạo cơ chế thông thoáng hơn với nhiều ưu đãi. Chẳng hạn, Nghị định bổ sung đối tượng cho vay cụ thể; đưa ra quy định mức cho vay không có tài sản đảm bảo cho cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại…cao gấp 1,5-2 lần so với Nghị định trước đây; có quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được vay không có tài sản đảm bảo lên đến 70%-80% giá trị dự án hay quy định về phương thức cho vay, cơ chế bảo đảm tiền vay…
Nghị định 55 đã giúp đơn giản hoá rất nhiều về mặt hồ sơ, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân dân dễ dàng tiếp cận vốn. Nghị định đã khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng cường đầu tư vốn cho NNNT, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào NNNT.
Bà vui lòng cho biết một số kết quả nổi bật của NHNN chi nhánh Trà Vinh sau 03 năm thực hiện Nghị định 55?
Sau 03 năm triển khai, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường đầu tư vốn phục vụ phát triển NNNT và đã đạt được một số kết quả quan trọng:
Doanh số cho vay, dự nợ và lượng khách hàng còn dư nợ liên tục tăng qua từng năm.
Đến ngày 30/6/2018, tổng dự nợ trong lĩnh vực NNNT trên địa bàn đạt 11.550 tỷ đồng, tăng 41,86% so với 2015, chiếm 52,26% tổng dự nợ, với 92.378 khách hàng còn dư nợ, nợ xấu chiếm tỉ lệ thấp (1%). Đối tượng cho vay chủ yếu là các cá nhân, hộ gia đình. Dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo đạt 3.788 tỷ Đồng, chiếm tỷ trọng 32,80%.
Nguồn vốn tín dụng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá-hiện đại hoá NNNT của tỉnh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân và góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, dư nợ tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phát huy hiệu quả do chưa có nhiều doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực này bất chấp có cơ chế hỗ trợ từ địa phương.
NHNN chi nhánh Trà Vinh có giải pháp nào nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc đáp ứng nhu cầu vốn vay cho phát triển NNNT trong thời gian tới?
Nhằm đẩy mạnh tín dụng phục vụ nhu cầu phát triển NNNT, ngành ngân hàng tỉnh đã đề ra 07 giải pháp trọng tâm:
Một là, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng cho NNNT, đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu vốn cho sản xuất và kinh doanh.
Hai là, phối hợp đề xuất giải pháp hỗ trợ phát triển NNNT, tập trung cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp có mô hình liên kết và ứng dụng công nghệ cao.
Ba là, tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, ưu tiên nguồn vốn đầu tư tín dụng tại các xã xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.
Bốn là, tìm hiểu nhu cầu vốn trong lĩnh vực NNNT, đơn giản hoá thủ tục cho vay, đảm bảo đúng mục đích, an toàn và hiệu quả.
Năm là, tăng cường tuyên truyền chính sách, chủ trương phục vụ phát triển NNNT, thông tin đầy đủ các quy định của các TCTD về cho vay, nâng cao nhận thức về lợi ích của tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn thực hiện các dịch vụ của ngân hàng.
Sáu là, tiếp tục tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ dân.
Bảy là, tiếp tục thông tin chính sách của ngành ngân hàng thông qua báo, đài Truyền hình-Phát thanh…
Trân Châu