Là tỉnh có diện tích lớn nhất miền Tây và lớn nhì ở miền Nam; với nhiều điều kiện thuận lợi (vị trí địa lý, khí hậu, đất đai…) – Đã góp phần đưa Kiên Giang có những bước đột phá trong việc phát triển ngành nông nghiệp. Và bằng việc xác định nền nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới tỉnh sẽ còn đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc khẳng định vị thế của ngành tại địa phương. Để hiểu rõ thêm về những định hướng hoạt động này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Mai Anh Nhịn – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang.
Khởi công xây dựng 04 cây cầu nông thôn tại Kiên Giang
Những năm qua Kiên Giang là địa phương có bước đột phá ngoạn mục trong phát triển nông nghiệp, chủ yếu trên cây lúa và con tôm. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về thành công này?
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung uơng Đảng, tỉnh Kiên Giang đã xác định sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực là cây lúa và con tôm. Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành đồng bộ hệ thống đề án, quy hoạch, chính sách và ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện một bước tái cơ cấu Ngành và đạt được những kết quả quan trọng.
Nhờ vậy mà đến hôm nay Kiên Giang đã trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa. Trong suốt giai đoạn từ 2001-2015, sản lượng lúa của tỉnh tăng bình quân 5%/năm, gấp 2,1 lần mức tăng bình quân của cả nước. Đạt được kết quả trên là nhờ trong quá trình sản xuất Ngành đã không ngừng ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Cùng diện tích gieo trồng lúa cũng tăng lên rất nhanh nhờ khai hoang mở rộng diện tích, chuyển đổi từ đất trồng tràm sang trồng lúa và phát triển lúa Thu Đông trong những năm gần đây. Với đường bờ biển dài trên 200 km, Kiên Gaing cũng là tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong những năm qua, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Kiên Giang liên tục tăng từ 120,5 nghìn ha (năm 2010) lên hơn 202,3 nghìn ha (năm 2015), đạt tốc độ tăng bình quân là 10,9%/năm.
Mô hình nuôi tôm
Từ năm 2016 đến nay trước ảnh hưởng nặng nề của nắng hạn, nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa và kéo dài, dịch bệnh lây lan trên diện rộng…ảnh hưởng lớn đến việc phát triển cây trồng vật nuôi tại địa phương?
Trong năm 2016 vừa qua, tỉnh đã gặp không ít khó khăn khi gặp tình hình thời tiết diễn biến thất thường. Song, nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền và sự đồng lòng của người dân đã giúp Ngành vượt qua khó khăn, hướng đến thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt, khi đứng trước thực trạng trên, Ngành cũng đã thực hiện tốt công tác triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cũng như chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, tiểu vùng; giảm bớt diện tích đất trồng lúa, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản đối với khu vực ven biển để thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.
Đồng thời Ngành cũng đã xác định phát triển nền Nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh thái, ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu. Thông qua thực thi công tác xác định những yếu kém hiện tại, để đưa ra những giải pháp thiết thực hạn chế tối đa “khúc mắc” đang có. Trên cơ sở đó trong thời gian tới Ngành sẽ tập trung vào những nhiệm vụ cơ bản. Đó là tập trung triển khai công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của người nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng NTM. Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch cây trổng, vật nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức lại sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thông qua công tác chú trọng liên kết với các viện, trường đại học, gắn kết với các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong việc nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là đào tạo chuyên gia về lĩnh vực công nghệ sinh học và chế biến nông-lâm-thủy sản. Kịp thời đề xuất các cơ chế phù hợp để thu hút các thành phần kinh tế, trong đó quan tâm đên các chính sách cho các doanh nghiệp đầu tàu, sản phẩm chủ lực tạo điều kiện dẫn dắt, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ với các địa phương tạo ra thương hiệu mặt hàng nông sản của tỉnh nhà thông qua công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm từ các hội chợ, triển lãm quốc tế nhằm phát triển xuất khẩu.
Để đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 41/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp-nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ông có thể chia sẻ rõ hơn Quyết định này?
Có thể thấy, ngoài Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 09/01/2017, trong thời gian qua UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND; Kế hoạch số 114/KH-UBND… Tất cả đều hướng đến vấn đề tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, làm ra sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường quốc tế cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Ngoài những nhiệm vụ trên, Ngành cũng đã xác định 3 huướng đi cơ bản. Đó là đổi mới công tác giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; tăng cường các hoạt động chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho nông dân; và đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, một yếu tố cũng quan trọng không kém chính là ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, cống, đê sông, đê biển, điện phục vụ sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo xu hướng chung của cả nước, biển Kiên Giang đang ngày càng chiếm vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT-XH. Do vậy, Kiên Giang rất cần những hướng đi bền vững, với những chính sách và cách làm phù hợp để kinh tế biển thật sự trở thành trụ cột đưa Kiên Giang phát triển vượt bậc trong thời gian tới?
Là một trong 4 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL, Kiên Giang xác định biển là thế mạnh, là yếu tố quyết định tốc độ phát triển KT-XH chung của toàn tỉnh nên cần phải được đầu tư đúng mức. Đặc biệt khi biển Kiên Giang tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với trữ lượng, quy mô lớn, cho phép phát triển mạnh các lĩnh vực kinh tế biển. Để tận dụng lợi thế này, cũng như phát triển toàn diện thủy sản kinh tế biển, tỉnh Kiên Giang sẽ chú trọng vào xây dựng và phát triển toàn diện kinh tế thủy sản biển với khai thác hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá và hạ tầng thủy sản. Song song với công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và vùng biển, đảo kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng – an ninh trên tuyến biển. Đặc biệt, là năng lực khai thác hải sản sắp xếp phù hợp với từng loại nghề, từng ngư trường và kiểm soát được hoạt động khai thác trên từng vùng biển, hướng đến phát triển ngành công nghiệp khai thác hải sản hiện đại, có trách nhiệm và bền vững. Hy vọng với những chính sách thiết thực này, đến năm 2020, Kiên Giang sẽ trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, là cầu nối của ĐBSCL trong hội nhập kinh tế và giao lưu hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới./.
Xin cảm ơn ông!