nhiều kết quả quan trọng, nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh Đỗ Văn Khê chia sẻ với Tạp chí VHDN về kết quả của ngành nông nghiệp Trà Vinh cũng như các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa nông nghiệp Trà Vinh phát triển nhanh và bền vững.
Ông vui lòng cho biết một số kết quả nổi bật sau 05 năm tái cơ cấu nông nghiệp của Trà Vinh cũng như tầm quan trọng của công tác tái cơ cấu đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh?
Nông nghiệp Trà Vinh đã phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 4,62% theo giá hiện hành, chiếm 36% tổng giá trị toàn tỉnh, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt và chăn nuôi, tăng tỷ trọng thuỷ sản.
Về trồng trọt, áp dụng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đối với các loại giống có năng suất cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được nâng cấp, hình thành các vùng chuyên canh.
Về chăn nuôi, tỉnh có 46 trang trại chăn nuôi, 15 cơ sở giết mổ tập trung, hình thành 04 khu chăn nuôi tập trung.
Về thủy sản, nuôi thủy sản phát triển ở cả 3 vùng sinh thái; hình thành các vùng nuôi tập trung. Đến cuối năm 2017, thuỷ sản đạt sản lượng 115 ngàn tấn, tốc độ tăng bình quân 9,63%/năm, tổng sản lượng xuất khẩu cuối năm 2017 đạt 8.400 tấn với giá trị xuất khẩu 61 triệu USD.
Về lâm nghiệp, tỉnh trồng mới được 967 ha rừng tập trung, nâng tổng diện tích rừng phòng hộ toàn tỉnh lên 9.007 ha, trồng mới 911 ngàn cây phân tán, tỷ lệ che phủ rừng đạt 4% diện tích tự nhiên.
Về xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh công nhận 146.826 hộ đạt chuẩn nông thôn mới; 30 xã đạt 19 tiêu chí; 02 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí; 31 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 22 xã dưới 10 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đến cuối năm 2017 đạt khoảng 28,64 triệu đồng.
Nhìn chung, công tác tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, giúp cải thiện đời sống người dân, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng.
Lợi thế lớn nhất trong phát triển nông nghiệp của Trà Vinh là gì, thưa ông?
Vùng sinh thái mặn-lợ, đặc biệt là khu vực ven biển-cửa sông là lợi thế lớn nhất đối với nông nghiệp Trà Vinh, thuận lợi phát triển nuôi tôm, nghêu tự nhiên. Đặc điểm đất giồng cát và phù sa thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Ngoài ra, kinh tế miệt vườn cũng là mô hình đặc trưng của Trà Vinh (ven Sông Hậu và Cổ Chiên). Bên cạnh đó, đặc điểm khí hậu (nóng ẩm, không ngập lụt) phù hợp cho chăn nuôi bò thịt, nguồn nguyên liệu dồi dào (phân bò, bột bã mía, bã bùn, rỉ đường) thuận lợi cho sản xuất phân bón và chế phẩm sinh học.
Thêm vào đó, tỉnh cũng có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển 02 giống dừa (xiêm và dâu xanh), đặc biệt là dừa sáp đặc sản của Trà Vinh gắn với công nghiệp chế biến. Hơn nữa, tỉnh có lợi thế trong việc phát triển lúa gạo hữu cơ bằng hệ thống canh tác tôm-lúa bền vững.
Trà Vinh quan tâm như thế nào đến công tác chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến cũng như công tác ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp?
Trong 3 năm gần đây, tỉnh đã triển khai 32 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 12 ngàn lượt nông dân, xây dựng 30 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Hiện hầu hết diện tích trồng rau màu đã sử dụng giống mới và các biện pháp sinh học, áp dụng hình thức thâm canh và bán thâm canh vào nuôi trồng thuỷ sản, nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng phòng hộ và luân canh ruộng lúa.
Hiện nay, xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao đang gia tăng, nhiều xã tham gia sản xuất lúa hữu cơ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, phát triển 25 tổ hợp tác trồng rau an toàn, phát triển loại hình nuôi tôm nước lợ siêu thâm với diện tích 200 ha với năng suất bình quân từ 50-70 tấn/ha.
Theo ông, đâu là giải pháp cần thiết và nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai hiệu quả công tác tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới?
Xét các tồn tại và hạn chế trong thời gian qua, Trà Vinh đã đề ra một số giải pháp cần thiết như: nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác tái cơ cấu nông nghiệp; hoàn thiện chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp; điều chỉnh quy hoạch và cơ cấu sản xuất theo ba nhóm sản phẩm (sản phẩm quốc gia chủ lực, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, đặc sản của địa phương).
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đổi mới các hình thức tổ chức phù hợp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nông dân; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.
Ngoài ra, Trà Vinh sẽ tăng cường thông tin về diễn biến thị trường, đẩy mạnh XTTM, hỗ trợ doanh nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy đầu tư hình thức đối tác công tư, tăng cường cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh…
Trong thời gian tới, Trà Vinh tập trung vào 05 nhiệm vụ trọng tâm: mở rộng quy mô sản xuất và chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản; đầu tư công nghiệp chế biến nông-thuỷ sản; xây dựng trước một số đề án phát triển ngành hàng chủ lực; liên kết phát triển bền vững các ngành hàng nông nghiệp-thủy sản giữa Trà Vinh với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lớn khác.
Bảo Trân