Ông Nguyễn Đắc Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Trung
VHDN.VN. Trong tâm thư gửi cán bộ, nhân viên của mình, Ông Nguyễn Đắc Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Trung bắt đầu như sau: Chào tất cả mọi người! Trải qua nhiều thăng trầm của khó khăn và dịch bệnh, thật vui và tự hào khi hôm nay tôi và các bạn có thể bắt đầu ngày mới bằng cách cùng nhau làm việc. Tôi không giỏi trong việc biểu lộ cảm xúc, nhưng từ trái tim tôi muốn nói lời cảm ơn các bạn vì đã đồng hành cùng Tập đoàn Minh Trung trong suốt thời gian qua…”. Vâng, một người lãnh đạo luôn tôn trọng và coi cán bộ, nhân viên là đối tác là người thân đã kiến tạo ra Đế chế ẩm thực hàng đầu Việt Nam – Cháo sen bát bảo Minh Trung ấm lòng người Việt.
Diễn đàn Doanh nghiệp/ Văn hóa Doanh nhân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những chia sẻ của Ông Nguyễn Đắc Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Trung.
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, tại Minh Trung văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh được xây dựng như thế nào?
Ông Nguyễn Đắc Minh: Với tôi, văn hóa được hiểu một cách chung nhất là sự hiểu biết, tài năng, trí tuệ, đạo đức, tâm hồn của con người trong mối quan hệ với xã hội và tự nhiên.
Ở Minh Trung Group, tôi xây dựng văn hóa kinh doanh “đi từ nhà ra ngõ”. Ở tập đoàn Minh Trung, chúng tôi xác định văn hóa là “linh hồn”, là “cốt lõi” của tập đoàn, mất văn hóa là mất hết. Bởi văn hóa thể hiện qua người lãnh đạo giỏi, có đạo đức tốt, dẫn dắt đưa tập đoàn phát triển vững mạnh. Văn hóa doanh nghiệp còn thể hiện qua việc lao động sản xuất và trí tuệ. Lãnh đạo có văn hóa, thì sẽ tạo ra công việc tốt, tạo ra đồng lương đảm bảo cuộc sống của nhân viên. Luôn ghi nhận sự cố gắng, đóng góp cho công việc để khuyến khích, động viên nhân viên cống hiến, phụng sự vì mục tiêu chung của tập đoàn, cống hiến cho cộng đồng xã hội. Chúng tôi luôn phát huy những mặt tích cực, những điều hay lẽ phải, để chung sức đồng lòng làm đẹp cho đời, cho xã hội. Văn hóa kinh doanh của chúng tôi là “đi từ nhà ra ngõ”. Chúng tôi làm giàu dựa trên chính những nguyên liệu thuần Việt, công ty tập đoàn của người Việt, phục vụ người Việt, rồi sau đó mới ra toàn cầu. Sản phẩm chúng tôi sản xuất ra phải được chính bà con, người dân nước mình đón nhận, yêu quý thì tự khắc sản phẩm sẽ vươn xa. Và chúng tôi tự tin rằng: sản phẩm của chúng tôi đã góp phần đưa giá trị nông sản Việt tăng cao hơn, mang đến bữa ăn sạch cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đắc Minh cùng các Doanh nhân tiêu biểu của VCCI vinh dự được Tổng Bí Thư Tô Lâm gặp mặt và chúc mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam
Ông có đánh giá như thế nào về vai trò, sức mạnh của văn hóa kinh doanh trong bối cảnh mới?
Ông Nguyễn Đắc Minh: Văn hóa kinh doanh là kim chỉ nam, là sức mạnh tinh thần của doanh nghiệp. Điều này thể hiện sự tử tế của doanh nghiệp đối với chính người lao động, đối với cộng đồng xã hội, mang lại giá trị thực cho xã hội.
Doanh nghiệp kinh doanh nếu chấp nhận đánh đổi lợi ích của người tiêu dùng, đánh đổi lương tâm của mình thì sớm muộn cũng thất bại. Lúc đó thì dù có bao nhiêu tiền cũng không đổi lại được. Trong kinh doanh cũng vậy, cùng ngành hàng, cùng sản phẩm với nhau, chúng ta hãy cùng cạnh tranh lành mạnh, vì mỗi sản phẩm đều có những ưu điểm riêng, phù hợp với đối tượng khách hàng của mình. Như thế sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp cùng phát triển đi lên, cần nhiều hơn trí tuệ của nhân sự doanh nghiệp đó để phát triển sản phẩm mới, chứ không phải dìm ai xuống để mình đi lên. Điều này ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp đến nhân sự của chính công ty đó, sau đó đến khách hàng của doanh nghiệp đó, bởi cạnh tranh không lành mạnh, không phát triển cái tích cực nên dần mất cốt lõi, và thất bại hoàn toàn. Doanh nghiệp gắn trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội, xuất phát từ trong tâm, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, lan tỏa những điều tốt đẹp, sẽ càng tạo ra nhiều điểm chạm tới khách hàng và mức độ yêu thích, ủng hộ thương hiệu sẽ càng tăng cao. Khách hàng sẽ tự hào rằng, tôi sử dụng sản phẩm thương hiệu Việt, bởi thương hiệu đó vô cùng nhân văn và chúng tôi ủng hộ điều đó. Đây là thành công mà văn hóa kinh doanh tử tế tạo nên, từ vô hình trở thành hữu hình và lớn mạnh.
Điều gì làm nên một Minh Trung lớn mạnh và tầm vóc như hôm nay?
Ông Nguyễn Đắc Minh: Đó là chúng tôi “không copy giá trị, chúng tôi sáng tạo ra giá trị mới”, điều đó có nghĩa là: những thứ chúng tôi có, sản phẩm của chúng tôi, thương hiệu của chúng tôi sẽ không đơn vị nào đánh cắp được bởi đây là trí tuệ của chúng tôi – Minh Trung Việt Nam. Toàn bộ cán bộ nhân viên của chúng tôi đều được truyền lửa, thôi thúc tinh thần luôn chăm chỉ, cần cù, dù là lãnh đạo hay nhân viên cũng đều chung sức một lòng, khó khăn nào cũng vượt qua, thành công nào cũng chinh phục được. Luôn luôn tinh thần học hỏi, nghiên cứu những tinh hoa, hiện đại để làm giàu trên quê hương đất nước.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình lâu dài, có tính kế thừa và ghi dấu ấn của người lãnh đạo. Theo ông lãnh đạo các doanh nghiệp hiện tại cần gì để xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả và phù hợp nhất?
Ông Nguyễn Đắc Minh: Theo tôi, lãnh đạo cũng không cần làm gì quá vĩ đại hay vi diệu cả. Mỗi lãnh đạo một doanh nghiệp hãy chăm lo cho chính những người nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp của mình, sau đó mới đến làm từ thiện giúp người nghèo, giúp xã hội.
Triết lý kinh doanh của chúng tôi là: “Con người là trung tâm”. Để doanh nghiệp phát triển bền vững trước tiên, nhân viên của mình phải có việc làm ổn định, có thu nhập tiền lương đủ để đảm bảo đời sống cho bản thân, gia đình và có phần tích lũy. Làm sao để mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động mỗi ngày đi làm đều có tâm trạng vui vẻ, muốn đến công ty,và có động lực để cống hiến, đồng hành cùng công ty phát triển.
Điều hết sức quan trọng là mỗi doanh nghiệp phải tạo ra được môi trường làm việc đạo đức và nhân văn, cái đó người ta gọi là: Văn hóa Doanh nghiệp, về điểm này thì mỗi đơn vị sẽ xây dựng cho mình một văn hóa công sở riêng, và nó phụ thuộc vào văn hóa của người lãnh đạo. Ở minh Trung chúng tôi, mỗi cán bộ, nhân viên từ vị trí cao đến vị trí thấp đều làm việc với thái độ chăm chỉ, yêu công việc, yêu công ty, không có cạnh tranh, đấu tranh mà chỉ có sự đoàn kết giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc, tiến bộ đi lên. Chúng tôi đề cao văn hóa học hỏi lẫn nhau, ai có thế mạnh đều được khuyến khích và tạo điều kiện phát huy tối đa. Lãnh đạo từ các Phòng, Ban của chúng tôi là những người biết lắng nghe và nhìn nhận, đánh giá vấn đề, sự việc, con người từ nhiều góc độ từ đó có những chính sách phù hợp, khích lệ tinh thần đối với nhân viên, người lao động. Chúng tôi có câu nói thế này: thái độ của cán bộ, nhân viên Minh Trung thể hiện văn hóa của Minh Trung và những phúc lợi mà chúng tôi dành cho người lao động của mình. Tôi cũng hay nói với các cán bộ, người lao động của tôi rằng: Hãy làm công việc hằng ngày với một tình yêu lớn!
Tiếp theo, văn hóa kinh doanh tử tế thể hiện qua chất lượng từng sản phẩm. Minh Trung là một doanh nghiệp khác biệt với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm khác. Chúng tôi mang đến cho người tiêu dùng Việt những sản phẩm dẫn đầu về chất lượng, tiện ích, bổ dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, góp phần cải thiện thể chất cho các thế hệ Việt.
Văn hóa kinh doanh hay văn hóa của người lãnh đạo còn thể hiện qua việc ứng xử với các đối tác. Với các đối tác, bạn hàng, Minh Trung chúng tôi luôn suy xét kỹ trước khi đưa ra quyết định hợp tác, sau khi nắm rõ và trả lời được câu hỏi “chúng tôi đang hợp tác với ạ?” và đảm bảo cân bằng được lợi ích giữa tập đoàn và khách hàng thì chúng tôi mới hợp tác. Chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tác 5T, cũng là giá trị cốt lõi của chúng tôi, đó là: “Trung thực – Tin tưởng – Tôn trọng – Tuân thủ – Trách nhiệm”. Trung thực, ngay thẳng trong quy trình làm việc, Tin tưởng vào định hướng phát triển và những giá trị tập đoàn tạo ra cho xã hội, Tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng khách hàng, người tiêu dùng để xây dựng một Minh Trung vững mạnh, Tuân thủ mọi nguyên tắc trong công việc, và Trách nhiệm với người tiêu dùng Việt, với quốc gia, với các cộng sự.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp đã công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, đó là: Tạo ra giá trị cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng liêm chính; Sáng tạo hợp tác cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Quy tắc này được thúc đẩy thực hiện trong cộng đồng doanh nghiệp. Ông có nhận định gì về quy tắc đạo đức doanh nhân trên?
Ông Nguyễn Đắc Minh: Theo cá nhân tôi, việc thực hiện những giá trị đạo đức doanh nhân này trong doanh nghiệp đã và đang dần thẩm thấu vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Kinh doanh tử tế đương nhiên phải tuân thủ pháp luật, việc này là làm gương cho các thế hệ kế cận và thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tôn trọng người tiêu dùng. Minh bạch công bằng liêm chính ngay từ trong doanh nghiệp của chính mình, điều này tạo nên một nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp đi đường dài, phát triển bền vững. Làm tăng sinh nội lực cho doanh nghiệp nâng cao khả năng thu hút, sự trung thành của khách hàng, tăng trưởng doanh thu.
Sáng tạo hợp tác cùng phát triển, theo tôi sáng tạo là một yếu tố không thể thiếu ở trong tổ chức doanh nghiệp. Kinh tế số ngày nay phát triển quá nhanh, thay đổi hàng ngày, hàng giờ, doanh nghiệp không có sự sáng tạo, thích ứng với việc phát triển đó là tụt hậu, là tự tạo khoảng cách với khách hàng của mình. Sáng tạo thời điểm này cũng không chỉ là áp dụng công nghệ nữa, mà còn cả trong tư duy, một quy trình toàn diện mà doanh nghiệp dám đổi mới, linh hoạt nhạy bén tiên phong trong đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì đã là chiến thắng đến 50% rồi. Đặc biệt hơn, đó là các doanh nghiệp bắt tay hợp tác với nhau thúc đẩy gấp 5 gấp 7 lần sự tăng trưởng là điều vô cùng tuyệt vời. Thủ tướng Phạm Minh Chính có nói rằng “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”. Việc cộng sinh, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau sẽ tạo nên những “cú hích” mang lại lợi ích đa ngành.
Tôn trọng thiên nhiên bảo vệ môi trường, đây là yếu tố không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đều đang quan tâm. Bởi nó tác động trực tiếp tới con người, môi trường sống, kinh tế… không chỉ bảo vệ môi trường thiên nhiên hiện tại mà còn có tầm nhìn hàng chục, trăm năm. Theo tôi cái này mang tính toàn cầu, và mỗi doanh nghiệp phải đóng góp phần trách nhiệm trong nỗ lực chung về phát triển kinh tế bền vững.
Yêu nước có trách nhiệm với gia đình và xã hội thì đây là vấn đề của mọi người dân Việt Nam, nhưng là một doanh nhân, doanh nghiệp thì càng phải thể hiện rõ điều này. Điều này thể hiện sự nỗ lực, trách nhiệm của doanh nhân đối với các vấn đề xã hội, tối đa hóa các lợi ích tích cực, lâu dài đối với xã hội. Nó sẽ giúp duy trì tính ổn định để doanh nghiệp phát triển trong môi trường hòa bình, hữu nghị, tác động tích cực đến nhân viên, khách hàng của chính doanh nghiệp đó. Đặc biệt nó giúp tạo ra một thế hệ kế nghiệp có trách nhiệm và trí tuệ.
Trân trọng cảm ơn Ông Nguyễn Đắc Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Trung, cha đẻ của những sản phẩm được mệnh danh là “Tinh hoa bàn tay Việt” sức khỏe dồi dào để mang thương hiệu “Cháo sen bát bảo Minh Trung” đi khắp mọi miền đất nước, hội nhập với bạn bè năm châu.
Phạm Tiến Dũng thực hiện