Tin nổi bật

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS: Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng VCCI trong mọi hoạt động  thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh

4:10 chiều | 10/09/2024

VHDN – “Liên hoan ca khúc doanh nhân, doanh nghiệp toàn quốc” là Chương trình do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI tổ chức, chung kết dự kiến sẽ trong tháng 10 năm 2024. Đây là sân chơi ý nghĩa mà VCCI thực hiện nhằm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo sự gắn kết giữa cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh. Hiệp hội Dệt may Việt Nam là đơn vị luôn đồng hành trong nhiều chương trình do VCCI tổ chức. VHDN trân trọng gửi tới bạn đọc cuộc trò chuyện, chia sẻ với ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam về ý nghĩa cũng như quan điểm của ông về chương trình.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS

Một chương trình có ý nghĩa trong việc tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp và thúc đẩy xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Ông Vũ Đức Giang: “Liên hoan ca khúc Doanh nhân, Doanh nghiệp toàn quốc” là chương trình có ý nghĩa rất lớn để chúng ta đánh giá và ca ngợi những doanh, nhân doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp thành công trong điều hành, quản trị sản xuất kinh doanh. Họ đã khẳng định được vị thế trên thương trường. Tuy nhiên, họ cũng rất muốn được đồng hành và thể hiện bản thân ở một khía cạnh mới khác, muốn nói lên tiếng nói chung của ngành nghề mà họ đã và đang cống hiến thông qua lời ca tiếng hát. Tôi đánh giá rất cao về ý nghĩa của chương trình. Chúng ta phải chọn lọc những tiết mục ý nghĩa của đơn vị, thể hiện được cái “Tâm”, cái “Tầm” và cái hồn cốt, đặc thù của từng lĩnh vực. 

Dùng âm nhạc, lời ca, tiếng hát để ca ngợi và tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp dưới sự hiệu triệu của VCCI – mái nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp thực sự sẽ là một chương trình hết sức bổ ích và có ý nghĩa to lớn thể hiện sự ghi nhận, công nhận của xã hội đối với các doanh nhân, doanh nghiệp. Tôi nghĩ đã đến lúc cần phải đánh giá một cách khách quan về thực trạng sân chơi hiện nay của doanh nhân, doanh nghiệp. Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hội nhập toàn cầu, điều đó đỏi hỏi chúng ta cần tạo ra những sân chơi có tính kết nối toàn diện cho các ngành nghề, thuộc các lĩnh vực khác nhau. Những ca khúc hay, những vần thơ đẹp, hay những tác phẩm văn học đều có thể là các hình thức thể hiện để ca ngợi, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp, các ngành nghề trong xã hội. Các hoạt động của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thời gian gần đây, đặc biệt là từ sau Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII đã thực sự lan tỏa và thiết thực hướng tới cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy thực hành đạo đức doanh nhân và xây dựng văn hóa kinh doanh.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tạo ra sân chơi này, thể hiện rõ được vai trò của mình trong việc kết nối doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ trên thương trường mà còn quan tâm tới đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng doanh nhân doanh nghiệp.

Nhạc sĩ Phạm Tiến Dũng nhận giải nhất cuộc thi “Hào khí doanh nhân Việt Nam” với tác phẩm “Tự hào doanh nhân Việt Nam” do VCCI tổ chức năm 2023.

Chương trình sẽ tạo nên bước đột phá trong năm 2024. Tôi chúc cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ thành công hơn nữa trong vai trò kết nối các doanh nhân doanh nghiệp và tổ chức thành công chương trình “Liên hoan ca khúc doanh nhân doanh nghiệp toàn quốc”.

Ngoài ra, chúng ta có thể xây dựng những bộ phim về doanh nhân, doanh nghiệp cũng là một cách quảng bá được thương hiệu rất chuyên nghiệp, hiệu quả và sáng tạo. Để đưa được những nhân tố tiêu biêu lên phim ảnh, chúng ta phải có sự cân nhắc, lựa chọn thật kỹ lưỡng để xứng đáng làm điển hình gương doanh nhân Tâm-Tài-Trí-Đức. Làm được điều đó mới nhận được hiệu ứng tốt từ người xem, mới nhân rộng và an tỏa được thương hiệu của người Việt không chỉ trong thị trường trong nước mà còn vươn tới các nước trên thế giới. Tôi cho rằng đây không chỉ là bài học kinh nghiêm được rút ra từ các nước phát triển mà còn là thành công vang dội của họ khi cả thế giới biết tới thương hiệu đó thông qua những tác phẩm điện ảnh. Họ đã khéo léo lồng ghép con đường kinh doanh của các tập đoàn kinh tế lớn vào những bộ phim, biến con đường kinh doanh không còn khô cứng mà ngược lại hấp dẫn, dễ thấm bằng môn nghệ thuật thứ 7 này.

Chúng ta nên học hỏi Nhật bản và Hàn Quốc. Không khó để nhận diện các nhãn hàng mỹ phẩm của họ qua các bộ phim truyền hình, với các nhãn hiệu về ẩm thực, thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, mĩ phẩm, thời trang, quảng bá du lịch..; châu Âu thì nổi tiếng về thiết kế, “kinh đô” của các hãng thời trang thương hiệu đình đám… Chính vì vậy, Việt Nam có thể có những bộ phim quảng bá về ngành Dệt may, ngành Thủy sản, ngành công nghiệp điện tử, nông nghiệp… đó là sân chơi tầm cỡ để doanh nghiệp Việt thể hiện được mình, có cơ hội đưa thương hiệu của mình lên tầm cao mới.

Theo tôi, nên khuyến khích các nhà văn viết những tiểu thuyết về doanh nhân, doanh nghiệp. Từ các tiểu thuyết đó có thể dựng nên những bộ phim để đời, có thể đưa thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới, để họ biết rằng Việt Nam chúng ta đang đứng ở đâu, Việt Nam chúng ta đang có những con người và những lĩnh vực ngành công nghiệp mang tầm quốc tế.

Với vai trò quan trọng của mình, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ là cầu nối để kết nối, tạo dựng được nền tảng tạo nên sự khác biệt và thành công trong tầm nhìn phát triển doanh nghiệp Việt Nam.

Tiết mục đoạt giải được biểu diễn của Cuộc thi “Hào khí doanh nhân Việt Nam” tại Lễ kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam do VCCI tổ chức năm 2023

VITAS sẽ cử các tiết mục về ngành tham gia Liên hoan, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng VCCI trong mọi hoạt động thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh

“Liên hoan ca khúc Doanh nhân, Doanh nghiệp toàn quốc” được VCCI tổ chức rất kịp thời, đặc biệt là trong khí thế cả cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng thực hành và thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh. Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ cử tiết mục để tham gia, đóng góp với chương trình.  Bởi chương trình có ý nghĩa rất lớn trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, là nền tảng kết nối chúng ta hòa nhập vào đà tăng trưởng và phát triển đối với ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung. Đặc biệt chương trình còn có ý nghĩa để triển khai Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, trong đó có nội dung “phát triển công nghiệp văn hóa”. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong mọi hoạt động ý nghĩa vì mục tiêu “Doanh nghiệp vững mạnh – quốc gia thịnh vượng”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chương trình “Liên hoan ca khúc Doanh nhân, Doanh nghiệp toàn quốc” 2024 do VCCI tổ chức dự kiến chung kết trao giải vào tháng 10 năm 2024 tại Hà Nội. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTC.

Để biết thêm chi tiết về chương trình, xin truy cập vào link:

https://drive.google.com/drive/folders/18JY8YZPEosgM83ukW_06d6UMA2JRiE7A