“Đồng Nai không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND Đồng Nai Đinh Quốc Thái khẳng định trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN.
Chủ tịch UBND Đồng Nai Đinh Quốc Thái
Xin ông đánh giá đôi nét về tình hình phát triển kinh tế–xã hội của Đồng Nai trong thời gian gần đây?
Kinh tế Đồng Nai luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định với GRDP tăng bình quân hàng năm 8%, sự tăng trưởng này thể hiện ở hầu hết các ngành kinh tế.
Tính đến cuối tháng 3/2019, Đồng Nai có 34.519 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, 1.406 dự án FDI với tổng vốn 28,05 tỷ USD. Các dự án FDI mới đều đáp ứng các yêu cầu thu hút đầu tư chọn lọc của tỉnh như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thân thiện môi trường…
Đặc biệt, công nghiệp luôn duy trì tăng trưởng ổn định, cơ cấu các cơ sở công nghiệp được phân bổ hợp lý với tỷ lệ các dự án công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ ngày một tăng.
Hiện 31/35 KCN tại Đồng Nai đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ với tỷ lệ lấp đầy đạt 78%, các KCN này vẫn đang tiếp tục thu hút đầu tư. Trong khi đó, nông nghiệp Đồng Nai phát triển theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi.
Kim ngạch xuất khẩu cũng đạt mức tăng trưởng cao, xuất siêu tăng từ 1,3 tỷ USD (2015) lên 2,6 tỷ USD (2018).
Đặc biệt, Đồng Nai luôn đảm bảo công tác kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật và đội ngũ tri thức – một trong những nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức tại địa phương.
Chúng tôi cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an toàn vệ sinh thực phẩm, cải cách hành chính, triển khai đề án cơ chế một cửa hiện đại tại cấp huyện, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh tham quan một cửa hiện đại tại Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai
Đồng Nai có giải pháp đột phá nào nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thưa ông?
Với việc Nhà nước đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai đang đứng trước cơ hội phát triển lớn.
Chúng tôi đang triển khai công tác điều chỉnh bổ sung KCN, CCN, cụm đô thị thương mại dịch vụ; huy động nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và kỹ thuật, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chủ lực sử dụng nguồn tài nguyên tại chỗ, thu hút dự án sử dụng công nghệ cao, ít lao động và không gây ô nhiễm, ưu tiên các ngành như máy móc thiết bị điện – điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông , vật liệu mới; công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh đó, Đồng Nai khuyến khích đầu tư vào công nghệ sinh học và ứng dụng cho sản xuất nông nghiệp, các lĩnh vực như dệt may và da giày sẽ dần chuyển sang xuất khẩu trực tiếp (thay vì gia công).
Đối với khu và cụm công nghiệp, tỉnh sẽ hoàn chỉnh hạ tầng, xây dựng nhà xưởng phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ; đa dạng hoá hợp tác, liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài; cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội và hạn chế các dự án gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại và đầu tư cũng hướng đến các thị trường trọng điểm như Nhật, EU, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN…hoặc thông qua các hiệp hội, các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp đang đầu tư tại Đồng Nai.
Xin ông cho biết thêm về kết quả trong công tác nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng như giải pháp cải thiện môi trường đầu tư của Đồng Nai?
Năm 2018, Đồng Nai xếp 26/63 tỉnh thành với 63,84 điểm. Kết quả tuy có tăng nhưng chưa được như mong muốn.
Để cải thiện chỉ số PCI, chúng tôi đặt mục tiêu đạt tổng điểm tăng từ 2-4 điểm trong giai đoạn 2019-2020 so với năm 2018 và nằm trong top 20 tỉnh thành có tổng điểm PCI cao nhất.
Tỉnh tập trung cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số cụ thể như gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, chi phí không chính thức, tính năng động, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Chúng tôi sẽ chỉ đạo phối hợp, phân tích và ban hành chương trình hành động cụ thể, chủ động trao đổi kinh nghiệm với các địa phương khác nhằm đưa ra giải pháp nâng cao chỉ số PCI.
Bên cạnh đó, Đồng Nai sẽ thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp; đơn giản hoá điều kiện kinh doanh; tiến hành cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia.
Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, phấn đấu cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4 (trước tháng 12/2019); phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo trên cơ sở lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Đồng Nai sẽ tiếp tục đổi mới các chương trình khoa học trọng điểm, khuyến thích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển. Đặc biệt là chúng tôi tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Thay vào đó là tạo thuận lợi tối đa cho khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp lớn thực hiện vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đồng Nai sẽ tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics, từng bước giảm chi phí logistics và chi phí kinh doanh, tiến tới hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế, tiếp tục nâng cao hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Bảo Trân Thực Hiện