Với sự quan tâm, đầu tư phát triển của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của cộng đồng DN, thời gian qua sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Tây Ninh như: mía, mì, cao su, xi măng, sản xuất da và sản phẩm liên quan, sản phẩm từ cao su và plastic, công nghiệp mũi nhọn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt một số sản phẩm đã được chế biến sâu như: bột mỳ biến tính, vỏ ruột xe…; góp phần nâng cao giá trị gia tăng cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Tây Ninh trên thị trường.
Phát triển vững mạnh trên 5 “chân kiềng”
Đến nay, công nghiệp Tây Ninh đã hình thành được một hệ thống khá đồng bộ gồm 5 ngành sản xuất chủ yếu (công nghiệp chế biến, dệt may, da giày, công nghiệp sản xuất chất khoáng phi kim loại, công nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su plastic) với GTSX chiếm tỷ trọng khoảng 77,73% GTSX toàn ngành công nghiệp. Đặc biệt trong tăng trưởng của ngành công nghiệp Tây Ninh có sự đóng góp rất lớn của công nghiệp chế biến dựa trên lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương (mía, mì, cao su…). Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm có 126 DN đang hoạt động; một số sản phẩm đã tiêu thụ với số lượng lớn tại thị trường trong nước và xuất khẩu như đường cát, tinh bột mì; giai đoạn 2010-2016 GTSX của ngành tăng bình quân 11,46%/năm. Lĩnh vực chế biến mía đường có 3 nhà máy với tổng công suất chế biến 14.800 tấn mía cây/ngày, gồm các sản phẩm như: đường tinh luyện, đường kết tinh, đường thô, đường Organic…; giai đoạn 2010-2016, sản phẩm của ngành tăng bình quân 13,63%/năm. Lĩnh vực chế biến khoai mì thu hút khoảng 70 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 6.000 tấn bột/ngày; tập trung phát triển chủ yếu ở vùng nguyên liệu các huyện như: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu. Hiện có 5 DN đã sản xuất thêm sản phẩm sau tinh bột (tinh bột biến tính, mạch nha); giai đoạn 2010-2016 sản phẩm của ngành tăng bình quân 18,38%/năm.
Bên cạnh công nghiệp chế biến, Tây Ninh còn phát triển mạnh công nghiệp dệt may với 15 DN dệt và 44 DN may đang hoạt động với sản phẩm chủ yếu là dệt vải, sợi, trang phục; giai đoạn 2010-2016 GTSX của ngành tăng bình quân 23,4%/năm. Công nghiệp da – giày đã có sự chuyển dịch khá nhanh trong cơ cấu nội bộ ngành; nếu như năm 2005, lĩnh vực này chỉ chiếm tỷ trọng 1,9% so với GTSX toàn ngành thì đến năm 2016 đã tăng lên 18,68%; bình quân giai đoạn 2010-2016 GTSX tăng 61,94%/năm. Lĩnh vực công nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su plastic hiện có 40 DN đang hoạt động, sản phẩm bao gồm: vỏ ruột xe các loại, cao su kỹ thuật, các sản phẩm từ nhựa; giai đoạn 2010-2016, GTSX của ngành tăng bình quân 23,64%/năm. Riêng lĩnh vực công nghiệp sản xuất chất khoáng phi kim loại hiện có 68 DN đang hoạt động với cơ cấu sản phẩm hết sức đa dạng như: xi măng, clanke, gạch sét nung, gạch bê tông bọt, gạch xi măng cốt liệu… trong đó GTSX của công nghiệp xi măng chiếm khoảng 74,3% của ngành này.
Để hỗ trợ, khuyến khích DN phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, ngày 22/9/2016 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND về chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020. Căn cứ vào Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND, mới đây ngày 16/6/2017, UBND tỉnh cũng đã ra Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ban hành Quy định về chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh còn có chính sách riêng tạo điều kiện cho DN được hỗ trợ đầu tư, hợp tác sản xuất với DN 3 tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia (Svay Riêng, Prey Veng, Tboung Khmum) để sản xuất nông sản và vận chuyển nông sản sau thu hoạch về Tây Ninh; qua đó tạo nguồn nguyên liệu lớn cho các nhà máy chế biến mía, mì trên địa bàn tỉnh. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương Tây Ninh còn triển khai Chương trình khuyến công hỗ trợ các DN đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Giai đoạn 2010-2016, Sở Công Thương đã hỗ trợ 19 DN, cơ sở (khuyến công quốc gia 13 đề án với kinh phí 1,74 tỷ đồng, khuyến công địa phương 6 đề án với kinh phí 671,5 triệu đồng) và hiện đang tham mưu trình UBND tỉnh điều chỉnh Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2016-2020.
Tăng năng lực cạnh tranh
Ông Lê Thành Công – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh tây Ninh cho biết giai đoạn 2016 – 2020, Tây Ninh ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm sản xuất từ đường, tinh bột mì, cao su, khoáng sản; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày, các sản phẩm cơ khí công nghệ cao, linh kiện và thiết bị điện, điện tử; công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn…
Để đưa công nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có, trọng tâm trong giai đoạn này tỉnh sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp theo hướng chuyển từ gia công sang sản xuất và sang chế tạo – chế tác nhằm mục tiêu tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm. Tăng cường khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp công nghệ cao, thông qua các chính sách như khuyến công, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa, chính sách thuế… Đầu tư phát triển một số ngành ưu tiên và công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút những dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao vào tỉnh nhà; lựa chọn công nghệ trong quá trình tiếp nhận, chuyển giao để tránh tình trạng tiếp nhận công nghệ lạc hậu; đồng thời xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tại các KCN.
Theo ông Công, bên cạnh những định hướng chiến lược và sự đồng hành hỗ trợ của chính quyền địa phương thì bản thân mỗi DN cũng phải phát huy tính năng động, sáng tạo, vượt khó đi lên mới có thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh gay gắt. Có thể thấy hội nhập kinh tế quốc tế mang đến nhiều cơ hội nhưng đi kèm đó là không ít thách thức khi các DN nội địa phải chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm dịch vụ, đầu tư của các DN ngoại. Ngoài ra còn phải kể đến rào cản từ những yêu cầu kỹ thuật hết sức khắt khe để có thể hưởng được những ưu đãi do các Hiệp định thương mại tự do mang lại. “Trong bối cảnh đó, để có thể vượt qua thách thức và tận dụng hiệu quả cơ hội có được, trước hết bản thân các DN phải tự vươn lên để hòa nhập vào sân chơi chung: sử dụng cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới phương thức sản xuất, đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ…. Sản xuất sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có sự khác biệt, có chất lượng, chế biến sâu, truy xuất được nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do và đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước khi định hướng sản phẩm sản xuất cần định hướng kỹ thị trường, nghiên cứu nhu cầu thị trường cũng như các hiệp định, rào cản thương mại, tập quán tiêu dùng đối với sản phẩm muốn gia nhập thị trường để có hướng sản xuất và cung ứng hiệu quả” – ông Công khuyến nghị.
Cường Nguyễn