Bản tin hỗ trợ Xuất khẩu Việt Nam

Thành phố Lyon – Pháp tôn vinh văn hóa châu Á và tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh

9:28 chiều | 08/06/2025

Ngày hội Văn hóa châu Á tại Lyon 2025 không chỉ là lễ hội đa sắc màu mà còn là không gian tưởng niệm xúc động dành cho các nạn nhân chất độc da cam.

Ngày 8/6, tại quảng trường Charles de Gaulle (quận 3, thành phố Lyon, Pháp) rực rỡ sắc màu với đèn lồng, cờ các nước châu Á và hàng loạt hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa châu Á lần thứ 4, do Trung tâm Châu Á tổ chức. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn người dân địa phương, khách du lịch, các nhà ngoại giao, cộng đồng người châu Á và nhiều chính trị gia Pháp tham dự.

Toàn cảnh chương trình Ngày hội văn hoá Châu Á tại quảng trường Charles de Gaulle thành phố Lyon – Pháp.

Đây không chỉ là dịp để công chúng khám phá ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật và truyền thống đến từ 12 quốc gia châu Á, mà còn là không gian đối thoại văn hóa, kết nối cộng đồng và đặc biệt là tưởng nhớ những nạn nhân chiến tranh – với điểm nhấn là triển lãm về nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.

Lễ hội rực rỡ sắc màu văn hóa 

Hàng chục gian hàng mang đến trải nghiệm chân thực về văn hóa Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan… với các hoạt động như thư pháp, vẽ lụa, trình diễn võ thuật, y học cổ truyền và nghệ thuật dân gian. Ngoài ra, những tiết mục như múa lân, trống hội, hát dân ca, tuồng mặt nạ, nhạc cung đình… cũng khiến không khí lễ hội thêm phần sôi động, rộn ràng.

Gian hàng CHEZ BÀ NỘI tại Lyon phục vụ các món ăn truyền thống Việt Nam như: phở, bún bò, gỏi cuốn, cà phê sữa ..

Người lớn, trẻ em hào hứng trải nghiệm và giao lưu trong một không gian mở, thân thiện và tràn đầy năng lượng tích cực. Song, đằng sau sự náo nhiệt ấy không khí vẫn có một khoảng lặng, không gian dành cho ký ức, đau thương và khát vọng công lý.

Không gian tưởng niệm chất độc da cam: “Chúng tôi không quên” 

Một trong những điểm dừng chân gây xúc động mạnh là gian triển lãm “We Won’t Forget – Peace” (Chúng tôi không quên – Vì hòa bình), dành riêng để tưởng niệm các nạn nhân chất độc da cam – loại hóa chất quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam trong chiến tranh (1961–1973).

Các đại biểu chụp hình kỷ niệm tại gian triển lãm “We Won’t Forget – Peace” (Chúng tôi không quên – Vì hòa bình)

Triển lãm giới thiệu thông tin khoa học, bản đồ vùng bị rải chất độc, hình ảnh những đứa trẻ sinh ra với dị tật, lời kể từ các nạn nhân và nhiều tư liệu lịch sử chân thực. Hàng triệu người Việt Nam đến nay vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi chất độc này, cả trực tiếp lẫn di truyền.

Một tấm bảng trắng lớn ghi dòng chữ “WE WON’T FORGET – PEACE” được dựng ở trung tâm, nơi mọi người có thể ký tên, viết lời nhắn, vẽ biểu tượng như một hành động thể hiện sự đoàn kết và cam kết không để thảm họa bị lãng quên. Từng chữ ký là một lời thừa nhận, một lời cam kết, một sự tưởng nhớ.

Khi ký ức và tình người không biên giới

Khoảnh khắc Thị trưởng thành phố Lyon – ông Grégory Doucet – đích thân đến ký vào bảng tưởng niệm. Cùng với ông là các quan chức ngoại giao, đại diện cộng đồng châu Á và hàng trăm người dân Lyon tham gia mang một thông điệp xúc động mạnh mẽ.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Doucet khẳng định: “Ký ức không có biên giới, và tình người là trách nhiệm chính trị.” Việc các lãnh đạo địa phương ký tên tại gian tưởng niệm đã chuyển hóa hành động cá nhân thành tuyên ngôn mang tính thể chế, công nhận nỗi đau của các dân tộc từng là nạn nhân chiến tranh, đồng thời kêu gọi hòa giải và hợp tác vượt qua quá khứ.

Ông Grégory Doucet – Thị trưởng thành phố Lyon, Pháp phát biểu tại Ngày hội Văn hoá Châu Á ngày 8/6

Bà Stéphanie Do, Đại biểu Quốc hội Pháp (2017–2022) phát biểu tại buổi tưởng niệm

Bà Stéphanie Do, Đại biểu Quốc hội Pháp (2017–2022) phát biểu tại buổi tưởng niệm với thông điệp: “Là một người con sinh ra từ hai dòng văn hóa – Pháp và Việt Nam – tôi luôn tin rằng sự đa dạng không phải là rào cản, mà là một nguồn sức mạnh. Tôi cũng muốn dành một lời tri ân đặc biệt đến không gian tưởng niệm các nạn nhân của chất độc da cam – một vết thương chiến tranh vẫn còn để lại hậu quả nặng nề cho biết bao thế hệ.”

“Việc ghi nhớ không phải để nuôi dưỡng hận thù, mà là để chúng ta cùng nhau xây dựng một thế giới công bằng hơn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau. Hãy để sự kiện hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng: văn hóa là cây cầu nối mọi dân tộc, và hòa bình chỉ có thể đạt được bằng sự hiểu biết và sẻ chia”, bà Stépphanie Do cho biết.

Tại triển lãm, các tình nguyện viên cũng đã phát tờ rơi, kêu gọi quyên góp, chia sẻ thông tin và lan tỏa sự ủng hộ dành cho nạn nhân chất độc da cam.

Bên cạnh đó, triển lãm cũng có một thông tin liên quan đến các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi chiến sự ở Gaza – tạo nên sợi dây liên kết đầy ý nghĩa giữa nỗi đau của hôm qua và thảm kịch hôm nay. Không mang tính chính trị, những thông điệp ấy chỉ muốn nhấn mạnh một điều: trẻ em luôn là nạn nhân đầu tiên của mọi cuộc chiến.

“Bởi số phận của chúng ta gắn kết với nhau”

Trong lễ tưởng niệm, câu khẩu hiệu được in dưới bảng buổi lễ đã tóm gọn tinh thần sâu sắc của cả sự kiện: “Bởi vì số phận của chúng ta gắn kết với nhau, việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, hòa bình và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia là điều thiết yếu.”

Thông điệp này được nhắc đi nhắc lại trên sân khấu qua các bài phát biểu, phần trình diễn nghệ thuật, và vang lên trong từng ánh mắt, nụ cười, sự im lặng và những tràng vỗ tay đồng cảm.

Ngày hội Văn hóa châu Á tại Lyon không chỉ là một lễ hội văn hóa – mà là một tuyên ngôn của tình người, ký ức, và khát vọng hòa bình toàn cầu.

                                                                                   Theo Lyonecoetculture.fr