Nằm lọt thỏm giữa không gian đại ngàn phòng hộ, ít ai biết đến nơi đây có một cộng đồng người H’rê đang sống chung với cảnh nghèo nhiều không: Không điện không đường, không trường, không trạm, không nước sạch, không sóng điện thoại, thiếu đất sản xuất… Lắm cái “không” để 25 hộ dân với 69 nhân khẩu tại làng Đồng Lớn, thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tận hưởng suốt nhiều năm qua!
Đằng trước còn lắm gian nan…
Để đến được với đồng bào nơi đây, chúng tôi phải mất mấy giờ đồng hồ. Từ thành phố Quảng Ngãi đi theo QL 1A về phía Tây Nam. Qua địa giới huyện Đức Phổ là địa phận xã Ba Trang. Sát bên là hồ nước lớn Liệt Sơn, trước mặt chúng tôi là một khoảng trời nước mênh mông, bao quanh hồ là núi rừng trùng điệp hiểm trở. Chúng tôi vào làng Đồng Lớn phải đi nhờ ghe của cư dân bản địa băng qua lòng hồ Liệt Sơn có đọ sâu gần 40m. Nhìn những chiếc ghe nhỏ ọp ẹp không có lấy một cái phao mà lòng không khỏi lo lắng. Về mùa nước cạn đi theo con đường nhỏ ven hồ độ chừng hơn 4km. Quan sát bằng mắt thì không xa lắm, nhưng loay hoay hồi lâu chừng gần tiếng đồng hồ mới sang được bờ bên kia. Những tưởng qua hồ sẽ đến, ngờ đâu phải đi bộ thêm hơn 3km men theo con đường ngoằn ngoèo, băng rừng, lội suối vượt qua nhiều vũng bùn lầy mới tới nơi.
Nói là đường vậy thôi chứ chẳng phải đường đâu, chỉ là những con suối, đoạn dốc, vũng lầy mà người dân đi lâu tạo thành lối mòn nhỏ. “Phải quen đường và gan lắm mới đi được, vì địa hình làng Đồng Lớn toàn suối sâu dốc cao cực kỳ khó đi”, Anh Phạm Văn Nhoi, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trang cười nói.
Chính vì đường giao thông không thuận lợi, muôn vàn trắc trở nên người dân lỡ may bị bệnh muốn đi khám thì phải vượt lòng hồ xuống huyện Đức Phổ mới khám được. Do Đồng Lớn không có trạm xá mà xuống Đức Phổ lại vất vả, ốm nặng thì gắng đi chứ ốm nhẹ thì cũng thôi.
Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn đơn sơ, chụm lại trong thung lũng nhỏ giữa không gian đại ngàn. Cư dân bản địa đều mang họ Phạm (họ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Gọi là làng, nhưng thực chất chỉ có 25 hộ với 69 nhân khẩu, làng còn lại 2 thương binh ngày trước từng phục vụ nơi Bệnh xá Đặng Thùy Trâm đứng chân tại khu vực Đồng Lớn trong thời kỳ chiến tranh.
Cuộc sống của cư dân nơi đây rất cơ cực bởi xung quanh toàn là rừng phòng hộ nên hầu như không có đất sản xuất. Có chăng cũng chỉ được dăm ba miếng đất bồi nhỏ để canh tác khi nước ở lòng hồ Liệt Sơn hạ. Mùa Đông đến, nước ở hồ dâng lên thì đất sản xuất cũng bị nhấn chìm. Vì không có đất nên họ sống chủ yếu dựa vào công việc làm thuê, đến mùa lấy mây nước bán, chăn nuôi heo gà.
Bên cạnh đó, nhà nước giao cho giữ rừng mỗi hộ chăm sóc chừng 10ha với tiền công 400 ngàn đồng/1ha/năm, ngoài ra không có thu nhập gì thêm.
Đến nay, Đồng Lớn vẫn chưa có điện thắp sáng lẫn nước sạch để sử dụng. Nước sinh hoạt hằng ngày đều được lấy ở suối để phục vụ cho nhu cầu của 69 nhân khẩu nơi đây. Việc học hành của các cháu gặp muôn vàn trở ngại. Lớp học liêu xiêu dành cho 3 lớp ghép chỉ có 7 học sinh, đơn sơ được dựng lên bằng mấy miếng gỗ, mái tôn đã qua bao mùa điểm nhiều lỗ, nắng thì chói, mưa thì dột… Diện tích lớp học chưa bằng một gian nhà nhỏ, nền đất nhấp nhô những bụi, chỉ cần cơn gió mạnh ùa vào là lớp học mù mịt một màu đỏ. Tấm bảng chẳng còn chỗ lành lặn để thầy trò vung phấn viết. Dù đã tám, chín tuổi rồi nhưng các em học sinh nơi đây vẫn nói chưa thạo, viết chưa thành tiếng phổ thông. “Làng nằm lọt thỏm giữa thung lũng sâu, em dù lớn rồi vẫn chỉ biết mỗi điểm trường Đồng Lớn chứ chưa từng được thấy trường Tiểu học Ba Trang của mình ở đâu”, em Phạm Văn Chuốt học sinh của điểm trường chia sẻ. Ước mơ được một lần đặt chân đến Trường Tiểu học của Chuốt cũng như các em nhỏ ở đây còn quá xa vời khi mà con đường huyết mạch nối liền từ trung tâm xã Ba Trang đến làng xa chừng 25km còn chưa có để đi lại.
Dự án hơn 10 năm vẫn nằm trên giấy
Được biết, vào năm 2006, xã Ba Trang lập dự án mở đường giao thông nông thôn từ Trung tâm xã về làng Đồng Lớn. Thế nhưng, khi dự án bắt đầu khởi công thì cơ quan quản lý rừng phòng hộ ách lại bảo rằng rừng phòng hộ không được mở đường. Hơn 10 năm qua đi, dự án mở đường vào Đồng Lớn vẫn chỉ là dự án.
Ông Phạm Văn Mang, Chủ tịch UBND xã Ba Trang cho biết: “Sau khi mở đường không được vì vướng rừng phòng hộ, UBND xã Ba Trang đã lập dự án di dời người dân Đồng Lớn về làng định cư tập trung, cách làng cũ khoảng 8 km để thuận lợi cho việc sinh hoạt, học tập, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân được đảm bảo hơn. Nhưng, dự án vừa mới thành lập thì di tích Đặng Thùy Trâm được công nhận, thế là cấp trên chỉ đạo người dân ở lại giữ di tích nhằm phục vụ cho tuyến Du lịch – theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm”.
Đi chẳng được mà ở lại cũng chẳng xong, người dân nơi đây chỉ biết bấm bụng chịu đựng. Mòn mỏi đợi chờ suốt hơn mười năm qua nhưng chẳng biết đến khi nào tuyến du lịch “Theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm” mới được khơi thông. Người dân lại phải bám đất, bám rừng mưu sinh qua ngày mang theo bao nỗi nhọc nhằn.
Tâm sự với chúng tôi, già làng Phạm Văn Hòa nghẹn ngào nói : “Từ ngày Di tích Đặng Thùy Trâm được công nhận, cả làng vui mừng lắm. Nghe cấp trên chỉ đạo ở lại giữ rừng phòng hộ và giữ gìn Di tích thì mình cũng vận động mọi người ở lại. Nhưng mãi đến giờ vẫn không thay đổi được gì, làng vẫn không có điện, không có nước sạch để sinh hoạt. Mấy cháu cũng không có đường để đến trường… Rất mong các cấp, ban ngành nhìn xuống mà thấu cho nỗi khổ của dân làng mình”.
Thử hỏi ở một nơi “nhiều không”… xung quanh chỉ toàn rừng phòng hộ thì lấy gì cho người dân phát triển? Dù rằng việc các cơ quan cấp trên chỉ đạo người dân ở lại để chăm sóc rừng, giữ gìn di tích là đúng đi nữa nhưng cần thiết phải có những trợ cấp thích đáng để cho đồng bào ổn định có cái sinh nhai hằng ngày. Bao nhiêu khổ cực chỉ mình người dân chịu đựng, chính quyền phải chăng đang vô cảm với những con người nhỏ bé ngày đêm gồng mình sống lay lắt trên mảnh đất có quá nhiều không này. Rời Đồng Lớn về xuôi, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, nếu chẳng may người dân bị bệnh cấp cứu chắc chỉ có nước chết mà thôi.
Thiết nghĩ chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cần có chính sách đặc thù quan tâm giúp đỡ để cho dân làng Đồng Lớn sớm có cái ăn cái mặc, ổn định cuộc sống bền vững.
Bài ảnh: Tiến Dân- Lương Phong.