Trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng trị là Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Các anh, các chị đã tề tựu về đây, lặng lẽ trong những ngôi mộ xếp thẳng hàng được quy tập theo từng tỉnh thành của đất nước. Trên hàng bia mộ, ngôi sao vàng 5 cánh vẫn lấp lánh tỏa ánh hào quang trong cái nắng chiều rát bỏng tháng 7. “Trường Sơn ơi trên đường ta qua không một dấu chân người/ Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/ Dừng chân ở đèo mà nghe suối hát, ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi/ Trường Sơn ơi, ơi Trường Sơn ơi…”. Âm hưởng Ắc mô ni ca ngập ngừng, dần nhanh, rồi vút bay, quyện trong làn khói nhang, lơ lửng trên bầu trời chiều nghĩa trang.
“Chiếc kèn đã bạc màu
Bài hát xưa thổi lại
Chúng mày nghe có phải
Tiếng ắc mô ni ca ngày nào”
Và chính tiếng kèn ác mô ni ca đó đã mở ra câu chuyện tình đồng chí, đồng đội thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Chúng ta cùng dừng lại, lắng lòng nghe Tiếng kèn chiều nghĩa trang của nhà thơ Bùi Quảng Bạ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an.
“Người lính từ chiến tranh
Đã trắng đầu sương gió
Vết thương thời máu lửa
Hằn sâu khuôn mặt gầy
Tháng bẩy anh vào đây
Chiến trường xưa, bạn cũ
Đồng đội đang yên ngủ
Chiều nghĩa trang Trường Sơn
Một chiếc cặp lồng cơm
Đặt lên mồ liệt sĩ
Khói nhang đưa tri kỷ
Cõi âm – trần gặp nhau
Chiếc kèn đã bạc màu
Bài hát xưa thổi lại
Chúng mày nghe có phải
Tiếng ắc mô ni ca ngày nào
Những bài ca xôn xao
Cả một thời đánh Mỹ
Ấm lòng bao chiến sĩ
Giữa lạnh lùng chiến tranh
Tiếng kèn không còn xanh
Như năm nào trai trẻ
Kỷ niệm ngày xa mẹ
Giờ lại về xốn xang
Những dãy mộ xếp hàng
Lặng yên nghe bản nhạc
Người lính già trận mạc
Nghẹn lòng… nhớ bạn xưa”.
(Bùi Quảng Bạ)
Không gian Trường Sơn được mở rộng theo chiều thời gian từ hiện tại, trở về quá khứ và lại quay về hiện tại. Ở mỗi chiều thời gian, tác giả đều khéo léo lựa chọn những hình ảnh có chiều sâu, độ phản chiếu, nhưng rất đỗi thân quen. Dưới nắng chiều tháng 7 nơi chiến trường xưa, có bóng dáng người lính già, mái đầu bạc trắng, khuôn mặt gầy hằn sâu “Vết thương thời máu lửa”. Chỉ bằng vài nét phác, qua vài câu từ bình dị như “trắng đầu”, “hằn sâu”, “mặt gầy” cũng đủ tạc nên dấu ấn thời gian trong tạo hình “Người lính từ chiến tranh”. Bản thân cách dùng từ “từ chiến tranh” cũng mang lại hiệu ứng liên tưởng khá cụ thể, sắc nét. Không tiếng bom gầm, đạn xé, nhưng cảnh chiến trường “máu lửa”, cảnh đoàn xe băng băng ra tiền tuyến, cảnh những cô gái mở đường cho xe qua, cảnh bom thù xối xả, cảnh đoàn quân ra trận với khí thế ào ào thác lũ giải phóng miền Nam… như những thước phim quay chậm dần hiện ra. Âm hưởng vang vọng: “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/ Ðá mòn mà đôi gót không mòn/ Máu thấm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết/ Ta đi trong ánh lửa từ trái tim mình”.
Tiếng hát chợt chùng xuống. Lặng lặng thôi. “Đồng đội đang yên ngủ”. Thoạt có vẻ bình an quá, yên lành quá. “Đang yên ngủ”. Nỗi đau được người lính già cố nén, cố giấu. Ba từ “đang yên ngủ” không đơn giản là sự yên bình, tĩnh lặng, mà phản chiếu rõ nét sự khốc liệt của chiến tranh. Mỗi tấc đất, mỗi hạt bụi nơi cung đường Trường Sơn, lối mòn Trường Sơn huyền thoại đều thấm máu, hòa xương, thịt của gần 20 nghìn liệt sĩ. Bom rơi, đạn xé, sinh tử cận kề, không làm nao núng ý chí quyết tâm của người chiến sĩ. Lớp lớp thanh niên vẫn cất vang lời ca, tiếng hát vọng dãy Trường Sơn… Chiến tranh qua đi, các anh, các chị “yên ngủ” dưới những ngôi mộ. Đau xót lắm khi rất rất nhiều những ngôi mộ mang trên mình tấm bia khắc đậm dòng chữ “Mộ liệt sĩ chưa có tên”, “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, và cũng nhiều những ngôi mộ tập thể.
Khói hương quyện tỏa. “Cõi âm – trần gặp nhau”. Tri kỷ giao hòa. Bữa tiệc đồng đội là chiếc cặp lồng cơm, là tiếng kèn ác mô ni ca. Quá khứ, kỷ niệm dồn về ăm ắp. Người lính già bỗng hóa thành chàng thanh niên của những tháng năm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tiếng kèn, lời hát vang xa. “Này Trường Sơn ơi/ Ta đi trong gió/ Ta đi trong mưa/ Từng ngày từng tháng/ Là từng bài ca/ Tiếng hát cùng ta/ Vượt qua gian khổ”. (Trên đỉnh Trường Sơn ta hát). Hay “Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây”. (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây). Đó là âm hưởng của những bài ca một thời chống Mỹ.
“Những bài ca xôn xao
Cả một thời đánh Mỹ
Ấm lòng bao chiến sĩ
Giữa lạnh lùng chiến tranh”
Chìm trong ký ức, người lính già mượn tiếng kèn giao tiếp với người đồng chí, đồng đội, đánh thức người bạn xưa “đang yên giấc ngủ” cùng ôn lại những tháng năm “cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn”, cùng tha thiết, xốn xang nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ.
“Tiếng kèn không còn xanh
Như năm nào trai trẻ
Kỷ niệm ngày xa mẹ
Giờ lại về xốn xang”
Kỷ niệm ùa về. Một thời trai trẻ, một thời “máu lửa” chiến tranh được tác giả khéo léo mượn tiếng kèn ắc mô ni ca tái hiện trong không gian nghĩa trang Trường Sơn chiều tháng 7. Tuy tiếng kèn “không còn xanh”, không còn mạnh mẽ sức trẻ, nhưng lại “xốn xang” bao nỗi niềm.
Những dãy mộ xếp hàng
Lặng yên nghe bản nhạc
Người lính già trận mạc
Nghẹn lòng… nhớ bạn xưa”.
Hình ảnh người lính già hay người nhạc sĩ đang say sưa biểu diễn trước khán giả là “Những dãy mộ xếp hàng” trào dâng cảm xúc thiêng liêng, trân trọng. Không đơn giản là tình đồng chí, đồng đội, mà là sự tri ân, biết ơn, là tình cảm thiêng liêng, thành kính của cả dân tộc Việt Nam hướng về các anh hùng liệt sĩ. Họ đã sống, đã chiến đấu vì hạnh phúc nhân dân, vì danh dự dân tộc, vì niềm kiêu hãnh, tự hào của Tổ quốc Việt Nam.
Kết lại bài thơ là hình ảnh “Những dãy mộ xếp hàng/ Lặng yên nghe bản nhạc” và cảm xúc “Nghẹn lòng… nhớ bạn xưa”. Nếu để ý chút thôi, chúng ta dễ dàng nhận thấy, toàn bộ bài thơ rất ít dấu câu, ngoại trừ câu cuối cùng của bài thơ, tác giả đã dùng dấu (…) ngắt đôi câu thơ. Nỗi nhớ, nỗi đau đẩy lên đỉnh điểm. Dường như, tác giả để mạch cảm xúc tuôn trào theo tiếng kèn hồi ức, mở ra không gian chiến tranh, tình bạn nơi chiến tuyến. Tình bạn ấy đi cùng thời gian, gắn với những kỷ vật “chiếc cặp lồng cơm”, chiếc kèn ắc mô ni ca và những bản nhạc “một thời đánh Mỹ”, vút cao trong chiều tháng 7 nơi nghĩa trang Trường Sơn./
Lan Nguyễn, T03