Với sự quyết tâm thực thi đổi mới thông qua các chương trình hành động, giải pháp cụ thể của bộ máy chính quyền các cấp cùng với sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh và người dân, những tiềm năng lợi thế to lớn của Tiền Giang sẽ được khai mở, phát huy tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế – xã hội của tỉnh không chỉ năm 2019 mà trong nhiều năm tới. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn hóa Doanh nhân (VCCI) Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chia sẻ về những vấn đề này.
Thành phố Mỹ Tho
PV: Phát triển kinh tế – xã hội, Tiền Giang có những định hướng như thế nào khi đặt mình trong định hướng phát triển chung của cả nước, Vùng ĐBSCL và Vùng KTTĐ phía Nam, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, kết nối không gian kinh tế mở thưa Ông?
Ông Lê Văn Hưởng:
Tiền Giang là tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được Chính phủ quyết định tham gia Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam, chính vì vậy, việc phát triển kinh tế – xã hội tỉnh luôn được đặt trong định hướng chung của cả nước và của vùng.
Khi xét về chuỗi giá trị liên kết phát triển vùng, liên vùng và cả nước, tôi cho rằng Tiền Giang có những lợi thế nhất định như nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, với điều kiện tự nhiên sinh thái rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, cơ cấu cây trồng vật nuôi phong phú, đặc biệt là địa phương có diện tích cây ăn trái đặc sản, giá trị kinh tế cao.
Theo quy hoạch thì tỉnh có vai trò vành đai lương thực thực phẩm lớn cho vùng KTTĐ phía Nam. Bên cạnh đó, Tiền Giang vẫn còn dư địa để mở rộng, phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, phát triển các ngành công nghiệp bổ trợ cho vùng, kể cả khả năng phát triển các dịch vụ cao cấp trong tương lai…
Một lợi thế quan trọng khác Tiền Giang có bờ biển dài 32 km và hệ thống các sông Tiền, sông Vàm Cỏ Tây, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo nối liền với các tỉnh Vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và là cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh ven sông Tiền, có nhiều điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp, cảng biển, dịch vụ, du lịch… đây là nền tảng để hình thành khu kinh tế ven biển của tỉnh trong tương lai, tạo điểm đột phá không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh mà còn tác động lan toả tới Vùng KTTĐ phía Nam, Vùng ĐBSCL.
Với thế mạnh của địa phương mục tiêu “phát triển kinh tế – đô thị” của Tiền Giang được cụ thể hóa rõ ràng trong việc liên kết nội vùng, liên kết vùng phù hợp tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng, bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt, chặt chẽ.
PV: Tiềm năng và không gian kinh tế rộng lớn, Tiền Giang đã và đang khai thác thế mạnh này trong thu hút đầu tư?
Một năm sau hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Tiền Giang – Cơ hội đầu tư, đồng hành phát triển”, tỉnh đã thu hút mới được 24 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 13.320 tỷ đồng. Ngoài ra, có 10 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng 2.383 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư thu hút được sau hội nghị đạt hơn 15.700 tỷ đồng, quy mô các dự án cũng lớn hơn trước, bình quân 555 tỷ đồng/dự án, gấp 7,67 lần so với trước đó.
Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước đã đến Tiền Giang xây dựng kế hoạch đầu tư, như Tập đoàn Vincom với dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại, dịch vụ Mỹ Tho; Tập đoàn FLC với dự án Trung tâm Thương mại, dịch vụ Tiền Giang; Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải với dự án Trung tâm Thương mại, dịch vụ Lương Phú; Tập đoàn T&T đang nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển khu đô thị tại thành phố Mỹ Tho; Tập đoàn Thiên Minh Đức đang nghiên cứu thực hiện dự án Tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng ở huyện Gò Công Đông; Tập đoàn Thành Thành Công đang nghiên cứu thực hiện dự án phát triển điện gió… Các dự án mới khá đa dạng ngành nghề, phù hợp định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại – dịch vụ, đô thị – dân cư, du lịch, y tế.
Tiền Giang đã đang và sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương, tăng cường công tác tiếp xúc, hướng dẫn, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư.
Trước mắt, UBND tỉnh đã giao cơ quan đầu mối là Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh để tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết. Đồng thời, tỉnh cũng đang chỉ đạo quyết liệt xây dựng mô hình chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là về đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, đất đai, xây dựng…
Theo đánh giá của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập DN và thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN của tỉnh Tiền Giang lần lượt là 1,22 ngày và 0,99 ngày, nhanh nhất so 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã nghiêm túc thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo các quy định pháp luật. Ngoài các chính sách chung, UBND tỉnh Tiền Giang quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp); chính sách sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn… với các ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu…
Tỉnh xác định lực lượng DN là động lực phát triển kinh tế của tỉnh, UBND tỉnh luôn đồng hành và chia sẻ với những khó khăn DN, tỉnh luôn trân trọng lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN để kịp thời tháo gỡ, qua đó tạo nên sự gần gũi, gắn kết giữa chính quyền và DN. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn mong muốn nhận được hiến kế của cộng đồng DN, doanh nhân để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả điều hành.
PV: Cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu “Nhà nước kiến tạo và lấy DN làm đối tượng phục vụ” Tiền Giang cùng góp phần thực hiện mục tiêu này ra sao thưa Ông?
Thực hiện chủ trương của Chính phủ xây dựng “Nhà nước kiến tạo và lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ”, thời gian qua UBND tỉnh đề ra và triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ- CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, UBND tỉnh đề ra 08 nhóm giải pháp chủ yếu, kết quả đến giờ này, nhiều giải pháp đã mang lại kết quả hết sức cụ thể, như: Đã rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến DN, nhà đầu tư, giảm chi phí gia nhập thị trường của DN. Tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc cho DN, cung cấp thông tin qua kênh Cổng thông tin điện tử tỉnh và các cổng thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương để nhà đầu tư, DN, người dân tiếp cận thông tin dễ dàng, nhanh chóng, nhất là về thủ tục hành chính, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư công, mời gọi đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư, ngân sách….
Có thể thấy cái “được” lớn nhất và quan trọng nhất chính là chính quyền đã thực sự tạo được sự tin tưởng của DN, tạo được không khí đồng hành, sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền với cộng đồng DN, trong đó bao hàm cả sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy của từ lãnh đạo đến công chức thực thi công vụ các cấp từ tỉnh đến cơ sở trong quá trình hỗ trợ lực lượng DN phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung công tác hỗ trợ, phát triển DN, khởi nghiệp. Mới đây nhất Tỉnh đoàn phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Chương trình Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ thanh niên khởi nghiệp thanh niên 2017 với mục đích định hướng thanh niên khởi nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường, mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh nhà và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tỉnh nhà thực hiện hiệu quả chương trình khởi nghiệp.
UBND tỉnh mong muốn những DN lớn, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chung sức hỗ trợ, đầu tư các dự án khởi nghiệp có tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị Đoàn thanh niên và các sở, ban, ngành tiếp tục phát huy vai trò trong hỗ trợ và đồng hành cùng khởi nghiệp tiến tới hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp năng động…
Xin chân thành cám ơn Ông!