Tiền Giang có vị trí, điều kiện tự nhiên phù hợp cho phát triển nhiều loại nông sản hàng hóa có sản lượng lớn, chiếm tỉ trọng cao, sản lượng lúa, trái cây của tỉnh đạt trên 1,3 triệu tấn/năm, sản lượng rau đạt trên 1,0 triệu tấn/năm; đàn gia cầm đạt 12 triệu con/năm,….sản lượng nuôi và khai thác thủy sản đạt trên 240 ngàn tấn/năm. Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến xuất khẩu và tiêu dùng tại tỉnh, mà còn là nguồn hàng hóa lớn cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cũng như cả nước.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Tiền Giang đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, tăng thu nhập cho cho nông dân, đồng thời, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trên cây ăn trái, đã triển khai ứng dụng khoa học – công nghệ trong chọn giống, sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ ruồi đục quả; các kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ, tưới tiết kiệm nước, xây dựng hệ thống tưới theo công nghệ Israel và quản lý, phòng trừ dịch bệnh bằng các biện pháp sinh học trong canh tác vườn cây ăn trái đạt hiệu quả cao; trên cây lúa, các kỹ thuật 3 giảm 3 tăng; 01 phải 5 giảm; kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI); công nghệ sinh thái; sản xuất theo hướng GAP; ứng dụng các sản phẩm sinh học để quản lý rầy nâu và các kỹ thuật cơ giới hóa trong sản xuất lúa… giúp nâng cao nâng suất, giảm chi phí sản xuất lúa; trong chăn nuôi, đã áp dụng các công nghệ điều khiển tự động nhiệt độ phòng nuôi; hệ thống làm mát chuồng trại; sử dụng thiết bị cảm biến nhiệt trong chuồng nuôi; dây chuyền uống tự động đối với heo và gà; trong lĩnh vực thủy sản, ứng dụng mô hình nuôi 02 giai đoạn ứng dụng công nghệ biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đã giúp nâng cao năng suất tôm nuôi lên từ 2-3 lần so với mô hình nuôi truyền thống; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia và quốc tế (ASC, GlobalGAP) trên các đối tượng thủy sản chủ lực tôm, cá tra đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu; xây dựng vùng nuôi nghêu đạt tiêu chuẩn MSC nhằm đáp ứng rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu.
Chia sẻ cùng Tạp chí Văn Hóa Doanh Nhân Việt Nam, Ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: “Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nền tảng cho sự ổn định để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Để đạt được kết quả này, trong những năm qua Ngành nông nghiệp và PTNT Tiền Giang đã triển khai kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp Quy hoạch ngành nông nghiệp và chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thực hiện công tác chỉ đạo sản xuất khá chặt chẽ, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, ứng dụng CNC trong sản xuất; triển khai có hiệu quả các chính sách của Trung ương hỗ trợ sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực về khoa học công nghệ, nguồn vốn để sản xuất hàng hóa; đồng thời được sự đồng thuận cao của nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa”.
Từ những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh cho thấy việc phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tạo hiệu ứng bước đầu, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thời kỳ nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, ngày 25/8/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 2565/UBND phê duyệt Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tiền Giang có quy mô 197,31 ha, đây là hạt nhân quan trọng tạo bước đột phá trong nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực,…góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao trong thời gian tới.
Phát huy những tiềm năng, lợi thế và nền tảng cơ bản về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong thời gian tới ngành nông nghiệp và PTNT Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng CNC, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi quan điểm, định hướng mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
PV