Là một TS trẻ giàu nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng tích cực và đam mê trong công việc, TS Nguyễn Thị Quốc Minh như một đóa sen hồng xinh xắn tô thắm thêm cho mùa xuân xã hội. Những sinh viên, học viên được học với cô đều có chung nhận định: Cô duyên dáng ở ngoại hình, tự tin và chắc chắn ở chuyên môn. Được trực tiếp trò chuyện với cô chúng tôi mới thật sự cảm nhận được điều đó.
Nguyễn Thị Quốc Minh sinh ra và lớn lên trên quê hương Đồng Tháp, là cháu gái của “Anh hùng chân đất” – phi công Nguyễn Văn Bảy, người được nhân dân cả nước cảm phục, bạn bè quốc tế biết đến với lòng yêu mến và đầy ngưỡng mộ. Tiếp nối, làm rạng rỡ gia đình dòng họ bằng sự chăm chỉ, phấn đấu trên con đường học tập, nghiên cứu khoa học và đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. TS. Nguyễn Thị Quốc Minh như một đóa sen hồng xinh xắn tô thắm thêm cho quê hương “đất sen hồng”, góp phần điểm tô cho mùa xuân xã hội.
Những sinh viên, học viên từng được học với cô đều có chung nhận định: Cô duyên dáng ở ngoại hình, tự tin và chắc chắn ở chuyên môn, thân thiện và hòa đồng trong giao tiếp. Hiện nay, có 2 lĩnh vực cô đang tập trung nghiên cứu sâu là phương pháp dạy học Văn và cộng đồng người LGBT.
Giảng viên trẻ được cả Thanh lẫn Sắc
Nguyễn Thị Quốc Minh hiện đang giảng dạy môn Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Văn tại Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG HCM. Cô có nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học, các Hội thảo Khoa học về vấn đề vận dụng và đổi mới phương pháp giáo dục được đông đảo học sinh và giáo viên quan tâm. Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 vừa qua, tất cả các trường đều phải dạy và học trực tuyến thì vấn đề thay đổi phương pháp, cách thức giảng dạy sao cho phù hợp lại càng được quan tâm nhiều hơn.
Chia sẻ với Văn hóa Doanh nhân, cô Quốc Minh chia sẻ: “Cùng với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hầu hết các trường học trên cả nước đang dần chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến. Hàng trăm nghìn giáo viên đang bận rộn chuẩn bị các bài giảng trực tuyến nhằm cung cấp sự hỗ trợ tốt nhất đến người học và điều chúng ta cần ngay bây giờ là những phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả thực sự để ứng dụng vào việc giảng dạy trực tuyến, giúp nâng cao chất lượng học tập, tránh sự mệt mỏi, nhàm chán cho cả người học và người dạy”.
Thời gian qua chúng ta đều nhận ra, khó khăn trước hết thuộc về người dạy/người tổ chức trong việc lúng túng về kỹ thuật thực hiện, hạn chế trong việc sử dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng, sử dụng phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo, thiếu tự tin khi triển khai bài giảng. Bên cạnh đó, nhiều học sinh, sinh viên còn rất khó khăn về mặt phương tiện để có thể tiếp cận được với những bài giảng trực tuyến, điều này chi phối rất lớn đến chất lượng bài giảng. Nhiều phụ huynh học sinh không có khả năng để hỗ trợ được con em mình trong việc học tập trực tuyến vì không ứng dụng được công nghệ thông tin, hoặc vì công việc không có thời gian để tổ chức, quản lý việc học của con em mình ở nhà… Từ những khó khăn này, khi triển khai học tập trực tuyến cho học sinh, các địa phương, các nhà trường và bản thân mỗi thầy cô giáo cần có những giải pháp để “gỡ khó”, triển khai có hiệu quả công việc này.
Khi được hỏi về “những lưu ý” khi dạy trực tuyến thì TS. Nguyễn Thị Quốc Minh chia sẻ:
Một là, hãy tạo các slide bài giảng thật cẩn thận từ hình thức đến nội dung với phương châm Đủ – Đúng – Đẹp!
Hai là, chỉn chu trang phục. Nhiều giáo viên mắc sai lầm khi cho rằng dạy online thì không cần phải quá chú trọng đến trang phục và điều này đã gây ra những “sự cố trang phục” đáng tiếc. (Mình thì vẫn tiêu chí trang phục khi đứng lớp là áo dài dù lớp học truyền thống hay lớp học online) – Cô Quốc Minh chia sẻ thêm.
Ba là, hãy chuẩn bị một tinh thần thoải mái nhất. Bởi dạy thông qua thiết bị máy móc thì ít hay nhiều cũng sẽ có sự cố từ người dạy, người học do nhiều lí do khác nhau. Những lúc như vậy chúng ta rất dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, nổi cáu… Tâm lí này sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giờ dạy học nên người giáo viên cần chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng nhất để ứng phó những sự cố ngoài ý muốn.
Bốn là, nếu giáo viên phải quay video để chiếu cho học sinh, sinh viên xem thì hãy ưu tiên cho những video ngắn. Các video dài hơn 15 phút có thể gây ra sự cố tải xuống chậm và người học mất tập trung. Nếu nội dung bài giảng khá dài, hãy quay hai hoặc ba video ngắn sẽ dễ thu hút sự chú ý của người xem hơn.
Những cách thức giảng dạy, những lưu ý thuộc về kinh nghiệm thực tế mà cô Quốc Minh đã đưa ra là những cách thức đơn giản nhưng hiệu quả, dễ ứng dụng việc giảng dạy trực tuyến, giúp các em học tập tốt hơn và giáo viên có một tâm thế chủ động, thoải mái hơn.
Văn chương là “vốn liếng” để thực hành trong đời sống
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng ở nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực giáo dục cũng không ngoại lệ và việc giảng dạy văn học không nằm ngoài bức tranh chứa đựng sự biến chuyển có nhiều ý nghĩa đó (cả thuận lợi lẫn khó khăn).
“Giảng dạy văn chương ngày nay, theo tôi, không đơn thuần chỉ là công việc rao giảng những giá trị nghệ thuật của các tác phẩm trong phạm vi của những trang sách, mà cao hơn nữa là cần tạo ra một cơ chế để người học có thể sử dụng văn chương như là một kỹ năng của đời thường, một trong những vốn liếng để thực hành trong đời sống… Chúng ta làm sao để các em thấy được rằng: Càng là thời đại công nghệ thì sự cần thiết của việc phát triển toàn diện một con người càng trở nên quan trọng, cấp bách. Trong đó, môn Văn và việc học Văn đóng một vai trò không hề nhỏ trong sự định hình và phát triển tình cảm tích cực, nhân văn góp phần vào sự phát triển và hoàn thiện nhân cách” – Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Thị Quốc Minh về việc dạy học Văn hiện nay.
Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi nhiều lĩnh vực, ngành nghề và quan niệm của con người về nghề nghiệp… Chúng ta có cảm giác như “văn chương lâm nguy” nhưng kì thực không một lĩnh vực nào trong cuộc sống thiếu vắng sự hiện diện của văn chương, cho dù đó là công nghệ tân tiến, hiện đại nhất. Vấn đề là chúng ta phải dạy làm sao và học như thế nào. TS. Nguyễn Thị Quốc Minh khẳng định: “Người giáo viên dạy văn cần làm sáng rõ vấn đề này và khơi dậy những tình cảm trong sáng, những suy nghĩ và hành động mang tính nhân văn cùng những nỗ lực sáng tạo từ người học để quá trình vận dụng văn chương vào cuộc sống trở thành một nhu cầu tự thân, bức thiết và tất yếu. Cuộc sống sẽ tẻ nhạt vô cùng nếu không được văn chương điểm tô và văn chương sẽ sáo rỗng vô hồn nếu không lấy cuộc sống, con người làm chất liệu. Bởi cuộc sống chính là nơi xuất phát cũng chính là đích đến của văn chương.”.
Nguyễn Thị Quốc Minh cũng nhận định rằng: “Học sinh ngày nay không còn là những người học thụ động chỉ biết tiếp nhận kiến thức một chiều, mà họ đầy chủ động khi tiếp cận với kho tri thức mênh mông trên Internet và các phương tiện hỗ trợ hiện đại khác. Vì thế người dạy cũng không còn là người độc quyền truyền thụ kiến thức, mà là người đang cùng các em khám phá, tìm hiểu thế giới bao la đầy bí ẩn và quyến rũ của văn chương… Chính vì vậy, người dạy không những phải cập nhật kiến thức liên tục, không ngừng nâng cấp làm mới vốn kiến thức của bản thân mà còn phải biết đặt mình vào vị trí của các em để dễ dàng đồng hành cùng các em trong hành trình khám phá, chiếm lĩnh tri thức”.
Nữ tiến sĩ trẻ tài năng và tâm huyết
Bên cạnh những nghiên cứu có liên quan đến phương pháp dạy học Văn thì TS. Nguyễn Thị Quốc Minh cũng dành nhiều thời gian và tâm sức để nghiên cứu các vấn đề của cộng đồng LGBT. Cô đã có nhiều bài đăng trên các tạp chí khoa học, đăng trong các Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế về người LGBT. Nội dung nghiên cứu này của cô được đánh giá là mang tính xã hội, có ý nghĩa thực tiễn và đầy tính nhân văn. Bởi vì hiện nay cái nhìn của xã hội về người LGBT đã khá cởi mở, tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp định kiến, phân biệt đối xử… gây cho người LGBT nhiều khó khăn. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp là người LGBT cũng “làm lố” gây ra sự mất thiện cảm từ cộng đồng người dị tính, từ đó dẫn đến những định kiến càng khắc sâu hơn. Đó là một trong những vấn đề nổi bật mà cô quan tâm và trăn trở. Những bài nghiên cứu của cô được thể hiện dưới góc độ khoa học và nhân văn, được nhiều người quan tâm và tìm đọc. Hiện nay cô cũng là một trong những chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu lĩnh vực này. Cô được nhiều đơn vị, tổ chức mời báo cáo các chuyên đề liên quan đến giới và người LGBT. Tháng 11/2021 cô được mời tập huấn cho “Khóa đào tạo giảng viên nguồn (TOT) về cung cấp dịch vụ an toàn và thân thiện cho trẻ em và thanh thiếu niên LGBT” do tổ chức SCI tài trợ.
Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu cũng như những ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này, cô cười nhẹ nhàng, giọng đầy tình cảm và rất tự tin khi nói “Những gì mình làm xuất phát từ tim thì sẽ không ngại khi gặp phải niềm cay đắng!”. Chúng tôi vô cùng ấn tượng với nụ cười ấm áp, giọng nói nhẹ nhàng, khuôn mặt tự tin và cuốn hút của cô khi trò chuyện. Vì thế chúng tôi cũng không ngạc nhiên khi biết rằng từ khi còn là sinh viên cô đã từng đạt nhiều giải thưởng liên quan đến nhan sắc (nhưng cuối cùng cô vẫn chọn con đường làm khoa học), điều đó càng làm cho chúng tôi thêm trân quý và ngưỡng mộ cô.
Nguyễn Thị Quốc Minh đang ấp ủ rất nhiều dự định và kế hoạch mới, cô tâm sự: “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội, vì vậy tôi muốn dành nhiều thời gian tuổi trẻ của mình để học tập, nghiên cứu, làm những điều tôi yêu thích, những điều có ý nghĩa, giá trị cho chính bản thân tôi và góp một phần ý nghĩa, lợi ích cho cộng đồng”.
Chúng tôi tin rằng những nghiên cứu và những dự định sắp tới của cô sẽ luôn là những điều có giá trị mà cộng đồng mong đợi. Xuân mới 2022 sắp đến, kính chúc cô cùng gia đình thật nhiều sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc!
Trúc Đài – Như Quân