VHDN – Có thể nói, bất cứ ai đã từng gặp chị – Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh, đến khi gặp lại sẽ khẳng định rằng lúc nào chị cũng rạng rỡ, tươi tắn như hoa mùa xuân cùng nụ cười luôn tỏa nắng trên môi là điểm đặc biệt lôi cuốn người đối diện. Nữ tiến sĩ luôn tâm niệm rằng “Văn học là nhân học”.
Luôn tự làm mới mình một cách tích cực
Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh không chỉ làm tốt công tác chuyên môn với việc giảng dạy tại Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM mà chị còn dành nhiều thời gian để đầu tư viết bài nghiên cứu khoa học (đăng trên các tạp chí khoa học), tham dự các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Chị luôn tìm tòi, làm mới mình và gần đây nhất, chị đã cho ra đời cuốn sách “Trà sữa cùng Gen Z”. Cuốn sách như một minh chứng, khẳng đi cho những nỗ lực của chị trong những năm vừa qua, cống hiến với nghề, truyền đạt kiến thức cho nhiều thế hệ sinh viên với đam mê và trách nhiệm của người thầy luôn được đặt lên trên hết. Cũng vì trách nhiệm, tâm huyết với nghề, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh không chỉ làm tốt công tác giảng dạy, chị còn thay đổi cách truyền đạt cảm thụ văn chương đến sinh viên bằng cuốn sách nhẹ nhàng, dễ thương và gần gũi.
Chị chia sẻ về cuốn “Trà sữa cùng Gen Z” rằng: đây là cuốn sách đặc biệt dành cho những bạn trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại khá đầy đủ về mọi thứ vật chất nhưng lại dễ đối mặt với những khủng hoảng về tinh thần. Là thế hệ bị “mang tiếng” rất nhiều, nhưng thực ra các cô cậu gen Z ấy cũng có lắm nỗi niềm, nhiều tâm sự. Là người có cái may mắn được tiếp xúc nhiều với các bạn gen Z (thông qua công việc giảng dạy và báo cáo tập huấn các chuyên đề) nên mình hiểu được những điều đó và “Trà sữa cùng Gen Z” ra đời như những lời tâm sự, động viên và sẻ chia kinh nghiệm với các bạn bằng một giọng nhẹ nhàng, tình cảm đôi khi pha chút hài hước. Hơn thế, cuốn sách còn như một tuyển tập “xử lí các tình huống SOS” mà bạn có thể gặp phải trong cuộc sống như tình bạn, tình yêu, việc học, việc làm hoặc những vấn đề về ước mơ, hoài bão…
Bìa cuốn “Trà sữa cùng Gen Z” và triết lý sống mà tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh muốn gửi gắm đến bạn đọc
Từ những chia sẻ trên, khi tiếp cận với cuốn “Trà sữa cùng Gen Z”, chúng ta sẽ thấy cuốn sách giúp người đọc tăng thêm sự tin tự, sức mạnh nội tại (có thể bạn sẽ thấy thế giới không phải toàn màu hồng nhưng lại giúp bạn có thêm niềm tin vào việc chính bạn sẽ tô điểm rực rỡ cho thế giới quanh mình).
Chẳng hạn như khi tâm sự với Gen Z về chuyện tình cảm thì chị nói: Người thật sự yêu bạn, trân trọng bạn sẽ không để cho bạn phải bị thiệt thòi hay phải mang cảm giác bất an, hoang hoải. Người thật sự yêu bạn, chân thành với bạn nhất định sẽ bảo vệ bạn, bảo vệ tình yêu của bạn và mang đến cho bạn cảm giác bình yên nhất. Nếu như không phải như thế thì mình mong bạn hãy chậm lại, đặt lý trí vào chuyện tình cảm này để suy xét. Có thể trái tim sẽ cần nhiều thời gian hơn để chấp nhận những chuyện mà lý trí đã biết lâu rồi, nhưng nói như thế không có nghĩa là cho phép trái tim quyết định tất cả, bạn nhé! Lắng nghe trái tim nhưng luôn có sự soi sáng của lý trí, bạn nhé!
Tràn đầy năng lượng – Yêu mình, yêu người và yêu đời
Cô giáo trẻ vừa là một giảng viên đại học có trách nhiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh còn là một báo cáo viên chuyên nghiệp về kỹ năng sống, chị thật sự rất bận rộn với lịch làm việc hàng ngày. Và khi cuốn sách “Trà sữa cùng Gen Z” ra đời, mọi người càng tò mò, thắc mắc không biết thời gian đâu, năng lượng nào giúp chị có thể giải quyết tốt nhiều việc cùng lúc như thế. Chị đã cười và nói rằng: Chất xúc tác để giúp chị viết và xuất bản cuốn sách “Trà sữa cùng Gen Z” chính là từ những sinh viên, học sinh của chị. Từ trong guồng quay không ngừng nghĩ của công việc buộc chị phải tự làm mới mình từ trong suy nghĩ, trong cuộc sống… và cuốn sách đã ra đời.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh tại buổi ra mắt sách “Trà sữa cùng Gen Z”
Như chúng ta đã biết, trong giai đoạn bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số, của thông tin và truyền thông đại chúng, người ta kỳ vọng và gắn cho các bạn trẻ nói chung, thế hệ gen Z nói riêng những tính từ thật mỹ miều như năng động, trẻ trung, dám nghĩ dám làm, thay đổi thế giới, định hướng tương lai… Tưởng chừng đó sẽ là biểu hiện của sự hòa nhập, của lối sống lạc quan, nhưng chỉ cần ngắt wifi, tắt màn hình, ngưng kết nối… chúng ta mới nhận ra đó chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Nói cách khác, sự kỳ vọng lớn luôn đi kèm với áp lực, cô đơn.
Thực tế đang diễn ra, có nhiều bạn trẻ gen Z ngại đối mặt, ngại giao tiếp và rồi tự ném mình vào thế giới ảo để bộc bạch bản thân. Một lớp “mặt nạ” vững chắc được tạo ra để bảo vệ cho phần yếu mềm, chẳng dám thể hiện. Đến khi trở về với thế giới thực, gen Z có lẽ còn cảm thấy áp lực hơn gấp trăm nghìn lần: Họ lo lắng khi phải bước ra khỏi vùng an toàn để hòa vào với môi trường mới, họ hoang mang với việc phải gồng mình để học làm quen với thế giới bao la của người lớn… Tất cả những cảm xúc đó cứ xáo trộn và đeo bám đến đáng sợ. Các bậc cha mẹ thì càng lúc càng dành thời gian cho con ít đi (vì hầu như người lớn nào cũng bị áp lực công việc) đồng nghĩa với việc những đứa trẻ sẽ phải tự giải quyết những vấn đề của mình mà không có sự trợ giúp đến từ người lớn. Sự thấu cảm thì ít nhưng sự kỳ vọng và so sánh với “con nhà người ta” để ép con nhà mình phải cho bằng hoặc hơn thì rất nhiều… Và thế là chỗ dựa tinh thần cuối cùng cũng mất đi, cánh cửa phòng đóng lại, cánh cửa lòng cũng vì thế mà kiên cố hơn. Các bạn trẻ gen Z đang gặp phải vấn nạn là cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, cô đơn trên mạng xã hội dẫu tài khoản có rất nhiều bạn bè và các bạn có xu hướng căng thẳng, trầm cảm, có suy nghĩ tự tử thậm chí thực hiện hành vi tự tử…
Vì hiểu được những điều đó, cảm thấy vừa thương vừa lo, muốn được cùng các bạn tâm sự để giải tỏa những tổn thương, vuốt ve vỗ về những cơn đau không gọi thành tên của các bạn nên Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh đã viết “Trà sữa cùng Gen Z”. Tác giả hy vọng thông qua tác phẩm có thể góp phần “chữa lành” cho các bạn gặp phải vấn đề như Tiến sĩ đã tâm sự.
Gây ấn tượng bằng sự duyên dáng và hài hước
Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh luôn rạng rỡ, duyên dáng tại tất cả các sự kiện
“Trà sữa cùng Gen Z” là cuốn sách đầu tay của tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh theo đúng nghĩa văn chương, nó chứa đựng nhiều sự thấu cảm, thương yêu và nhiều năng lượng tích cực được trao đến các bạn trẻ. Sau “Trà sữa cùng Gen Z” tiến sĩ chắc chắn sẽ xuất bản thêm cuốn thứ hai, thứ ba… Điều đó rất có thể xảy ra hoặc không xảy ra, nhưng với một cô giáo trẻ mang trong mình nhiều nhiệt huyết, đam mê và sáng tạo thì dù làm công việc gì chị cũng rất hết lòng, tận tụy. Đó cũng là cách để chị nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề và là cách truyền đạt kiến thức Văn học đến sinh viên của mình hiệu quả nhất. Tiến sĩ từng nói rằng mình không phải là nhà văn chuyên nghiệp, chỉ là một người lãng mạn, yêu văn chương và thích viết lách như một kiểu sẻ chia, tâm tình. Và đó cũng là một cách tự chữa lành, tự bảo toàn và phát triển năng lượng bản thân theo hướng tích cực. Vì lí do đó, tiến sĩ không bao giờ đặt mục tiêu xuất bản sách theo kiểu “đơn đặt hàng”. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tiến sĩ Quốc Minh đang có dự định viết tiếp một quyển với nội dung ghi lại “thanh xuân vườn trường” – nơi đã ấp iu, cất giữ những kỉ niệm tuổi học trò của chính tác giả và bạn bè. Bởi đó không chỉ là kỉ niệm của riêng thế hệ gen Y, của riêng thế hệ 8X, mà ai đọc cũng có thể nhìn thấy hình ảnh bản thân cùng cả một trời thương nhớ trong ấy!
Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh cùng các sinh viên tại buổi ra mắt “Trà sữa cùng Gen Z”
Như những gì Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh đã chia sẻ, văn chương, sáng tác văn học chỉ là cuộc dạo chơi để tác giả giải tỏa đam mê, tìm kiếm phương pháp dạy học tốt nhất, tiếp cận tâm lí sinh viên mình giảng dạy. Nên việc tiếp tục cho ra đời những đứa con tinh thần tiếp theo vẫn còn trong vòng bí mật. Mỗi cuộc trò chuyện, mỗi câu trả lời của tiến sĩ luôn ẩn đằng sau là nụ cười rạng rỡ, cùng với đó là những câu chuyện hài hước, dí dỏm, lôi cuốn người đối diện, và đó cũng là cách để cô giáo Quốc Minh chiếm được cảm tình của sinh viên bao năm qua.
Mãi là đóa hoa tỏa sắc tỏa hương
Cảm nhận từ lần gặp đầu tiên của chúng tôi và cũng là cảm nhận của nhiều sinh viên về tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh: Cô ấy lúc nào rạng rỡ, xinh tươi trong sự tự tin và thân thiện. Luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng người đối diện. Đã có rất nhiều báo, tạp chí viết bài phỏng vấn, phóng sự về giảng viên, Tiến sĩ trẻ Nguyễn Thị Quốc Minh với những “biệt danh” rất thân thương “Giảng viên Idol”. Không dễ gì được có được sự hâm mộ từ người khác đối với bản thân, và Tiến sĩ Quốc Minh vẫn luôn nhớ câu “Anh không muốn áp lực phải là thần tượng của một ai/ Vì điều đó sẽ biến anh thành người khác vào một mai” của rapper Đen Vâu.
Tiến sĩ luôn tâm niệm rằng phải cố gắng làm sao để có thể trở thành người có nguồn năng lượng đẹp và lan tỏa nguồn năng lượng tích cực ấy đến với người học, người đọc, người nghe của mình. Tiến sĩ hay tự nhủ bản thân hoặc như tâm sự với bạn bè rằng: Nếu như hôm nay bạn không thấy có gì vui cả, vậy thì hãy thử buông bỏ một, một vài nỗi buồn đi nào. Chỉ cần như vậy thôi thì cũng coi như “sống có lãi” rồi đấy. Cuộc sống vốn dĩ phức tạp, bạn không thể nào nhặt hết “rác” cho người ta được, mà chỉ có thể cố gắng dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất lòng mình thôi. Mong rằng bạn không bao giờ phải ganh tỵ hay so sánh bản thân mình với sự thành công của bất kì một ai đó. Bởi lẽ bạn sẽ không thể biết họ đã phải trải qua những gì, họ có những áp lực nào trong đời sống. Về cơ bản, một người có thành tựu trong cuộc sống tất yếu phải trải qua một khoảng thời gian nỗ lực rất dài, rất nhiều. Vì thế, việc bạn cần làm là giữ niềm tin, quyết tâm tôi luyện chính mình. Đến một ngày, bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn, trở thành niềm mơ ước của người khác – như cách bạn đang ngước nhìn một ai đó ở hiện tại.
Là một giảng viên đại học, được nhiều sinh viên yêu mến, cô giáo luôn cố gắng để hoàn thiện mình, để mình luôn là chính mình và cố gắng để không phải so sánh với một ai đó. Tiến sĩ luôn cố gắng, phấn đấu không ngừng trong công tác giảng dạy, nghiên cứu để luôn là đó hoa tỏa hương, sáng rực lộng lẫy theo cách riêng của mình.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh cùng học sinh trường THCS An Phú Đông
Ai cũng có ước mơ, có mục tiêu để hướng đến phía trước, tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh cũng có những dự định cho tương lai: không cho phép bản thân dừng lại ở điểm nào, cố gắng tiếp tục phát huy những điều tích cực mà mình đã làm được, đồng thời cũng tự tu dưỡng bản thân, học thêm nhiều khóa học hay trong và ngoài nước để có thể phục vụ tốt nhất cho công việc. Đặc biệt tiến sĩ nhận thức được đã là người phụ nữ, như một đóa hoa, đã là hoa thì lúc nào cũng phải tỏa sắc tỏa hương – và cô giáo trẻ không được phép dừng điều ấy lại. Những việc tiến sĩ đã làm, trải qua là bước đệm để chị luôn luôn cố gắng tiến về phía trước, luôn làm mới bản thân và đặc biệt là luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với văn học, để người học ngày càng yêu môn học này hơn, bởi “Văn học là nhân học”.