Với nỗ lực phát huy triệt để mọi tiềm năng lợi thế sẵn có cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; sự quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban quản lý các KCN tỉnh, bức tranh thu hút đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tín hiệu vui này sẽ tạo động lực để các KCN Bình Thuận tiếp tục hoàn thiện mình, không ngừng gia tăng sức hấp dẫn để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước tin tưởng tìm đến.
Điểm đến mới tiềm năng
Giai đoạn 2015 – 2020, Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển 9 KCN với tổng diện tích 3.003 ha; hiện 6 KCN đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng với tổng diện tích 1.093 ha và 3 KCN đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với diện tích 1.910 ha.
Mặc dù là địa phương có ngành công nghiệp xuất phát chậm, điều kiện phát triển công nghiệp kém thuận lợi so với các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam song Bình Thuận cũng sở hữu những lợi thế nhất định trong thu hút đầu tư. Cụ thể tỉnh có nguồn nguyên liệu khoáng sản dồi dào và đa dạng đáp ứng nhu cầu hoạt động chế biến, sản xuất công nghiệp; trong đó nổi bật là trữ lượng lớn về quặng titan trên 500 triệu tấn phân bố tập trung, hàm lượng zircon trong quặng cao. Ngoài ra Bình Thuận còn có diện tích đất nông nghiệp lớn, trên 362.176 ha với các loại cây trồng lâu năm như cao su (sản lượng trên 46.000 tấn/năm), thanh long (sản lượng trên 450.000 tấn/năm)…tạo nguồn nguyên liệu chất lượng tốt đảm bảo nhu cầu đầu tư phát triển công nghiệp chế biến quy mô lớn; có diện tích đất lâm nghiệp lớn trên 344.355 ha, trong đó có 172.735 ha rừng sản xuất, cung cấp trữ lượng gỗ khoảng 353 triệu m3/năm phục vụ nhu cầu sản xuất các sản phẩm từ gỗ.
Là một trong những ngư trường lớn nhất của cả nước (52.000 km2), Bình Thuận sở hữu tiềm năng rất lớn về khai thác hải sản với trữ lượng khoảng 240.000 tấn, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 197.000 tấn. Cùng với đó là hơn 4.100 ha mặt nước phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản các loại, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ phát triển công nghiệp chế biến. Ngoài ra lợi thế thu hút đầu tư của Bình Thuận còn nằm ở nguồn lao động phổ thông tại chỗ dồi dào, trẻ khỏe, chi phí nhân công thấp hơn các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; điều kiện khí hậu ôn hòa và ổn định quanh năm, giảm thiểu các rủi ro do thiên tai gây ra cho nhà đầu tư; chi phí đầu tư thấp….
Tích hợp những lợi thế nêu trên cộng hưởng cùng tinh thần cầu thị của lãnh đạo tỉnh, những cải cách hành chính triệt để mang lại nhiều cảm hứng cho nhà đầu tư đã giúp tỉnh Bình Thuận nói chung, các KCN trên địa bàn tỉnh nói riêng thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước đến tìm hiểu, hợp tác đầu tư. Lũy kế đến nay các KCN tỉnh thu hút được 69 dự án thứ cấp (46 dự án đầu tư trong nước, 23 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư 3.676,35 tỷ đồng và 172,35 triệu USD, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 30%. Riêng năm 2017, các KCN thu hút được 9 dự án với tổng vốn đầu tư 158,8 tỷ đồng và 9,35 triệu USD. Hoạt động của doanh nghiệp trong các KCN không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho gần 10.000 lao động địa phương, nâng cao kim ngạch xuất khẩu mà còn góp phần tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà theo hướng công nghiệp hoá.
Đồng hành cùng doanh nghiệp tiến vào cánh mạng công nghiệp 4.0
Có thể thấy bức tranh thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Bình Thuận đã xuất hiện nhiều “gam màu sáng” và trong thành công ban đầu này có sự góp sức không nhỏ của Ban quản lý các KCN tỉnh. Là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với việc đầu tư và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh nên Ban Quản lý các KCN Bình Thuận luôn nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thường xuyên quan tâm, theo dõi, hướng dẫn và đối thoại với doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình khó khăn vướng mắc, tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp. Định kỳ hằng quý, Ban Quản lý đều mời các ngành chức năng có liên quan họp giao ban cùng với các doanh nghiệp trong KCN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bày tỏ trực tiếp những vướng mắc để tháo gỡ kịp thời. Ngoài ra Ban thường xuyên nhắc nhở, quán triệt CBCC nâng cao trách nhiệm hướng dẫn, phục vụ nhà đầu tư một cách thân thiện, nhiệt tình, tạo điều kiện tối đa để nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính tiện lợi và nhanh nhất.
Đặc biệt để giúp các doanh nghiệp trong KCN nắm rõ xu thế và tận dụng tốt cơ hội, hòa mình cùng thế giới đón đầu cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận đã chủ động tuyên truyền những xu hướng, cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 đến toàn thể doanh nghiệp trong các KCN; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc trang thiết bị, nâng cao trình độ công nghệ, tiến tới nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm đủ sức canh tranh trên thị trường trong cũng như ngoài nước. Đặc biệt, Ban cũng giới thiệu Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh Bình Thuận theo Quyết định số 16/2017/QĐ-UBND ngày 16/5/2017 để các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí, quy định của Chính sách này có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, trong thời gian tới Ban quản lý các KCN Bình Thuận sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan mà Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về phát triển công nghiệp – TTCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã đề ra; trong đó xác định quan điểm về công tác xúc tiến đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đổi mới các hình thức kêu gọi đầu tư, đặc biệt là kêu gọi các dự án FDI trong thời kỳ tiếp cận và ứng dụng tiến bộ cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua các hình thức đại diện, các Hiệp Hội, các tổ chức kinh tế… có thương hiệu và thiện chí đầu tư. Thu hút dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch ngành nghề của từng KCN, ưu tiên những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị sản xuất công nghiệp cao, thân thiện với môi trường và chú trọng các dự án chế biến tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm lợi thế của tỉnh như: sản phẩm chế biến từ mủ cây cao su; sản phẩm thanh long chế biến và công nghệ bảo quản quả thanh long; sản phẩm thủy sản chế biến (thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, nước mắm, bột cá, tảo biển …)…. “Trước mắt trong năm 2018, các KCN tỉnh phấn đấu thu hút vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD trên diện tích đất cho thuê khoảng 20 ha, tập trung vào các KCN Phan Thiết 2, Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II, Sông Bình và Tuy Phong”.
Với tinh thần cầu thị của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, nhất là của Ban quản lý các KCN tỉnh cộng hưởng cùng những ưu đãi đầu tư hấp dẫn, cơ chế đầu tư thông thoáng, vững tin ngày càng nhiều các nhà đầu tư sẽ tin tưởng chọn các KCN Bình Thuận làm “bến đỗ”, cùng chung tay xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp, tự tin khẳng định vị thế tại Vùng duyên hải Nam Trung bộ.
PV