Nằm ở trung tâm của vùng, giữa Tp.HCM và cực Nam là Cà Mau; có cảng nước sâu lớn nhất khu vực; nguồn lao động dồi dào; có trung tâm năng lượng điện lớn…Vấn đề còn lại của Trà Vinh là giải pháp hiệu quả để thu hút đầu tư.
Tạp chí VHDN có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Trà Vinh Tô Ngọc Bình thực hiện nhiệm vụ giám đốc.
Ông vui lòng chia sẻ một số kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư vào tỉnh Trà Vinh?
Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh đã cấp mới 66 quyết định chủ trương và giấy chứng nhận đầu tư: 65 dự án trong nước với tổng vốn là 2.027,94 tỷ đồng và 01 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 146,52 triệu USD (21 dự án đi vào hoạt động).
Lũy kế đến nay, tổng số dự án còn hiệu lực là 274 dự án: 236 dự án đầu tư trong nước và 38 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó có 183 dự án trong nước và 22 dự án FDI đầu tư ngoài khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT); 53 dự án trong nước và 16 dự án FDI vào các KCN-KKT.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.087 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 25.009 tỷ đồng; riêng năm 2017 có 359 doanh nghiệp mới được thành lập với vốn đăng ký 1.905 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2018 có 190 doanh nghiệp thành lập mới.
Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đang liên hệ tìm hiểu cơ hội đầu tư về điện gió, điện năng lượng mặt trời, xây dựng nhà máy chế biến trái cây, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN-CCN, KKT…
Điều Ông hài lòng nhất đối với công tác cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh của Trà Vinh là gì, kế hoạch cụ thể của Trà Vinh nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư là như thế nào?
Việc đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công tỉnh Trà Vinh vào ngày 12/4/2018 là một bước ngoặc của tỉnh trong công tác cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh. Với sự tham gia của 14 Sở, Ban, Ngành bao phủ 95 lĩnh vực với hơn 1.140 thủ tục hành chính (TTHC)…đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện các TTHC. Sự ra đời của Trung tâm hành chính công sẽ giúp khắc phục đáng kể chỉ số PCI của Trà Vinh trong thời gian tới.
Chúng tôi đã triển khai những nhiệm vụ đột phá ngay trong năm 2018 như: tinh giản biên chế; khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển gắn với thu hút đầu tư vào KKT Định An; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm; xây dựng chính quyền “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”; tăng cường thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp; thu hút nguồn lực, tăng cường quảng bá, phát triển du lịch.
Giải pháp cụ thể nào là cần thiết nhằm sớm đưa kết quả hội nghị xúc tiến đầu tư (XTĐT) năm 2017 của Trà Vinh đi vào thực tiễn?
Năm 2017, Tỉnh Trà Vinh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch, tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký/Quyết định chủ trương đầu tư và Bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư 31.916,9 tỷ đồng, trong đó vốn FDI chiếm 24.414,5 tỷ đồng. Trà Vinh đã chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ cho nhà đầu tư về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, tháo gỡ vướng mắc khó khăn để doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động.
Nhiều dự án đã đi vào hoạt động như nhà máy sản xuất hàng may mặc Woosung Global Vina, Trung tâm TM-DV giải trí Nguyễn Kim Trà Vinh, nhà máy xử lý rác thải TP. Trà Vinh, nhà ở xã hội phường 4 TP. Trà Vinh, Trường Mầm non quốc tế Việt Anh…
Trà Vinh đã có những nỗ lực như thế nào trong công tác đầu tư hạ tầng phục vụ công tác thu hút đầu tư và định hướng triển khai trong thời gian tới là gì?
Chúng tôi đã tập trung đầu tư một số công trình trọng điểm như mạng lưới đường giao thông nông thôn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các xã nông thôn mới. Tính đến năm 2018, tỉnh đã đầu tư 380 dự án tại các tuyến huyện.
Ngoài ra, tỉnh đã đưa vào khai thác Trung tâm điện lực Duyên Hải, luồng tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, cầu Cổ Chiên; nâng cấp các tuyến quốc lộ 53, 54, 60; đầu tư dự án Định An, phố Đường tỉnh 915B; hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất cây ăn trái tập trung 02 huyện Càng Long, Châu Thành và Tp.Trà Vinh (giai đoạn 1); nâng cấp các hệ thống đê, kè biển, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất; đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị Tp. Trà Vinh, thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải và một số thị trấn quan trọng khác.
Trong giai đoạn sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; tập trung vốn cho các công trình trọng điểm như phòng chống thiên tai, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…thực hiện đề án liên kết vùng của 04 tỉnh Duyên Hải phía Đông (Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang); nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư công; tăng cường xã hội hoá, huy động các nguồn lực và đa dạng hoá các hình thức đầu tư; hoàn thiện các tiêu chí để công nhận đô thị Tiểu Cần đạt loại IV và xã Dân Thành trở thành phường vào năm 2020.
Trà Vinh có chính sách hỗ trợ như thế nào để đạt mục tiêu có 4000 doanh nghiệp vào năm 2020?
Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2018 tỉnh Trà Vinh phát triển 500 doanh nghiệp. Tính đến ngày 03/9/2018 toàn tỉnh đã phát triển 249 doanh nghiệp, giảm 10 doanh nghiệp so với cùng kỳ, đạt 49,8% chỉ tiêu Nghị quyết.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã giao chỉ tiêu cho cấp huyện: tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ cho các hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp khi có đủ điều kiện; các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện các thủ tục cần thiết liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay đã có 30 hộ chuyển lên doanh nghiệp, chiếm 12% số doanh nghiệp thành lập mới.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách TTHC, đơn giản hoá hồ sơ thành lập doanh nghiệp, miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp, đa dạng hoá phương thức đăng ký thông qua các hình thức như đăng ký qua mạng điện tử, nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại Trung tâm hành chính công…
Kiệt Minh