Tin nổi bật

Trò chuyện với Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS): Tận dụng lợi thế từ các FTA đưa thương hiệu Dệt may Việt Nam chiếm lĩnh thị trường quốc tế

2:45 sáng | 26/08/2024

VHDN – Trong bối cảnh trong nước và quốc tế, cũng như trước những cơ hội và thách thức, trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam sẽ phát triển theo hướng hình thành và phát triển chuỗi cung ứng trong nước nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ và tận dụng các FTA đã ký kết, qua đó góp phần tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong nước, dần dần cải thiện năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành dệt may. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng sẽ tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh phù hợp với xu thế tiêu dùng mới.

Diễn đàn Doanh nghiệp/ Văn hóa Doanh nhân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những chia sẻ của Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam về một số xu hướng phát triển chính của ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn tới.         

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Trong những năm vừa qua, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng về xuất khẩu và tạo việc làm, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vấn đề dẫn đến hạn chế sự tăng trưởng mạnh hơn của ngành như: thiếu liên kết giữa các công đoạn sản xuất khác nhau, khó khăn trong tuyển dụng nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc cao. Ông nhận định sao về hạn chế này và Hiệp hội Dệt may có giải pháp gì để khắc phục hạn chế này?

Ông Vũ Đức Giang: Ngành dệt may Việt Nam trong năm 2023 toàn ngành đã xuất khẩu được 40 tỷ Đô la. Đây là một con số hết sức ấn tượng. Bảy tháng đầu năm 2024 toàn ngành đã xuất khẩu được trên 20 tỷ Đô la, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Có ba vấn đề lớn trong định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam:

Thứ nhất, đó là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra động lực về chiến lược, đa dạng cho thị trường dệt may trong nước. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra ba chiến lược trụ cột cho ngành, đó là: (1) đa dạng hóa thị trường, (2) đa dạng hóa đối tượng khách hàng, nhãn hàng, (3) đa dạng hóa sản xuất các mặt hàng. Đây là đi theo xu hướng phát triển toàn cầu. Năm 2023 và bẩy tháng đầu năm 2024 toàn ngành đã xuất khẩu vào 104 thị trường trên toàn thế giới. Đây là động lực và nỗ lực rất lớn của ngành dệt may Việt Nam.

Thứ hai, ngành dệt may Việt Nam đã chịu những áp lực thực tế, đó là phần cung thiếu hụt, trong bối cảnh và tình trạng gặp nhiều thách thức lớn bởi các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đặt ra cho ngành dệt may Việt Nam. Ví dụ như Hiệp định Thương mại tự do CPTPP yêu cầu Yarn Forward, hay Hiệp định EU EVFTA là phải sản xuất từ vải Việt Nam, đây cũng là một hạn chế mà Việt Nam đang phải nỗ lực để thúc đẩy khả năng kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt. Bên cạnh đó, chiến lược xanh hóa của ngành dệt may cần phải thích ứng được đòi hỏi của thị trường các nước nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ. Trong bối cảnh phải xanh hóa, phải tiết kiệm và phải sử dụng các sản phẩm tái chế, sản phẩm Sacal. Đó là những đòi hỏi mà chúng tôi đang phải tập trung để đưa ra các giải pháp trong chiến lược về đầu tư vào hạ tầng, đáp ứng đúng yêu cầu đòi hỏi các nước nhập khẩu.

Thứ ba, giải pháp về công nghệ và tự động hóa, xanh hóa. Ngành dệt may Việt Nam cũng đã và đang thúc đẩy khả năng để thích ứng được đòi hỏi về lao động. Do vậy ngành phải có một nguồn lực lao động có khả năng, có tay nghề tốt và đầu tư vào thiết bị công nghệ tự động hóa. Chúng ta phải có dây chuyền sản xuất, từ công nghiệp sợi dệt, nhuộm và may, đáp ứng yêu cầu đòi sự phát triển về năng suất lao động, về chất lượng và về thời gian giao hàng ngắn cho các nhãn hàng.

Ngành công nghiệp dệt may đang trong bối cảnh hội nhập của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), xin ông cho biết những hiệp định này có tác động như thế nào đối với các nhà đầu tư vào ngành?

Ông Vũ Đức Giang: Trong 19 Hiệp định thương mại thì chúng ta đã có 16 Hiệp định có hiệu lực. Tôi cho rằng đây là động lực và lực hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào các nguồn cung thiếu hụt. Trong mấy năm vừa qua, đặc biệt là năm 2023, bảy tháng đầu năm 2024, những doanh nghiệp đầu tư vào phần nguồn cung hụt đã thúc đẩy rất nhanh. Chính điều đó đã tạo được nguồn nguyên liệu đầu vào, hạn chế được phần nhập khẩu hàng năm và con số đó rất rõ rệt. Tôi cho rằng đây là lực hấp dẫn rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam và các nhà đầu tư bên FDI, hay nhà đầu tư trong nước đầu tư vào phân khúc này. Bên cạnh đó, phù liệu là một trong những ngành công nghiệp chúng ta đã đầu tư trong nhiều năm qua, và hiện nay chúng ta đã xuất khẩu không chỉ sản phẩm may mặc mà còn xuất khẩu cả vải, sợi, các loại phụ liệu may. Chúng ta xuất khẩu cả các sản phẩm về vải địa kỹ thuật, vải cho làm lốp ô tô, làm lốp xe máy, vải làm đường… đấy là những sản phẩm chủ lực mà chúng ta đang xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.

Từ áp lực thực tế, các nhà đầu tư còn nhìn thấy cơ hội của Việt Nam từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Các nhà đầu tư đã đồng hành cùng với chuỗi liên kết trong chiến lược phát triển, từ công nghiệp kéo sợi dệt nhuộm và công nghiệp may. Đấy là động lực mà tôi cho rằng là chúng ta đã thành công trong thời gian vừa qua và nó sẽ tiếp tục là giải pháp trong thời gian tới để ngành dệt may Việt Nam thích ứng được yêu cầu đòi hỏi từ các nước nhập khẩu.

Ông nghĩ sao về việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp ngành dệt may dựa trên ESG hướng tới người tiêu dùng thông minh mới?

Ông Vũ Đức Giang: Trong các giải pháp của ngành dệt may Việt Nam hội nhập toàn cầu, chúng tôi đặc biệt chú ý đến văn hóa của người tiêu dùng. Văn hóa tiêu dùng toàn cầu hiện nay thay đổi rất nhanh. Có 3 đặc điểm lớn trong văn hóa tiêu dùng hiện nay:  Thứ nhất, người tiêu dùng đòi hỏi các sản phẩm mà các design thiết kế phải thích ứng được yêu cầu về phong cách, gu ăn mặc của mỗi nước, của mỗi nền văn hóa khác nhau; Thứ hai, sản phẩm may mặc phải có tính ứng dụng cao và bền vững cho người tiêu dùng. Bởi vì, ngành thời trang bền vững là giảm thải ra môi trường. Những sản phẩm hiện nay phần lớn không mang lại tính bền vững, không tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào, hóa chất thuốc nhuộm còn sử dụng quá nhiều. Vì vậy, đây là vấn đề mà ngành dệt may Việt Nam cần phải thích ứng; Thứ ba, là sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu về sự xanh hóa. Chúng tôi hiện đang đầu tư vào hạ tầng liên quan đến vấn đề xanh hóa, cũng như sự bền vững trong môi trường làm việc cho người lao động. Và đặc biệt là đầu tư vào năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng nguồn nước. Đây là trách nhiệm không chỉ của riêng ngành dệt may mà còn là trách nhiệm chung của các nhà sản xuất Việt Nam phải thích ứng để đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng toàn cầu.

Giải pháp nào để thúc đẩy hơn nữa người tiêu dùng Việt sử dụng các sản phẩm dệt may Việt Nam thưa ông?

Ông Vũ Đức Giang: Tôi cho rằng, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong nhiều năm qua. Đây là chủ trương rất đúng đắn và thích ứng kịp thời với yêu cầu của thị trường nội địa. Chúng ta phải làm công tác truyền thông trong lĩnh vực này. Các nhà sản xuất Việt Nam phải đồng hành với các cơ quan truyền thông, báo chí để tiếp tục đẩy mạnh việc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các nhà sản xuất, thiết kế thời trang phải cho ra đời những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về phát triển thời trang nhanh, thời trang bền vững và phù hợp với vùng miền văn hóa của thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt là sản phẩm đó phải phù hợp với xu thế thời trang toàn cầu, bắt kịp cái xu thế tiêu dùng của lớp trẻ trong nước.  Thế hệ trẻ Việt Nam chính là nền tảng để kết nối, tạo dựng sự phát triển cho ngành thời trang Việt Nam trong tầm nhìn 2025 – 2030 và 2035 – 2040.

Để phát triển bền vững thì hiện nay ngành dệt may Việt Nam cần hỗ trợ và có chiến lược hành động gì thưa ông?

Ông Vũ Đức Giang: Có 3 vấn đề lớn mà Hiệp hội Dệt may Việt Nam luôn đồng hành với các doanh nghiệp ngành dệt may. Thứ nhất, chúng tôi thúc đẩy khả năng thích ứng được với yêu cầu đòi hỏi của những doanh nghiệp đang phát triển trong sự kết nối, liên kết chuỗi. Thứ hai, là chuỗi liên kết đó kể cả doanh nghiệp đi trước, doanh nghiệp tầm cỡ và cả các doanh nghiệp mới thành lập đều là nền tảng mà chúng tôi luôn tạo dựng. Khả năng kết nối cho các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp mới thành lập là một trong những điều mà chúng tôi đang thúc đẩy, đồng thời điều đó đã tạo ra bài học kinh nghiệm dẫn tới những thành công trong thời gian vừa qua.

Từ những doanh nghiệp đi trước, những doanh nghiệp có tầm chiến lược, có kinh nghiệm và khả năng quản lý tốt, quy mô lớn, đã ứng dụng thành công những công nghệ mới vào hoạt động, có các giải pháp về tự động hóa sẽ là những nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp trẻ mới ra đời có thêm những bài học kinh nghiệm và tạo dựng nên chuỗi kết nối trên thị trường rất thành công.

Vấn đề thứ ba mà theo tôi không có đường nào khác, là giải pháp của ngành dệt may Việt Nam đó là luôn luôn đồng hành với các cơ quan truyền thông báo chí. Có sự ủng hộ từ các cơ chế, chính sách của Nhà nước phù hợp với xu thế phát triển. Hiện nay, để thúc đẩy cho các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp mới thành lập phát triển, thì các doanh nghiệp đi trước phải tạo ra được nền tảng đưa thương hiệu ngành dệt may Việt Nam không chỉ thành công ở thị trường trong nước, mà ra thị trường toàn cầu trong tầm nhìn 2025-2030 và 2035 – 2040.

Trân trọng cảm ơn ông đã tham gia buổi trò chuyện cùng Văn hóa Doanh nhân. Chúc ông luôn mạnh khỏe và tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trên con đường dẫn dắt Hiệp hội Dệt may Việt Nam hội nhập toàn cầu.

Thực hiện: Phạm Tiến Dũng