Trường Đại học Tây Nguyên được thành lập theo Quyết định số 298/CP ngày 11/11/1977 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ). Chặng đường 42 năm dựng xây và phát triển là chừng đó thời gian Nhà trường nỗ lực phấn đấu, cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người” cao quý, vươn lên trở thành “cái nôi” về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của khu vực Tây Nguyên và cả nước.
Sinh viên Khoa Y – Dược Trường Đại học Tây Nguyên thực hành trên máy
Lấy chất lượng đào tạo làm trọng
Hiện nay Trường Đại học Tây Nguyên là một trong ba trường Đại học công lập có thương hiệu về đào tạo đa ngành ở miền Trung Việt Nam; được xếp vào nhóm trường đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất của vùng Tây Nguyên. Trải qua 42 năm phát triển, Trường Đại học Tây Nguyên không ngừng trưởng thành và lớn mạnh cả về quy mô, lĩnh vực đào tạo lẫn trình độ, chất lượng đào tạo. Nếu như thời điểm mới thành lập, Trường chỉ có 6 chuyên ngành đào tạo của 4 khoa thì hiện tại đã phát triển lên 9 khoa đào tạo với 36 ngành trình độ Đại học, 8 ngành Cao đẳng, 11 ngành liên thông từ Cao đẳng lên Đại học chính quy, 18 ngành hệ vừa làm vừa học. Ngoài ra Trường cũng đang đào tạo 14 ngành sau Đại học.
Biểu trưng cho chất lượng đào tạo của Trường Đại học Tây Nguyên chính là đội ngũ cán bộ giảng viên giàu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao gồm 449 người (1 Giáo sư, 20 Phó giáo sư; 81 tiến sĩ; 2 Bác sĩ chuyên khoa II; 7 Bác sĩ chuyên khoa I; 272 thạc sĩ; 21 giảng viên cao cấp; 86 giảng viên chính…). Chương trình, nội dung đào tạo của Trường được định hướng theo chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia; các chuyên ngành đào tạo thực hiện theo phương thức đào tạo tín chỉ với cấu trúc chương trình mềm dẻo, có tính liên thông giữa các ngành học, bậc học, qua đó giúp HSSV được chủ động và thuận tiện hơn khi theo học. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động của HSSV trong học tập, đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu xã hội, đáp ứng nguồn nhân lực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc dạy và học, đảm bảo đúng kế hoạch, quy chế và công bằng trong đào tạo; đổi mới cơ chế quản lý, tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế…
Không chỉ nỗ lực mở rộng quy mô, ngành nghề đạo đào tạo gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Tây Nguyên còn tăng cường hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và thành quả là sự ra đời của nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, Trường đã triển khai 1 đề án cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 16 đề tài cấp Bộ và tương đương, 5 đề tài cấp tỉnh; thực hiện 4 dự án hợp tác quốc tế, 39 dự án trong nước và các chương trình tư vấn kỹ thuật; công bố 101 bài báo quốc tế… Nhà trường đã và đang hợp tác, trao đổi học thuật với các trường đại học của các quốc gia: Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Úc, Indonesia…
Riêng năm học 2018 – 2019 vừa qua, Trường Đại học Tây Nguyên triển khai dự án do các tổ chức nước ngoài tài trợ như: “Phát triển liên kết chuỗi giá trị để cải thiện hệ thống sản xuất sắn quy mô nhỏ ở Việt Nam và Indonesia”; “Nghiên cứu phương pháp sử dụng đa dữ liệu trong báo bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Đắk Nông, Tây Nguyên, Việt Nam”; “Nâng cao hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nhằm tăng cơ hội việc làm và kỹ năng khởi nghiệp cho SV sau khi ra trường V2WORK”; “Nông nghiệp bền vững – SFARM”. Hiện Nhà trường cũng đang tham gia vào mạng lưới Một sức khỏe (VOHUN), đã đưa vào giảng dạy lồng ghép và có nhiều đóng góp cho mạng lưới tại Việt Nam và khu vực. Hoạt động của các dự án không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với Trường Đại học Tây Nguyên về công tác đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy và đội ngũ cán bộ mà còn góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đắk Lắk theo hướng bền vững.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên đánh trống khai giảng năm học mới
Nhiều quyết tâm trong năm học mới
Với nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, chặng đường 42 năm dựng xây và phát triển, Trường Đại học Tây Nguyên đã đào tạo gần 40.000 SV, HS, HV các hệ; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho vùng Tây Nguyên và cả nước. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Nhà trường đều nỗ lực phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học; nhờ vậy mà kết quả học tập của SV – HS có chiều hướng tốt hơn và tương đối ổn định qua từng năm. Mấy năm gần đây, trung bình 64-67% SV của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn; tỷ lệ SV hài lòng với khóa học đạt 99,7%.
Năm học 2019 – 2020, Trường Đại học Tây Nguyên đón 2.000 HS, SV, nâng tổng số HS, SV của trường lên hơn 9.500, trong đó: bậc THPT có 1.000 HS, bậc đại học 8.000 SV và 500 HV sau đại học. TS. Nguyễn Thanh Trúc – Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết để tiếp tục trở thành trường đại học có uy tín trong nước và khu vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trong năm học mới này Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, nhất là đối với chất lượng các chương trình đào tạo; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tài chính, cải cách hành chính và quản trị trường; nâng cao năng lực, hiệu quả các đơn vị thuộc trường. Bên cạnh đó, Trường Trường Đại học Tây Nguyên cũng chú trọng công tác quy hoạch đào tạo, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ viên chức; tích cực đổi mới chương trình, nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành.
Về lâu dài, Trường sẽ đánh giá lại các ngành đang đào tạo trên cơ sở đó để điều chỉnh, mở các ngành đào tạo ở bậc đại học và sau đại học cho phù hợp với nhu cầu và phát triển xã hội. “Ngoài ra thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Trường Đại học Tây Nguyên cũng đang xúc tiến phát triển khoa Y – Dược tiến đến thành lập đại học Y – Dược. Hiện Nhà trường đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt cấp đất và đang tiến hành xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí… để thành lập khi đủ điều kiện” – ông Trúc thông tin.
Nguyễn Trọng