Cần Thơ

UBND huyện Hồng Dân:Tập trung “nội lực” và “ngoại lực” cho sự phát triển lâu dài

2:29 sáng | 14/06/2019

Mặc dù là huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Bạc Liêu, nhưng huyện Hồng Dân còn nổi trội là địa phương giàu truyền thống anh hùng, có một tập thể đoàn kết cùng chung tay quyết tâm xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp. Theo đó việc kết hợp giữa yếu tố “nội lực” và “ngoại lực” chính là định hướng cơ bản để huyện nhà tiếp tục trở thành điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư.

Bám sát chủ trương

“Yếu tố nội lực và ngoại lực chính là những lợi thế bên trong và bên ngoài. Đó là Hồng Dân luôn bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước; tranh thủ vốn, các chương trình MTQG, các dự án của Trung ương và tỉnh triển khai trên địa bàn huyện. Ngoài sự đoàn kết của toàn dân, Hồng Dân luôn tạo mọi thuận lợi, thông thoáng để thu hút đầu tư, với quan điểm: Việc gì khó, chính quyền giải quyết; việc gì dễ, thuận lợi dành cho các nhà đầu tư” – Ông Huỳnh Chí Nguyện, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân nhấn mạnh.

Không chỉ thế, Hồng Dân còn nổi trội là huyện luôn chú trọng vào công tác CCTHHC. Địa phương đã thành lập Trung tâm Hành chính công giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân (đi vào hoạt động tháng 10/2017). Đi liền với không ngừng nâng cao nhận thức của CBCNVC và nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng trong việc xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại. Tăng cường các hình thức truyền thông về tầm quan trọng, ý nghĩa và các nội dung cơ bản của công tác kiểm soát TTHC theo Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tận dụng lợi thế

Chịu nhiều tổn thất trong 2 cuộc kháng chiến đã qua. Đến nay Hồng Dân đã từng bước xây dựng huyện nhà phát triển xứng tầm với công cuộc CNH-HĐH, mở cửa thu hút đầu tư của tỉnh cũng như nước nhà. Đặc biệt hai năm trở lại đây tình hình thực hiện chỉ tiêu phát triển KT-XH của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,74%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, khu vực nông nghiệp – thủy sản là 62,93%, công nghiệp – xây dựng là 9,4%, thương mại – dịch vụ là 27,67%, thu nhập bình quân đầu người là 37,1 triệu đồng…

Địa phương cũng đã trở thành “điểm đến” tin cậy của các nhà đầu tư, điển hình như huyện đã kêu gọi vào các dự án quan trọng như nhà máy Vĩnh Lộc, chợ Ngan Dừa; hay kêu gọi phát triển tôm, lúa chất lượng cao. Hiện tại huyện đã quy hoạch 2 vùng sản xuất rõ rệt, ổn định là vùng ngọt được bao bọc bởi hệ thống đập ngăn mặn, chuyên sản xuất lúa (diện tích hơn 9.000 ha); vùng chuyển đổi được quy hoạch sản xuất lúa – tôm kết hợp (diện tích hơn 25.000 ha). Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh cũng được đầu tư nhiều, hệ thống thủy lợi được duy tu, nạo vét. Công tác tập huấn chuyển giao KHKT cho người dân được thực hiện rất tốt, người dân đã nắm được kỹ thuật canh tác tôm, lúa, chăn nuôi cũng như lựa chọn giống để sản xuất. Ông Nguyện còn chia sẻ thêm: “Có thể nói Hồng Dân tự tin “đứng dậy” khẳng định mình chính là địa phương đã luôn chú trọng để người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nhất là chăm sóc sức khỏe; chăm lo tốt nhu cầu về nhà ở và đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm phù hợp cho người nghèo”

Chú trọng kêu gọi đầu tư

Chắc chắn rằng để một doanh nghiệp chọn Hồng Dân là điểm đến đầu tư thì huyện nhà phải luôn tích cực kêu gọi sức mạnh trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, quan trọng là người dân thật sự thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi người, mỗi gia đình trong xây dựng NTM. Hiện nay, huyện có 09 đơn vị hành chính (08 xã 01 thị trấn), trong đó có 08 xã xây dựng NTM, thị trấn Ngan Dừa xây dựng đô thị văn minh. Huyện đã có 4/8 xã đạt chuẩn NTM đó là: Ninh Quới A, Ninh Thạnh Lợi A,Vĩnh Lộc và Ninh Hòa; 04 xã còn lại: Ninh Qưới, Lộc Ninh, Ninh Thạnh Lợi và Vĩnh Lộc A dự kiến công nhận NTM trong năm 2019 (theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bạc Liêu); 100% xã có đường ô tô về tới trung tâm xã, tỷ lệ hộ dùng điện đạt trên 95%.

Theo đó, ông Nguyện chia sẻ thêm trong tương lai, công tác phát triển nông nghiệp sẽ tiếp tục là thế mạnh kinh tế của địa phương. Vì vậy vùng sẽ tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả thông qua đổi mới quan hệ sản xuất, thúc đẩy nhanh, mạnh quá trình liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ ra thị trường theo mô hình khép kín. Hiện địa phương đang có kế hoạch kết hợp cùng ngành nông nghiệp đưa du lịch trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy KT-XH. Bởi ngoài là vùng đất giàu truyền thống cách mạng gắn liền với nhiều “địa chỉ đỏ” như Khu căn cứ Tỉnh ủy và chùa Kos Thum (di tích lịch sử cấp quốc gia), sự kiện Chủ Chọt, Bia chiến thắng Lộc Ninh…, Hồng Dân còn được bao bọc bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, với dòng sông thơ mộng, những vườn cây ăn trái xum xuê được trồng quanh năm … Nếu tận dụng tối đa những lợi thế này, Hồng Dân sẽ tiếp tục gây ấn tượng sâu đậm về loại hình du lịch đặc sắc, lôi cuốn. Đây sẽ là hướng đi lâu dài, đòi hỏi sự ủng hộ rất lớn từ phía chính quyền địa phương, người dân, đặc biệt là những nhà doanh nghiệp có tầm nhìn và tâm huyết./

                                                                                            Minh Kiệt