VHDN – Trong bối cảnh bùng nổ CMCN 4.0, việc đầu tư công nghệ cùng các giải pháp phần mềm đóng vai trò quan trọng cho ngành công nghiệp gỗ tiến tới mô hình nhà máy sản xuất thông minh.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA) tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm ngành công nghiệp chế biến gỗ lần thứ 14 (VietnamWood) và Furnitec Việt Nam hôm 5/10 tại Tp.HCM.
Mở ra cơ hội kinh doanh trong và ngoài nước
Sau 1 năm tạm hoãn do đại dịch, VietnamWood sẽ trở lại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) từ ngày 18-21/10/2022. Năm nay, triển lãm thu hút hơ 250 đơn vị từ 25 quốc gia và khu vực trưng bày sản phẩm trên diện tích 10.500 m2. Nổi bật nhất là các khu gian hàng quốc tế từ Canada, Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Đài Loan và Úc. Khu vực gian hàng quốc tế hứa hẹn mang đến chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, tạo sự kết nối chặt chẽ cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp gỗ và nội thất. Sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh trong khu vực và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, doanh số xuất khẩu mặt hàng gỗ và lâm sản Việt Nam tính đến tháng 9/2022 đạt 12.4 tỷ USD, một phần đóng góp vào doanh số này có vai trò của VietnamWood thông qua các giải pháp công nghệ. Sự trở lại của VietnamWood sau một năm bị hoãn bởi đại dịch Covid-19 góp phần gỉai bài toán công nghệ cùng các giải pháp phần mềm, tiến tới mô hình sản xuất thông minh cho các nhà sản xuất gỗ trong nước.
Hướng tới mô hình sản xuất thông minh
Liên quan đến vấn đề sản xuất thông minh, tại buổi họp báo, Ông Lê Đức Hiếu – Giám đốc công ty TNHH TM Vĩ Đại – cho biết, khái niệm sản xuất thông minh không còn mới mẻ tại Việt Nam, tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư vào mô hình này hiện rất thấp (5-10%), lý do không phải nằm ở vấn đề tài chính, mà là do vấn đề nhân sự. Ông Hiếu giải thích, doanh nghiệp gỗ Việt Nam đủ năng lực tài chính để đầu tư, vấn đề là họ thiếu nhân sự đủ năng lực để vận hành các công nghệ và giải pháp phần mềm.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc, Phó TGĐ Bộ phận Chiến lược và hoạt động KPMG Việt Nam cho rằng chuyển đổi số chính là tương lai thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ sớm tụt lại phía sau. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số cần thực hiện một cách hợp lý, từng công đoạn và cần thời gian. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các công đoạn chuyển đổi để đạt được mục tiêu cao nhất