Tin nổi bật

Vĩnh Long Xây dựng chuỗi liên kết trong Nông nghiệp

2:11 sáng | 30/06/2018

“Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới, Vĩnh Long ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tích hợp chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu tiến tới phát triển bền vững”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Long Nguyễn Minh Tho chia sẽ về kế hoạch tái cơ cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

 

Ông vui lòng cho biết lợi thế so sánh về phát triển nông nghiệp của Vĩnh Long so với các tỉnh thành khác trong khu vực?

Nằm giữa khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên với các tỉnh trong khu vực. Vĩnh Long sở hữu mạng lưới sông ngòi rộng lớn và là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh thành và quốc tế thông qua các cửa biển. Xét về lợi thế phát triển nông nghiệp, Vĩnh Long có lợi thế riêng mà không phải tỉnh nào cũng có:

Yếu tố đầu tiên là vị trí địa lý: Vĩnh Long nối kết với khu vực thông qua mạng lưới giao thông thuỷ, bộ đa dạng gồm hai trực giao thông chính là quốc lộ 1A và sông Măng Thít, nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn là Tp.HCM và Cần Thơ, thuận lợi cho hoạt động trung chuyển hàng hoá nông sản trong khu vực.

Một yếu tố khác tạo lợi thế cho phát triển nông nghiệp là Vĩnh Long sở hữu mạng lưới nước ngọt quanh năm, thuận lợi cho phát triển các loại cây ăn trái, rau màu, đặc biệt là lúa.

Ngoài ra, thổ nhưỡng và thời tiết tại Vĩnh Long cũng phù hợp với nhiều loại cây trồng và vật nuôi, thuận lợi cho phát triển các loại nông sản chiến lược như lúa, rau màu, trái cây…

Hàng năm, Vĩnh Long sản xuất trên 1 triệu tấn lúa, 300.000 tấn khoai lang, nhiều loại cây ăn trái đặc sản, có giá trị kinh tế cao như bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, chôm chôm… với năng suất trên 522.000 tấn.

Kế hoạch triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thực hiện như thế nào, mục tiêu của ngành nông nghiệp Vĩnh Long đến năm 2020 là gì?

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã được khởi động vào năm 2013 và được điều chỉnh bổ sung vào năm 2017 với 4 mục tiêu chung: nông nghiệp tăng trưởng bền vững, hiệu quả với khả năng cạnh tranh cao; chuyển dịch nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập bình quân đầu người; phát triển bền vững trên cả ba mặt kinh tế, xã hội, đảm bảo môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu; đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững môi trường nông thôn.

Đến năm 2020, Vĩnh Long tập trung nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn (45 triệu Đồng/người/năm); giá trị sản xuất sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản trên một đơn vị diện tích đạt 200 triệu đồng/ha/năm; 50% xã đạt tiêu chí nông thôn mới (45/89 xã) và 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Hiện 01 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 39/89 xã đạt chuẩn nông thôn mới; giá trị sản xuất sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản trên một đơn vị diện tích 2017 ước đạt 170 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người nông thôn ước đạt 33,33 triệu đồng/người/năm.

Sản phẩm chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh là gì, công tác chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả như thế nào?

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp bổ sung năm 2017 xác định các sản phẩm chủ lực bao gồm lúa chất lượng cao, khoai lang, cây có múi (bưởi Năm Roi, bưởi Da xanh, cam sành); chăn nuôi heo, bò và cá.

Trong năm 2017, kết quả của đề án là rất tích cực. Diện tích trồng các sản phẩm chụ lực được mở rộng và hướng đến đạt tiêu chuẩn chất lượng như GAP, hữu cơ…Sản lượng đàn bò tăng đáng kể, các hộ chăn nuôi heo đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Nhiều mô hình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật mới đã được triển khai tại Vĩnh Long. Cụ thể là trong 3 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản.

Vĩnh Long đã tập trung phát triển mô hình liên kết chuỗi thông qua việc xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái (bửởi, cam, xoài..) quy mô lớn gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hoá; xây dựng vùng nguyên liệu bưởi; phát triển mô hình sản xuất khoai lang (tiêu chuẩn VietGap); xây dựng mô hình hoa kiểng và rau màu theo hướng nông nghiệp đô thị tại Tp.Vĩnh Long và thị xã Bình Minh; hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất rau màu quy mô lớn.

Về chăn nuôi, tỉnh đã phát triển mô hình gieo tinh nhân tạo heo và bò, phát triển các giống cây mới, ứng dụng đệm lót sinh học ở quy mô nông hộ, nhân giống heo chất lượng cao, nuôi bò theo hướng an toàn sinh học, phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt theo hướng giá trị gia tăng…

Về thuỷ sản, Vĩnh Long đã phát triển các mô hình thuỷ sản đặc sản như cá trê vàng, cá heo nước ngọt, tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá hô thương phẩm…

Để thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới, Vĩnh Long sẽ ưu tiên thực hiện những vấn đề trọng tâm nào?

Trong thời gian tới, Vĩnh Long sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho 6 sản phẩm chủ lực: lúa, khoai lang, cây có múi, heo, bò và cá. Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi sản phẩm từ nghiên cứu, giống, thực hiện các mô hình mẫu, các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc… Mục tiêu là khắc phục những hạn chế tồn tại, giúp ngành nông nghiệp sản xuất ổn định hơn, an toàn hơn, hiệu quả hơn.

Đề án bổ sung của Vĩnh Long đặc biệt đề cao vai trò của doanh nghiệp trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 97 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Vĩnh Long hoan nghênh các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu chính sách và nghiên cứu đầu tư phát triển nông nghiệp tại tỉnh. Đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng chuỗi liên kết trong nông nghiệp với mô hình 6 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học, nhà phân phối. Đây cũng là đề nghị của Thủ tướng chính phủ tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2018.

Trân trọng cảmơn ông!