Người Việt Nam ta có câu “Tiền bạc phân minh, giữ tình sau trước”, ai cũng hiểu và biết nhưng không phải ai cũng dễ dàng thực hiện. Câu chuyên dưới đây minh chứng cho điều đó.
Đó là câu chuyện của ông Trần Mạnh H (nguyên đơn); ông Trần V; ông Nguyễn Văn T. Các ông là những người bạn nối khố, đã từng vào sinh ra tử cùng nhau. Năm 2001, trong lúc trà dư tửu hậu đã bàn nhau góp vốn cùng kinh doanh.
Sau khi bàn bạc, ba người bạn đã góp vốn và thành lập ra Công ty TNHH Đ.T.A (tên công ty đã được thay đổi) và giao cho ông Nguyễn Văn T làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật. Theo thoả thuận miệng thì trên giấy Đăng ký kinh doanh chỉ có tên ông Trần V và Nguyễn Văn T là thành viên góp vốn, do ông Trần Mạnh H đang định cư ở nước ngoài.
Phần vốn góp ban đầu được ba ông thống nhất bằng nhau với số tiền mỗi ông góp hơn 2 tỷ đồng, tuy nhiên do ông Trần Mạnh H chỉ góp vốn mà không tham gia điều hành và quá trình hoạt động kinh doanh của công ty nên ông H sẽ đóng góp nhiều hơn hai ông bạn số tiền 500 triệu đồng, lợi tức vẫn được các bên thỏa thuận ba phần bằng nhau tương ứng với 33,33% vốn điều lệ.
Sau 12 năm Công ty TNHH Đ.T.A hoạt động, do năng lực, tâm huyết của hai ông Nguyễn Văn T, và Trần V công ty TNHH Đ.T.A đã có thương hiệu trên thị trường đồng thời số vốn góp ban đầu sau nhiều lần chia lợi tức thì giá trị tài sản của công ty đã lên đến con số gần 34 tỷ đồng, gấp năm lần so với số vốn góp ban đầu.
Từ báo cáo tài chính hàng năm của công ty TNHH Đ.T.A ông H đã được chia lợi tức với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng, bằng các hình thức: Nhận tiền mặt, chuyển khoản và mở sổ tiết kiệm do ông T đứng tên và giao cho bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ (chị gái ông H) quản lý.
Tháng 03/2018, ông H quyết định trở về Việt Nam định cư. Nhiều lần ông H đã đề nghị với ông T và ông V thay đổi đăng ký kinh doanh để chính thức ghi nhận ông làm thành viên góp vốn, và từ đó cùng tham gia điều hành hoạt động của công ty, nhưng bị từ chối với lý do: Theo quy định của pháp luật thì từ ngày thành lập, ông H không đóng góp công sức vào điều hành hoạt động của công ty nên chỉ được chia lợi tức mà thôi.
Tháng 02/2019, Ông H đã khởi kiện ra Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội để yêu cầu Toà án xác định phần vốn góp của ông tại công ty TNHH Đ.T.A, và yêu cầu Công ty TNHH Đ.T.A tiến hành bổ sung ông là thành viên Công ty với số vốn thực tế đã góp và để cho ông tham gia vào việc điều hành hoạt động của công ty.
Ngày 11/11/2019, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội, đã xử sơ thẩm “Tranh chấp thành viên công ty với công ty”. Luật sư Vũ Minh Tiến là luật sư Ban pháp chế Trung tâm Văn hóa Doanh nhân được cử là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là ông Trần Mạnh H và đại diện theo uỷ quyền ông Lại Ngọc T trình bày quan điểm bảo vệ với những lý lẽ thấu tình, đạt lý theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn áp dụng.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã nhận định theo quan điểm của luật sư bên phía nguyên đơn và áp dụng: Điều 50 Luật Doanh nghiệp 2015 quy định về quyền của thành viên:
- Tham dự họp Hội đồng thành viên, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên.
- Có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 48 của Luật này.
- Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản.
- Được ưu tiên góp thêm vốn vào công ty khi công ty tăng vốn điều lệ.
- Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ, tặng cho và cách khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
- Tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và cán bộ quản lý khác theo quy định tại Điều 72 của Luật này.
Từ những căn cứ trên, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra phán quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – ông Trần Mạnh H và xác định ông Trần Mạnh H là thành viên của Công ty TNHH Đ.T.A với tỷ lệ vốn góp là 1/3, buộc Công ty TNHH Đ.T.A làm thủ tục tại Phòng ĐKKD – Sở kế hoạch Đầu tư thành phố Hà Nội để bổ sung tên ông Trần Mạnh H là thành viên góp vốn của công ty, đồng thời ông H được quyền tham gia vào việc điều hành hoạt động của công ty TNHH Đ.T.A.
Bản án được các đương sự tham gia phiên tòa tâm phục, khẩu phục nên không có kháng cáo, Viện kiểm sát không có kháng nghị, do vậy sau 15 ngày bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Phiên tòa kết thúc, sau một hồi trầm tư, ông T và ông V đã chủ động bắt tay và nói lời cảm ơn với luật sư của ông H. Có lẽ chỉ sau phiên tòa kết thúc các ông mới nhận ra rằng tình bạn – cái tình mà các ông đã có với nhau từ thời nối khố mới là quan trọng nhất. Các ông do không hiểu về quy định của pháp luật nên ngay từ ban đầu các bên đã vì chữ tình và sự thân thiết nhiều năm mà không có văn bản thỏa thuận vững chắc để làm tiền đề về sau. Các ông cảm ơn luật sư Vũ Minh Tiến vì trong quá trình giải quyết tranh chấp luôn thiện tâm và hướng cho các bên hài hòa lợi ích trên quan điểm “một bồ cái lý không bằng tí cái tình”, tình cảm tốt đẹp của các ông bao năm qua vẫn còn giữ được, đấy là điều mà các ông quý trọng hơn cả, cho dù tình cảm đó đã có lúc lung lay đến mức tưởng chừng không còn nhìn mặt nhau. Người viết cho rằng, đây là vụ án với hồi kết có hậu.
Luật sư: Vũ Minh Tiến